Từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên gắn bó với nghề
|
Hiện nay, cả nước có hơn một triệu giáo viên, giảng viên các cấp học, bậc học đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) nước nhà. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế chính sách đối với đội ngũ nhà giáo còn bộc lộ nhiều hạn chế. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí BÙI MẠNH NHỊ, Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Nhằm giảm bớt những khó khăn, thiệt thòi cho nhà giáo, tháng 7 vừa qua, Chính phủ có ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Tuy nhiên, nhà giáo có thời gian giảng dạy đủ năm năm mới được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Đồng chí có thể giải thích rõ hơn về việc vì sao lấy khoảng thời gian đó để bắt đầu tính hưởng phụ cấp thâm niên?
Đồng chí Bùi Mạnh Nhị: Theo quy định Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ, nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở cơ sở giáo dục công lập sau khi đã trừ thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu, có đủ năm năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục thì được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5%; từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%. Phụ cấp thâm niên được quy định trong Nghị định này là phụ cấp thâm niên nghề. Nghị định quy định thời gian năm năm như trên vì đây là khoảng thời gian nhà giáo tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp. Quy định như vậy cũng là để thu hút, khuyến khích sự gắn bó của nhà giáo với nghề. Phụ cấp thâm niên của nhiều ngành, nghề khác cũng đều quy định, người được hưởng phụ cấp thâm niên nghề phải có ít nhất từ năm năm công tác trong ngành trở lên.
PV: Phụ cấp thâm niên như vậy là hợp lý đối với đội ngũ nhà giáo nói chung, trong khi đó ở vùng núi, vùng khó khăn, nhiều giáo viên ngoài việc dạy học, họ còn phải chăm lo đời sống cho học sinh. Vậy Bộ GD và ĐT có đưa ra cơ chế nào mang tính đặc thù cho giáo viên vùng khó khăn?
Đồng chí Bùi Mạnh Nhị: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài việc hưởng các chính sách như cán bộ, công chức, viên chức công tác trong ngành giáo dục, còn được hưởng thêm các chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi như: Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); Phụ cấp trách nhiệm công việc hệ số 0,3 so với mức lương tối thiểu chung; Phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) trong thời gian năm năm; Phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số; Trợ cấp tự học tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ công tác… Ngoài ra, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn… Như vậy, dù chưa đáp ứng được hết nhưng có thể nói về cơ bản các cơ chế chính sách cũng hướng tới sự quan tâm, chăm lo tới đặc thù vùng miền, nhất là những nhà giáo công tác tại các vùng khó khăn.
PV: Mặc dù về cơ chế, chính sách có sự chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, nhưng thực tế thời gian qua, ở một số địa phương, có trường hợp giáo viên, nhất là giáo viên mầm non bỏ dạy vì chế độ lương thấp, không bảo đảm đời sống. Đồng chí có thể cho biết, Bộ GD và ĐT nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Bùi Mạnh Nhị: Thực tế có trường hợp giáo viên mầm non ở một số địa phương (TP Hồ Chí Minh) đã thôi việc vì lý do lương thấp. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân; hiện nay còn hơn 70 nghìn giáo viên mầm non đang dạy ở các cơ sở mầm non ngoài công lập, đối tượng này hưởng lương từ nguồn học phí và sự hỗ trợ từ ngân sách của địa phương theo Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg với mức lương thấp nhất bằng lương tối thiểu chung.
Để hỗ trợ đời sống giáo viên mầm non yên tâm công tác, Bộ trưởng GD và ĐT đã ban hành Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT. Theo đó, giáo viên mầm non được giảm giờ làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở trên lớp từ 8 giờ/ngày còn 6 giờ/ngày so với quy định cũ và quy đổi một số hoạt động chuyên môn khác ra giờ dạy. Thời gian làm việc trong một năm của giáo viên mầm non là 42 tuần, thời gian nghỉ hè là 8 tuần được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có), được nghỉ các ngày nghỉ khác theo quy định của Luật Lao động. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định chế độ giảm giờ dạy đối với giáo viên làm công tác kiêm nhiệm, giáo viên dạy nhóm lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, giáo viên có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống.
Đáng chú ý, chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng lao động ở các trường công lập, bán công, dân lập được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ – TTg ngày 26-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15-12-2011. Theo đó, đối với giáo viên (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập được Nhà nước hỗ trợ ngân sách để trả lương theo thang bảng lương giáo viên mầm non, được nâng lương theo định kỳ, được tham gia đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác như giáo viên có cùng trình độ đào tạo đang hợp đồng làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Giáo viên mầm non công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục được Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ… Như vậy, với những cơ chế, chính sách mới sẽ giảm bớt những khó khăn trong đời sống của giáo viên giúp họ yên tâm, gắn bó với nghề hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Đến nay, tỷ lệ đạt trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên của nhà trẻ là 89,74%, mẫu giáo là 96,03%, tiểu học 99,46%, THCS 96,48% và THPT là 99,14%. Có 2,67% giáo viên TCCN, 2,48% giáo viên cao đẳng và 14,4% giáo viên đại học có trình độ tiến sĩ. (Nguồn: Bộ GD và ĐT) |
– Tổ chức các hoạt động và động viên đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tích cực hưởng ứng, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua. – Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sắp xếp đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. – Triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và bảo đảm về chất lượng. – Thực hiện đầy đủ, kịp thời việc đánh giá theo chuẩn, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. (Nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo năm học 2011 – 2012) |
Ý kiến ()