Từng bước nâng cao chất lượng công tác sáng kiến
(LSO) – Trong những năm qua, công tác sáng kiến trên địa bàn tỉnh được triển khai rộng khắp. Nhiều sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn.
Từ năm 2017, công tác sáng kiến được chuyển giao từ Sở Nội vụ sang Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phụ trách quản lý. Ở thời điểm tiếp nhận hoạt động này, Sở KH&CN nhận thấy một số sáng kiến không có tính mới, tính sáng tạo, chưa có tính thuyết phục; số lượng sáng kiến được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành uy tín chưa nhiều… Nguyên nhân là do các tác giả vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học chưa phù hợp, ít nghiên cứu những tài liệu liên quan… Ông Lưu Bá Mạc, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN cho biết: Để công tác này đi vào chiều sâu, ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 36/2018/QĐ-UBNDngày 29/4/2018 quy định về hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Văn bản này quy định chi tiết đối với việc công nhận sáng kiến cấp cơ sở, cấp tỉnh, đặc cách. Trong đó, để được công nhận sáng kiến phải có tính mới, tính sáng tạo; khả năng nhân rộng; khả năng mang lại lợi ích thiết thực và đã được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Đối với cấp cơ sở phải đạt trên 50 điểm (trong thang điểm 100), với cấp tỉnh thì phải đạt điểm số từ 70 điểm trở lên. Hội đồng sáng kiến bắt buộc có từ 7 đến 9 thành viên là chuyên gia hoặc những người có trình độ chuyên môn về các lĩnh vực có liên quan đến sáng kiến.
Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh họp đánh giá, chấm điểm sáng kiến
Cũng từ năm 2018, Sở KH&CN đã chủ động hướng dẫn các đơn vị, cơ sở thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân phát huy tính sáng tạo, áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào công tác chuyên môn, hoạt động sản xuất, lao động, học tập; phổ biến các quy định về công tác sáng kiến; hướng dẫn các bước thực hiện sáng kiến; kỹ năng viết, trình bày sáng kiến… Từ khi có quy định mới, cụ thể và được sự hướng dẫn, đôn đốc sát sao từ Sở KH&CN, hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên; hầu hết sáng kiến được công nhận cấp tỉnh đều phát huy hiệu quả thiết thực và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 2.000 hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, trong đó có khoảng 1.800 hồ sơ được công nhận sáng kiến cấp cơ sở. Đặc biệt, nội dung các sáng kiến đề nghị công nhận cấp tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, sát thực tế cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Trong số đó có thể kể tên như sáng kiến: “Đúc cống nông thôn”, “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu thuế trên địa bàn thành phố Lạng Sơn”, “Một số giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Lạng Sơn”… Bà Nông Bích Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn, tác giả sáng kiến “Một số giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Lạng Sơn” cho biết: Để phát huy tiềm năng du lịch thành phố Lạng Sơn, sáng kiến của tôi đã đề xuất thực hiện các giải pháp như: cần phát triển sản phẩm du lịch tâm linh gắn với lễ hội đầu năm, sự kiện văn hóa nghệ thuật; xây dựng các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển hạ tầng lưu trú có chất lượng cao; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; ứng dụng KH&CN, phát triển du lịch sạch, du lịch thông minh… Sau khi được công nhận, sáng kiến đã được ứng dụng từ năm 2018 đến nay. Theo đó 2 năm vừa qua, số lượng khách du lịch đến thành phố Lạng Sơn ngày càng tăng, nhất là vào dịp đầu năm.
Năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 quy định nội dung và mức chi hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đây là điều kiện thuận lợi để các tác giả nghiên cứu, đề xuất sáng kiến. Tin rằng, thời gian tới, số lượng và chất lượng sáng kiến được tăng cao hơn nữa và nhiều sáng kiến sẽ được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Ý kiến ()