Từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày truyền thống thi hành án dân sự”; đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2014. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đến chúc mừng và phát biểu chỉ đạo.
Ngày 26/12, tại Hà Nội, Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày truyền thống thi hành án dân sự”; đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2014. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đến chúc mừng và phát biểu chỉ đạo.
Ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg lấy ngày 19/7 hàng năm là “Ngày truyền thống Thi hành án dân sự”, đánh dấu chặng đường lịch sử 67 năm hình thành và phát triển của các cơ quan Thi hành án dân sự.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã trao Huân chương lao động hạng Ba cho Tổng cục thi hành án dân sự (THADS).
Phát biểu chúc mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm đối với ngành tư pháp, các cơ quan thi hành án, cán bộ, công chức thi hành án dân sự.
Biểu dương thành tích của các thế hệ cán bộ, công chức ngành thi hành án dân sự trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những kết quả này đã góp phần bảo vệ công lý, thúc đẩy chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền và nền tư pháp Việt Nam XHCN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương và chúc mừng đại |
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bước sang năm 2014, năm bản lề của nửa cuối nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ khóa XIII, cũng là năm đầu tiên toàn Đảng, Nhà nước, toàn dân và toàn quân ta triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi, chính vì vậy, Bộ Tư pháp với chức năng giúp Chính phủ quản lý công tác xây dựng và thi hành pháp luật, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp cũng đứng trước thách thức lớn. Trong bối cảnh đó, đối với công tác thi hành án dân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung cao độ mọi nguồn lực, phát huy tính sáng tạo, tinh thần đoàn kết, hợp tác trong toàn bộ hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự, khắc phục bệnh thành tích để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13 và các yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 63/2013/QH 13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội; đồng thời tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc thuộc những lĩnh vực nóng, gây bức xúc trong xã hội, tác động xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Cùng với đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cơ quan thi hành án; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh các vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong thi hành án; hoàn thành trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề án về phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do ngành tư pháp quản lý nói chung, công tác thi hành án dân sự nói riêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong năm 2014 và 2015, Bộ Tư pháp phải quyết tâm cao độ, phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương tổ chức triển khai thí điểm mô hình Thừa phát lại, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để đưa mô hình này vào hoạt động hiệu quả trên thực tế, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án, coi đây là nhiệm vụ chính trị chung của Ngành. Khẩn trương chuẩn bị báo cáo Chính phủ về định hướng lớn sửa đổi Luật thi hành án dân sự và soạn thảo dự án Luật sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến, tạo sự đồng bộ về mặt thể chế với luật tổ chức các cơ quan tư pháp và luật tố tụng liên quan.
Theo báo cáo tổng kết công tác thi hành án dân sự năm 2013 (từ 1/10/2012 đế 30/9/2013), toàn Ngành đã thụ lý 732.179 việc, với số tiền là hơn 70,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 13,89% và 63,27% so với năm 2012.
Trong số việc có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 492.975 việc, đạt tỷ lệ 86,53%, thấp hơn 2,05% so với năm 2012 tương ứng số tiền gần 29 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,17%, thấp hơn 3,81% so với năm 2012.
Năm 2013 còn 239.144 việc chuyển sang năm 2014, tương ứng với số tiền hơn 41,5 nghìn tỷ đồng, không đạt chỉ tiêu Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả chưa toàn diện trên là do trong số vụ việc đang thi hành dở dang (thuộc diện có điều kiện thi hành), số vụ việc đã kê biên tài sản, định giá lại và bán đấu giá lại nhiều lần nhưng không đạt kết quả là 9.955 việc tương ứng với số tiền là trên 8,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 13% về việc và 81,41% về tiền trong số có điều kiện thi hành).
Bên cạnh đó, vẫn còn có những hạn chế và bất cập như tình trạng chậm ra quyết định thi hành án, vi phạm trong hoạt động thi hành án do lỗi chủ quan vẫn chưa khắc phục được cơ bản; tình trạng chấp hành viên, cán bộ thi hành án vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật có xu hướng tăng…
Song, dù chưa hoàn thành chỉ tiêu thi hành án xong về việc và tiền, nhưng về giá trị tuyệt đối, toàn Ngành đã giải quyết xong số việc và tiền cao hơn năm 2012. Công tác xác minh, phân loại án có tiến bộ so với năm 2012 và trước đây.
Năm 2014, ngành xác định thực hiện nghiêm chỉ tiêu “ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật”; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xác minh, phân loại án; kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự.
Toàn ngành tập trung giải quyết có hiệu quả số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo kế hoạch; tổng hợp, rà soát những vụ việc còn tồn đọng để tập trung xử lý; nâng cao chất lượng và tiến độ công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, phức tạp; khắc phục những vi phạm thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ…
Theo CPV
Ý kiến ()