Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam
Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" là một nghị quyết đặc biệt quan trọng, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, vừa nhằm giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách. Triển khai thực hiện Nghị quyết, ngày 23-7-2014, tại Trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội, Báo Nhân Dân và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm khoa học mang tên "Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam".
Tới dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các đồng chí: PGS, TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (LLPB VHNT T.Ư); nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình về văn hóa, văn học – nghệ thuật có uy tín trong cả nước.
Tham gia chủ trì và phát biểu đề dẫn tại cuộc tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu điểm lại những thành tựu của văn học, nghệ thuật theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương; đồng thời chỉ rõ những yếu kém, lệch lạc, nhất là trong lĩnh vực lý luận, phê bình: “Sự thiếu thống nhất, lạc hậu, thậm chí mơ hồ trong lý luận, phê bình đã tác động tiêu cực đến sáng tác. Điều đáng lưu tâm là nhiều nhà phê bình còn cổ súy cho các xu hướng thương mại, kỳ quái, lai căng, dung tục, trái với đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và truyền thống dân tộc, xa rời hoặc quay lưng lại với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Báo cáo đề dẫn nêu ra bốn nội dung cần thảo luận: Một là, đánh giá sâu hơn thực trạng văn nghệ hiện nay, lý giải vì sao phải xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam trong tình hình mới. Hai là, làm rõ yêu cầu và dự kiến những nội dung cơ bản của hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ba là, vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ cấp thiết này, nhằm tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ và thúc đẩy liên tục sự phát triển của văn học – nghệ thuật nước nhà. Bốn là,làm rõ lộ trình của một công việc mang ý nghĩa trọng đại của nền văn nghệ nước nhà đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết.
Tính cấp thiết của việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam
Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Ở mọi lĩnh vực, đều xuất hiện những vấn đề mới, những yêu cầu mới chưa từng có trong lịch sử. Với văn học nghệ thuật, một lĩnh vực tinh tế và nhạy cảm, vấn đề tỏ ra phức tạp hơn, khi lý luận phê bình rơi vào khủng hoảng, thậm chí rối loạn; tự do sáng tạo được mở rộng nhưng đồng thời có nhiều tiêu cực.
Không phải ngẫu nhiên, nhiệm vụ xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật lại được đề cập trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đến nay. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI gần đây đã nêu lên những hạn chế trong bản thân đời sống văn học nghệ thuật: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại”; đồng thời thẳng thắn chỉ ra một nguyên nhân bên trong, đó là: “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có nhiều mặt bất cập, lạc hậu”, “chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.
Cùng với việc đề cao văn hóa, coi văn hóa là mục tiêu, động lực, là nền tảng tinh thần xã hội, nền tảng của sự phát triển bền vững; xác định văn nghệ là bộ phận tinh hoa của văn hóa, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, được nhắc lại trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 9 mới đây, đòi hỏi phải nhanh chóng “Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”. Điều đó đã khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến văn học nghệ thuật trong quá trình hoạch định đường lối phát triển chung của đất nước; đặt nhiệm vụ phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế.
Lý luận văn nghệ sinh ra từ thực tiễn sáng tác, là người bạn đồng hành với sáng tác. Vì thế, muốn tránh tụt hậu ở cả hai lĩnh vực sáng tác và lý luận phê bình, Việt Nam cần xây dựng được một nền lý luận văn nghệ hiện đại. Đây là đòi hỏi cấp bách xuất phát từ chính yêu cầu của thực tiễn văn nghệ nước ta. Bàn về những tụt hậu của phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay, PGS, TS Đào Duy Quátthẳng thắn chỉ ra: Do tình trạng phê bình lạc hậu nên phê bình văn học, nghệ thuật chưa chủ động định hướng được dư luận; tác phẩm thành công không được kịp thời phát hiện, khẳng định; xu hướng thể nghiệm mới không được kịp thời đánh giá, gợi mở, dẫn đến nguy cơ phê bình văn nghệ đang tự đánh mất vị trí, trách nhiệm của mình là đánh giá thẩm định, dự báo, định hướng và là nhịp cầu nối giữa văn học, nghệ thuật với công chúng. Bên cạnh đó, một số không nhỏ các nhà phê bình chưa bao quát hoặc đứng ngoài sự sôi động của đời sống sáng tác văn học, nghệ thuật; nhiều người lúng túng trước các hiện tượng mới lạ trong hoạt động sáng tác, một số người chỉ quen với các mô-típ, mô hình cũ và dị ứng với một số hiện tượng mới lạ; một số nhà phê bình thiếu bản lĩnh, né tránh cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn học – nghệ thuật và cuộc “xâm lăng văn hóa”. Đáng chú ý, do không ít cơ quan báo chí và cán bộ biên tập các chuyên trang văn nghệ trên các báo hiện nay chưa được đào tạo chuyên môn lý luận phê bình văn nghệ, một phần khác do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đã gây ra sự loạn chuẩn trong thẩm bình, xa rời đường lối văn nghệ của Đảng.
