Từng bước nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông
–Từ năm 2019 đến năm 2022, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (Viet Nam ICT Index) của Lạng Sơn tăng qua từng năm. Các cấp, ngành trong tỉnh đã chủ động phát triển cơ sở hạ tầng, đưa các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và lan tỏa tinh thần chuyển đổi số (CĐS) đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Giáo viên Trường mầm non Liên Cơ sử dụng nền tảng số để đưa bài giảng lên không gian mạng
Chỉ số Viet Nam ICT Index bao gồm 3 nhóm chỉ tiêu chính là: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng CNTT. Năm 2022, tiêu chí đánh giá xếp hạng chỉ số Viet Nam ICT Index bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu mới. Cụ thể như nhóm chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật bổ sung các chỉ tiêu về trung tâm dữ liệu, triển khai giải pháp an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, bảo vệ hệ thống thông tin, điện toán đám mây, kết nối, chia sẻ dữ liệu, hệ thống giám sát an toàn thông tin SOC… Nhóm ứng dụng CNTT bổ sung chỉ tiêu về ứng dụng chứng thư số, họp trực tuyến, tích hợp các hệ thống, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công mức 3 và 4… Qua đánh giá, năm 2019, Lạng Sơn xếp thứ 22; năm 2020 xếp thứ 21; năm 2021 không đánh giá xếp hạng, năm 2022 xếp thứ 18 cả nước về chỉ số ICT Index.
Phát triển hạ tầng số
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) cho biết: Để tăng chỉ số Viet Nam ICT Index, những năm qua, Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường ứng dụng CNTT-TT trong các hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Là đơn vị chủ công trong công tác tổ chức triển khai, sở đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao chỉ số này như phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT, phát triển các ứng dụng số, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực…
Triển khai các nội dung về hạ tầng kỹ thuật, từ năm 2021 đến nay, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ xóa trắng sóng di động và khắc phục các điểm sóng yếu; đề nghị các tập đoàn viễn thông tiếp tục phát triển các trạm BTS trên địa bàn tỉnh và tăng cường hệ thống cáp quang băng rộng để triển khai thực hiện các nội dung về CĐS. Qua đó, Bộ TT&TT đã hỗ trợ tỉnh phát triển trạm phát sóng BTS tại những xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Các tập đoàn viễn thông cũng đưa việc phát triển các trạm phát sóng BTS vào nhiệm vụ thường xuyên và nhanh chóng rà soát, nghiên cứu, triển khai. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 200 trạm phát sóng BTS, nâng tổng số vị trí trạm BTS hiện nay là 1.396 vị trí với 3.294 trạm. Cùng đó, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tiến hành lắp đặt, hoàn chỉnh thiết bị phát sóng 5G tại 5 vị trí, trong đó thực hiện phát sóng thử nghiệm 4 vị trí trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Đến nay, 90% số người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh; tỷ lệ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng đạt 80,06%…
Xây dựng nguồn nhân lực số
Cùng với phát triển hạ tầng CNTT-TT, việc xây dựng nguồn nhân lực số cũng được các cấp, ngành liên quan trong tỉnh quan tâm, qua đó đạt kết quả tích cực. Nếu như trước năm 2019, toàn tỉnh chỉ có khoảng 70 công chức, viên chức chuyên trách về CNTT thì từ năm 2020 đến nay, lực lượng này được bổ sung thường xuyên, liên tục. Đến nay toàn tỉnh có 362 công chức, viên chức phụ trách CNTT, CĐS, đảm bảo các cơ quan, đơn vị từ cấp xã đến cấp tỉnh có cán bộ chuyên trách về CNTT và CĐS. Từ đó công tác tin học hóa, ứng dụng CNTT, triển khai các ứng dụng số vào hoạt động tại cơ quan, đơn vị được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo thông suốt, an toàn.
Cùng đó, Sở TT&TT đã nghiên cứu đặc thù hoạt động của từng nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp và đưa ra chương trình đào tạo phù hợp, chuyên sâu theo chuyên đề. Cụ thể như: tổ chức tập huấn kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng cuối; bồi dưỡng về CĐS cho lãnh đạo UBND cấp xã; thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến CĐS, cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; tập huấn cho doanh nghiệp về CĐS; bồi dưỡng kiến thức xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ số cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện… Qua đó, góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng về CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019 đến nay đã có trên 21.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức và 504.000 lượt người dân, doanh nghiệp được tập huấn, hướng dẫn về CNTT. Hơn 1.600 tổ công nghệ cộng đồng cũng được thành lập và thường xuyên kiện toàn với hơn 9.000 thành viên, đây là lực lượng chủ lực hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số, ứng dụng CNTT vào các hoạt động của đời sống. Nhờ đó, người dân không chỉ tiếp cận nhanh với CNTT mà còn có thể sử dụng thành thạo, phát huy hiệu quả tích cực các ứng dụng số.
Chị Dương Thị Vời, công chức văn hóa, xã hội UBND xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn cho biết: Là thành viên Ban Chỉ đạo CĐS của xã, bản thân tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, sử dụng các ứng dụng số trong đời sống và công tác. Sau khi được tập huấn tôi đã hướng dẫn cho nhiều người dân trên địa bàn xã sử dụng thành thạo các ứng dụng số.
Từ năm 2019 đến nay đã có trên 21.700 lượt cán bộ, công chức, viên chức và 504.000 lượt người dân, doanh nghiệp được tập huấn, hướng dẫn về CNTT. Hơn 1.600 tổ công nghệ cộng đồng cũng được thành lập và thường xuyên kiện toàn với hơn 9.000 thành viên, đây là lực lượng chủ lực hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng số, ứng dụng CNTT vào các hoạt động của đời sống. |
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đảm bảo an ninh, an toàn
Xác định, để nâng cao chỉ số Viet Nam ICT Index thì cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai các ứng dụng số vào phục vụ hoạt động công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước. Từ năm 2019 đến nay, hơn 30 hệ thống thông tin, ứng dụng số được đưa vào triển khai đã góp phần đẩy nhanh thời gian giải quyết công việc của công chức, viên chức, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiêu biểu như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Lạng Sơn (LGSP); Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành tỉnh Lạng Sơn (IOC); Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lạng Sơn (VNPT-iGate)… Bên cạnh xây dựng và đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin, ứng dụng số, tỉnh còn triển khai kết nối các hệ thống thông tin với hệ thống của ngành, của trung ương. Nhờ đó, đến nay nhiều thủ tục hành chính chỉ phải khai báo một lần, những thông tin người dân, danh nghiệp đã khai báo trước đó được các hệ thống thông tin lưu lại để sử dụng cho những lần tiếp theo.
Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin được triển khai theo mô hình 4 lớp (lực lượng tại chỗ, giám sát chuyên nghiệp, độc lập kiểm tra, kết nối với hệ thống giám sát quốc gia). Từ năm 2019 đến nay, hằng năm Sở TT&TT đều tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện lỗ hổng bảo mật, sở chủ động hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cùng đó các nền tảng, hệ thống thông tin của tỉnh trước khi đưa vào hoạt động đều được kiểm tra mức độ an toàn thông tin, đảm bảo các nền tảng, hệ thống thông tin đạt mức an toàn ở cấp độ 3.
Hiện nay tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chỉ số Viet Nam ICT Index, việc cải thiện chỉ số này cũng góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAX Index)…
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()