Tuổi thọ của người dân trên thế giới tiếp tục tăng tới năm 2030
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí "The Lancet" ngày 22/2, tuổi thọ của người dân sẽ tiếp tục tăng tại các quốc gia phát triển và sẽ vượt qua 90 tuổi vào năm 2030 đối với phụ nữ ở các nước như Hàn Quốc, Pháp và Nhật Bản.
Giáo sư Majid Ezzati, thuộc Đại học Imperial London,tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh: “Cho đến gần đây, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng tuổi thọ sẽ không bao giờ vượt quá 90 năm”.
Tuy nhiên, sử dụng 21 mô hình toán học để dự đoán sự phát triển của tuổi thọ ở 35 quốc gia phát triển, các tác giả của nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng những phụ nữ Hàn Quốc nhiều khả năng có tuổi thọ vượt quá 90 tuổi vào năm 2030. Tuổi thọ của họ lúc sinh ra (có nghĩa là cuộc sống mong đợi của một em bé Hàn Quốc sinh năm 2030) dự kiến đạt 90,8 tuổi, trong khi đó tuổi thọ của người dân Nhật Bản và Pháp lần lượt dự kiến đạt 88,6 tuổi và 88,4 tuổi.
Tương tự, theo nghiên cứu, tuổi thọ của nam giới Hàn Quốc cũng được dự kiến sẽ dẫn đầu với 84,1 tuổi, sau đó Australia và Thụy Sĩ, nam giới sẽ có tuổi thọ trung bình là 84 tuổi.
Theo thống kê gần nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi năm ngoái, 3 quốc gia có tuổi thọ cao nhất trong năm 2015 là: Nhật Bản (86,8 tuổi), Singapore (86,1 tuổi) và Tây Ban Nha (85,5 tuổi) đối với phụ nữ; và Thụy Sĩ (81,3 tuổi), Iceland (81,2 tuổi) và Australia (80,9 tuổi) đối với nam giới.
Hàn Quốc rõ ràng là quốc gia có bước nhảy vọt khi tuổi thọ tăng 6,6 tuổi đối với nữ và 7 tuổi đối với nam trong giai đoạn từ năm 2010 – 2030. Các nước khác như Slovenia cũng đang trong tiến trình tăng tuổi thọ (4,7 tuổi đối với phụ nữ và 6,4 tuổi đối với nam giới) trong cùng thời kỳ.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, tình hình dường như không được cải thiện vào năm 2030 tại Mỹ, nơi tuổi thọ của người dân thấp hơn nhiều nước phát triển khác. Theo đó, tuổi thọ của người dân Mỹ dự báo sẽ tăng từ 81,2 tuổi vào năm 2010 lên 83,3 tuổi vào năm 2030 đối với phụ nữ và từ 76,5 lên 79,5 tuổi đối với nam giới, con số tương tự của các quốc gia như Croatia hay Mexico. Để giải thích điều này, các nhà nghiên cứu đề cập tới những bất bình đẳng quan trọng, việc thiếu một hệ thống chăm sóc sức khỏe phổ quát cũng như tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, các vụ giết người và tình trạng béo phì đặc biệt cao.
Hàn Quốc được coi là quốc gia điển hình bởi có chỉ số phát triển kinh tế ổn định, cùng với đó là chế độ dinh dưỡng khoa học lành mạnh, điều kiện chăm sóc sức khỏe toàn diện với các công nghệ hiện đại, có ít người thừa cân và tỷ lệ người hút thuốc lá ở phụ nữ thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác.
Ngoài ra, cũng theo các nhà nghiên cứu, khoảng cách chênh lệch về giới, vốn ở mức từ 3,9 tuổi tại New Zealand lên đến 8,5 tuổi ở Ba Lan vào năm 2010, dự kiến sẽ giảm trong tất cả các nước vào năm 2030, ngoại trừ Mexico, nơi phụ nữ dự kiến sẽ tăng tuổi thọ cao hơn nam giới; ở Chile, Pháp và Hy Lạp, nơi tuổi thọ của nam giới và phụ nữ cùng tăng tương tự.
“Những người đàn ông thường có lối sống kém lành mạnh hơn và từ đó, tuổi thọ của họ thấp hơn. Họ hút thuốc lá và uống nhiều hơn, và thường là nạn nhân của các vụ tai nạn và giết người” – Giáo sư Ezzati nhấn mạnh. “Nhưng cuộc sống của những người đàn ông và phụ nữ đang có xu hướng gần nhau hơn và tuổi thọ cũng vậy”./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()