Thực trạng đáng lo ngại này đã kéo dài nhiều năm do hoạt động nghiên cứu lý luận văn nghệ chưa được coi trọng, còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác động đối với sáng tác. Có tình trạng vừa chối bỏ, dị ứng với một số lý thuyết mới; lại vừa vồ vập, đề cao thái quá một số lý thuyết khác.
Mặc dù cần phải duy trì một hệ thống mở để chống sự thoái hóa, xơ cứng trong lý luận, nhưng cần phải xác định hạt nhân của nền lý luận văn nghệ Việt Nam mới. Hạt nhân của nền lý luận văn nghệ Việt Nam đó, theo GS Hà Minh Đứcvà nhà nghiên cứu La Khắc Hòa vẫn là Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và nền mỹ học Mác-xít. GS Hà Minh Đức nhấn mạnh, ở góc độ về văn học -nghệ thuật, những ý kiến của Mác – Ăng-ghen đặt nền móng cho những luận điểm cơ bản về văn học nghệ thuật, nhưng cũng cần tiếp nhận theo hướng gợi mở thêm và có thể góp phần làm phong phú hơn ý kiến của các nhà kinh điển trong thời đại hôm nay.
Cũng bàn về tính cấp thiết của vấn đề, PGS, TS Phan Trọng Thưởngnhấn mạnh: Mặc dù chiến tranh đã kết thúc ngót 40 năm, tiến trình đổi mới và hội nhập đã diễn ra ngót 30 năm, nhưng những kinh nghiệm lịch sử, kinh nghiệm nghệ thuật, kinh nghiệm lý luận vẫn chưa được tổng kết, đúc rút một cách khoa học. Trong khi đó, thực tiễn văn học nghệ thuật vẫn không ngừng vận động, phát triển dưới tác động của những quy luật lịch sử mới, những nhân tố chủ quan và khách quan mới. Tình trạng này tạo nên sự không tương thích giữa một bên là hệ thống lý luận mang màu sắc quan phương, giáo điều, với một bên là thực tiễn sinh động, phong phú, đa dạng. Lý luận văn học khủng hoảng nên hệ thống tiêu chí đánh giá, tiếp nhận và thưởng thức văn học cũng xộc xệch theo. Trước thực trạng đó, yêu cầu xây dựng hệ thống lý luận, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nghệ thuật là đòi hỏi bức thiết. Đây vừa là yêu cầu chủ quan, vừa là yêu cầu khách quan của đời sống xã hội với văn học.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã nêu lên yêu cầu khách quan của sáng tác và cả yêu cầu nội tại của chính lý luận về việc phải sớm xây dựng một hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Đó là nền lý luận tổng kết được các giá trị văn hóa của dân tộc, tiếp thu một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo các tinh hoa thế giới nhằm gợi mở, soi dẫn, chắp cánh cho sáng tác. Lý luận phải giúp nâng cao chất lượng sáng tác và phê bình trước những thay đổi của đời sống và xã hội, của thị hiếu công chúng, của yêu cầu hội nhập và phát triển. Đó là nền lý luận không chỉ dừng lại trên những vấn đề lý thuyết mà phải tỏ rõ sức sống trong sáng tạo, tiếp nhận văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nhà thơ nêu hình ảnh “sự bay bổng của sáng tác rất cần đôi cánh của lý luận”, đồng thời cho rằng lý luận cần nghiên cứu sâu hơn về sự hình thành và phát triển, thậm chí lụi tắt của tài năng; cần chú ý đến mảng lý luận do chính các nhà văn đúc kết từ thực tiễn sáng tác của mình.
