Từng bước tạo động lực đổi mới thi cử
Một trong những vấn đề được cả xã hội quan tâm đó là đổi mới hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) sao cho gọn nhẹ, hiệu quả, phản ánh trung thực kết quả học tập của học sinh. Việc này chỉ có thể thành công trên cơ sở đổi mới đồng bộ chương trình, nhất là đổi mới các hoạt động kiểm tra, đánh giá ở tất cả các cấp học phổ thông.
Xu thế chung của thế giới về đánh giá kết quả học tập là đề cao tính khái quát, công bằng, minh bạch nhằm xác nhận được một cách chính xác về phẩm chất và năng lực của người học. Mỗi hình thức, phương pháp đánh giá đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Tuy đã có nhiều cải tiến nhưng nhìn chung các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ vẫn nặng nề, tốn kém; chưa có hiệu quả cao gây bức xúc xã hội. Ðề thi vẫn chủ yếu coi trọng kiến thức, ít chú ý đánh giá năng lực vận dụng. Một trong các nguyên nhân của tình trạng dạy học theo lối đọc – chép, “mở lò luyện thi”, học tập đối phó… là do đề thi chỉ chú ý đến yêu cầu tái hiện kiến thức. Kết quả thi còn bị chi phối nhiều yếu tố chủ quan, cảm tính, nhất là đối với các môn khoa học xã hội; tình trạng học sinh quay cóp tài liệu, đặc biệt là chép bài của nhau trong khi thi vẫn còn khá phổ biến, dẫn đến kết quả đánh giá còn phiến diện, thiên lệch thiếu khách quan.
Xét một cách tổng quát, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ÐH, CÐ nói riêng ở Việt Nam còn lạc hậu từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện đến quy trình, cách thức xử lý, sử dụng kết quả. Theo kinh nghiệm thế giới, thi – công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học phải gắn bó chặt chẽ với chương trình, sách giáo khoa, nhất là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở trường phổ thông.
Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), Thường trực Ban soạn thảo Ðề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015, PGS, TS Ðỗ Ngọc Thống cho biết: Ðề thi không chỉ tập trung vào việc xem học sinh học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không, không chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo…
Việc thi – công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ cần kết hợp kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi, kiểm tra kết thúc để tốt nghiệp, kết quả thi, kiểm tra đầu vào. Việc công nhận tốt nghiệp THPT, phải dựa trên kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh; kết quả đánh giá cuối cấp học. Trong đó, đánh giá kết quả học tập theo hướng học xong đến đâu, kiểm tra đánh giá đến đấy.
Ưu điểm của việc đổi mới sẽ khắc phục được cơ bản những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện hành, để thực chất hơn, công bằng, khách quan và trung thực hơn; giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém. Tuy nhiên trong giáo dục phổ thông nước ta, khoa học đánh giá còn lạc hậu, trình độ tổ chức đánh giá và quản lý, sử dụng kết quả còn thấp; năng lực giáo viên và cán bộ nghiên cứu về đánh giá còn hạn chế; thói quen và tâm lý học ứng thí, trọng bằng cấp còn nặng nề… Do đó, cần phải có quyết tâm và các giải pháp phù hợp của các cấp quản lý và các cơ sở giáo dục, của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên.
TS Nguyễn Thị Lan Phương, Viện KHGD Việt Nam cho rằng: Các kỳ thi nói chung và thi tốt nghiệp THPT nói riêng là một biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát chất lượng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Khi chuẩn đầu ra của chương trình được đánh giá ở kỳ thi tốt nghiệp cấp THPT và tuyển sinh ÐH sẽ tạo động lực để giáo viên thiết lập kế hoạch giảng dạy và khuyến khích học sinh lập kế hoạch học tập nghiêm túc.
Ðể từng bước tạo động lực cho việc đổi mới thi cử tại Việt Nam sau năm 2015, Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ GD và ÐT đang hướng các trường ra đề mở, đưa những sự kiện, sự việc, hiện tượng, con người có thực trong đời sống vào để huy động sức sáng tạo, khả năng làm chủ kiến thức của học sinh, kích thích học sinh bày tỏ nhận thức, quan điểm cá nhân. Hiệu trưởng ÐH Sư phạm Vinh Ðinh Xuân Khoa cho rằng: Việc ra đề mở là vô cùng cần thiết vì hiện nay cách thức thi, kiểm tra đánh giá theo lối tái hiện kiến thức của các nhà trường đã cũ kỹ. Nếu áp dụng càng nhiều cách ra đề thi mở sẽ khiến học sinh biết cách vận dụng khéo léo kiến thức sách vở vào thực tiễn, rèn luyện tính cách và sức sáng tạo. Ðổi mới thi cử là chuyển từ việc học gì sang hiểu gì và vận dụng ra sao trong thực tiễn. Từ đó điều chỉnh, tác động ngược lại đến quá trình dạy học.
– Ðổi mới thi cử là phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông nói chung. Trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới sẽ có yêu cầu rất cao về định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trước hết là thể hiện ở việc có những bộ môn, có những chuyên đề mà học sinh được tự chọn theo sở thích, mong muốn của mình, hướng tới nghề nghiệp của mình trong tương lai. Sẽ có những phần đánh giá những nội dung đó để thấy rằng học sinh có phù hợp, có đáp ứng được yêu cầu của đào tạo tiếp theo cho ngành nghề mà mình theo hay không.
– Ðổi mới không chỉ ở việc kiểm tra học thuộc, mà còn kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức của học sinh, phục vụ việc hướng nghiệp cho các em sau này. Chính vì thế, nếu nói về tính đột phá, thì cần phải đột phá ngay trong chính phương pháp giảng dạy của từng giáo viên.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()