Từng bước nâng hiệu quả phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước
– Những năm qua, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (KVNN) gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, các cấp công đoàn đã triển khai các giải pháp nhằm từng bước thực hiện có hiệu quả công tác này, qua đó đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho công nhân, người lao động trong doanh nghiệp ngoài KVNN.
Đoàn viên, người lao động Chi Nhánh Lạng Sơn – Công ty Cổ Phần Vinpearl bầu Ban Chấp hành tại Đại hội thành lập CĐCS (7/2023)
Qua quá trình khảo sát, vận động thực tế của các cấp công đoàn tại các doanh nghiệp trên địa bàn, những khó khăn trong việc phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ngoài KVNN đó là mặc dù hằng năm số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, song đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ (số doanh nghiệp có dưới 10 lao động chiếm trên 90%), nhiều doanh nghiệp có quy mô gia đình, chủ yếu hoạt động dịch vụ, thương mại, xây dựng cơ bản, lực lượng lao động ít và thường xuyên biến động. Cùng đó, một số chủ doanh nghiệp không muốn thành lập tổ chức công đoàn, thiếu hợp tác với tổ chức công đoàn, tìm cách né tránh, trì hoãn việc thành lập CĐCS.
Để từng bước khắc phục khó khăn, năm 2018, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài KVNN; chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Đồng thời hằng năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho từng đơn vị; bố trí kinh phí cho công tác vận động, hỗ trợ đại hội thành lập CĐCS, hỗ trợ ban đầu cho CĐCS mới thành lập.
Cùng đó, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng Chương trình số 05 ngày 20/3/2019 về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh giai đoạn 2018 – 2023, trong đó tập trung tuyên truyền phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp ngoài KVNN và đưa ra mục tiêu phấn đấu hầu hết các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có 25 lao động trở lên thành lập được tổ chức công đoàn.
Thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, các đơn vị đã nghiêm túc triển khai công tác này. Trong đó, Hữu Lũng là một trong những huyện thực hiện có hiệu quả. Bà Hoàng Thị Bích Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2018, chúng tôi tham mưu Ban Thường vụ Huyện uỷ thành lập Ban Chỉ đạo vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài KVNN, tổ chức khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn, nếu đủ điều kiện sẽ trực tiếp xuống cơ sở tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thành lập CĐCS; vận động công nhân lao động tham gia tổ chức công đoàn. Qua đó, từ năm 2018 đến nay, huyện có thêm 13 CĐCS doanh nghiệp ngoài KVNN được thành lập với trên 900 đoàn viên, nâng tổng số doanh nghiệp ngoài KVNN trên địa bàn huyện có tổ chức công đoàn lên 24 doanh nghiệp.
Không chỉ riêng Hữu Lũng, với sự nỗ lực của LĐLĐ các huyện, thành phố trong thực hiện các giải pháp phù hợp với địa phương, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài KVNN, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 36 CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài KVNN được thành lập với trên 2.800 đoàn viên công đoàn. Trong đó, có 20 CĐCS được thành lập mới trong các doanh nghiệp ngoài KVNN có từ 25 lao động trở lên, vượt 5% so với chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Hiện nay, toàn tỉnh có 67/94 CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài KVNN có từ 25 lao động trở lên (chiếm 71,2%).
Anh Hoàng Cao Long, Chủ tịch CĐCS Chi nhánh Lạng Sơn – Công ty Cổ phần Vinperl, thành phố Lạng Sơn cho biết: Được LĐLĐ thành phố tuyên truyền, vận động, lãnh đạo công ty đã nhất trí thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của công – nhân viên, lao động. Tháng 7/2023, CĐCS công ty chính thức được thành lập với trên 100 đoàn viên.
Mặc dù công tác phát triển CĐCS tại doanh nghiệp ngoài KVNN có từ 25 lao động trở lên đã có chuyển biến, song cũng như tình trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài KVNN có tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp. Bên cạnh đó, công tác này phụ thuộc rất lớn vào sự biến động của kinh tế, xã hội. Đơn cử từ năm 2020 đến năm 2022, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, phá sản dẫn tới việc giải thể hoạt động của 41 CĐCS, giảm trên 600 đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài KVNN. Tính đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh chỉ có 131/3.835 doanh nghiệp có CĐCS.
Bà Bế Thị Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ rà soát kiện toàn Ban Chỉ đạo vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS doanh nghiệp ngoài KVNN. Đồng thời, hướng dẫn LĐLĐ các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành khảo sát, nắm tình hình doanh nghiệp, công nhân lao động trong các doanh nghiệp để tăng cường tuyên truyền, vận động. Nghị quyết Đại hội XVII, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, phấn đấu đến năm 2028 có 90% trở lên doanh nghiệp sử dụng ổn định từ 25 lao động trở lên thành lập được tổ chức công đoàn để các cấp công đoàn tiếp tục chủ động đổi mới, tìm giải pháp thực hiện chỉ tiêu.
Ý kiến ()