Tunisia đề nghị LHQ đẩy nhanh giải quyết vấn đề đập Đại Phục Hưng
Ethiopia cho rằng con đập này giúp cung cấp điện và có tầm quan trọng thiết yếu đối với phát triển kinh tế, trong khi Ai Cập cảnh báo con đập đe dọa nguồn nước sông Nile, đe dọa sự ổn định khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 7/7, Tunisia đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động để trong vòng 6 tháng tới, Ethiopia, Sudan và Ai Cập có thể đạt được thỏa thuận mang tính ràng buộc liên quan đến đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD).
Hiện Tunisia đã trình Hội đồng Bảo an dự thảo nghị quyết về vấn đề nói trên và dự kiến trong ngày 8/7, cơ quan này sẽ tiến hành họp và bỏ phiếu.
Dự thảo kêu gọi ba nước liên quan tránh đưa ra các tuyên bố hoặc có hành động làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán, đồng thời kêu gọi Ethiopia không đơn phương trữ đầy hồ chứa tại con đập này.
Trước đó, ngày 5/7, Bộ Thủy lợi Ai Cập cho biết đã nhận được công hàm của Chính phủ Ethiopia cho biết họ đã bắt đầu trữ nước tại hồ chứa phía sau con đập sang năm thứ hai.
Ai Cập cho rằng làm như vậy đe dọa nguồn nước sông Nile, đe dọa sự ổn định khu vực. Ethiopia cho rằng con đập này giúp cung cấp điện và có tầm quan trọng thiết yếu đối với phát triển kinh tế của họ.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn báo Ahram Online cho biết nhiều nguồn tin tại Liên hợp quốc đã đề cập tới khả năng cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an về dự thảo của Tunisia có thể hoãn sang tuần sau (ngày 15 hoặc 16/7), cho phép Ai Cập và Sudan có cơ hội giải thích thêm về các vấn đề và tình hình liên quan cũng như đảm bảo số phiếu cần thiết để Hội đồng Bảo an thông qua dự thảo nghị quyết mà không cần sửa đổi.
Ngày 2/7 vừa qua, Tunisia, nước Arab duy nhất trong số 10 ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã đệ trình một dự thảo nghị quyết về đập Đại Phục Hưng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp vào ngày 8/7 để thảo luận về vấn đề này, theo yêu cầu của Cairo và Khartoum.
Dự thảo nghị quyết kêu gọi Ai Cập, Ethiopia và Sudan nối lại các cuộc đàm phán, theo đề nghị của Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) và Tổng thư ký Liên hợp quốc, để hoàn thiện trong vòng 6 tháng một văn bản thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý liên quan đến việc trữ nước và vận hành Đại Phục Hưng.
Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh thỏa thuận phải “đảm bảo rằng con đập này của Ethiopia không gây ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của các quốc gia ở hạ nguồn.”
Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi ba nước kiềm chế và không có bất kỳ hành động nào có thể gây tổn hại đến quá trình đàm phán, đồng thời yêu cầu Ethiopia không tiếp tục đơn phương tích nước cho hồ chứa của đập Đại Phục Hưng./.
Ý kiến ()