Lộ trình xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam
Theo GS, TS Trần Ngọc Vương, cách nói hệ thống lý luận phê bình văn nghệ Việt Nam là cách tư duy của hiện đại, còn trước kia, cha ông ta chưa có quan niệm đó, do đó nên chăng phải đặt vấn đề, thảo luận lại hàng loạt vấn đề từ gốc. Lâu nay trong từng lĩnh vực VHNT đều có những công trình, tổng kết cụ thể từng loại hình, nhưng chưa bao giờ chúng ta hệ thống hóa lại những thành tựu, tổng kết, đánh giá mang tính lý luận. Các đại biểu cùng thống nhất với quan điểm xây dựng hệ thống lý luận phê bình VHNT là một công cuộc “từng bước”, không thể vội vàng, nôn nóng một sớm một chiều có thể thực hiện được.
GS, TS Đinh Xuân Dũng, Thường trực Hội đồng LLPB VHNT T.Ư đã đưa ra kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học như một phác thảo về những định hướng và nội dung của hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam như sau:
Về định hướng, có năm định hướng chính: Cần bám sát thực tiễn mới của VHNT Việt Nam, đặc biệt từ giai đoạn đổi mới đến nay; Phân tích, làm rõ thực trạng phát triển, biến đổi của lý luận VHNT từ thời kỳ đổi mới (1986) đến nay (so sánh với các giai đoạn trước đổi mới); Xác định những nhân tố tác động đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ giao lưu và hội nhập quốc tế; Quan điểm định hướng của Đảng về VHNT và vai trò của nó đối với sự phát triển của lý luận văn nghệ ở nước ta; Tiếp thu có chọn lọc và phát triển tư duy lý luận văn nghệ truyền thống trong lịch sử dân tộc.
Về nội dung, có bảy nội dung cơ bản trong hệ thống lý luận VHNT Việt Nam: Vấn đề bản chất của VHNT; Các thuộc tính của VHNT; Đặc trưng của VHNT; Vấn đề chức năng của VHNT – Vai trò của VHNT trong xã hội hiện đại và con người đương đại; Quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Các phương thức tồn tại, truyền bá các tác phẩm VHNT trong xã hội hiện đại; Vấn đề các trào lưu và phương pháp sáng tác nghệ thuật; Tiếp nhận tác phẩm VHNT và vấn đề giáo dục thẩm mỹ trong xã hội hiện đại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, Trưởng ban chỉ đạo Đề án xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc tọa đàm này là một hoạt động bổ ích, thiết thực, tích cực triển khai một nghị quyết quan trọng của Trung ương. Từ việc tiếp thu những di sản của cha ông và tinh hoa lý luận thế giới, những người làm công tác lý luận hôm nay phải kế thừa, có những bước phát triển, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của hiện tại và tương lai. Mục tiêu của việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam là phải tạo ra tiêu chí chuẩn xác cho công tác phê bình, thúc đẩy sự nghiệp sáng tác nhằm tạo ra những tác phẩm hay, làm xúc động lòng người; từ văn hóa diễn chuyển thành văn hóa sống; góp phần phát triển nhân cách và làm cho dân tộc phát triển. Các cơ quan có trách nhiệm cần có người cụ thể để làm việc này. Cần phát huy trí tuệ của toàn xã hội, hướng các sinh viên, nghiên cứu sinh tham gia vào việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ thuần túy Việt Nam.
Tổng kết tọa đàm, PGS, TS Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT T.Ư, nêu rõ, các ý kiến đều khẳng định, việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam đã là một việc làm cấp thiết, nhằm hạn chế những tiêu cực trong phê bình và sáng tác hiện nay, tạo cánh bay cho đội ngũ sáng tác và phải tựa chắc vào những điểm tựa sau đây: Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và nền mỹ học Mác-xít; Đường lối VHVN của Đảng; Di sản tư tưởng về VHVN của cha ông ta; Thực tiễn VHNT Việt Nam, nhất là thực tiễn VHNT từ ngày có Đảng; Tinh hoa lý luận về VHNT của thế giới.
Buổi tọa đàm đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, đặc biệt là về phương pháp luận. Việc Báo Nhân Dânchủ động mở hội nghị khoa học này, thể hiện tính tiên phong, vai trò ngọn cờ tư tưởng của báo Đảng; đồng thời là lời kêu gọi giới báo chí và truyền thông trong cả nước tham gia tích cực vào việc thúc đẩy sự nghiệp phát triển VHNT nước nhà “nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam” như Nghị quyết T.Ư 9 đã nêu.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()