Từng bước kiên cố hóa trường lớp học
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường Trung tâm |
Kiên cố hóa trường, lớp học không chỉ phục vụ hoạt động dạy và học mà còn bảo đảm sự an toàn, sức khỏe của đội ngũ giáo viên và học sinh. Bởi vậy, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm đầu tư lồng ghép từ các nguồn vốn khác nhau nhằm kiên cố hóa trường lớp học, từng bước xóa bỏ phòng học tạm, xuống cấp, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy. Theo thống kê, đến đầu năm học 2017 – 2018, tính riêng bậc học mầm non và phổ thông, toàn tỉnh có trên 5.200 phòng học kiên cố, chiếm trên 60% số phòng học đang sử dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh và giáo viên.
Chỉ tính riêng ở huyện hữu Lũng, năm 2017, toàn huyện có 17 trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với tổng số 36 phòng học được xây dựng. Hiện nay đang tiếp tục đầu tư sửa chữa 33 phòng học và nâng cấp 7 trường lớp học trên địa bàn. Bà Trần Kim Ánh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hữu Lũng cho biết: Các phòng học mới xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu kiên cố, bền vững, đảm bảo về chất lượng kỹ thuật, các tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng theo quy định hiện hành.
Thực tế, với yêu cầu xóa bỏ phòng học tạm, phòng học xuống cấp, từng bước kiên cố hóa trường, lớp học, hằng năm, nhiều trường học được bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nhất là tại các điểm trường vùng khó khăn và những trường nằm trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Có thể kể đến như Trường Tiểu học xã Hải Yến, huyện Cao Lộc là một trong hàng trăm trường được xây dựng kiên cố trong thời gian vừa qua. Cô Đoàn Thanh Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm học 2017 – 2018, nhà trường được đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống trường, lớp học mới khang trang, khuôn viên rộng, có đủ phòng học, sân chơi cho học sinh. Qua đó đã tạo tâm thế phấn khởi để cô và trò nâng cao chất lượng giáo dục. Hay như Trường Mầm non xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, mới vài năm trước đây, trường còn thiếu thốn nhiều trang thiết bị dạy học cũng như hệ thống phòng, lớp học khiến cho việc vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm học này, trường được đầu tư xây mới theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, nhờ đó, lớp học khang trang, giúp thầy và trò dạy tốt, học tốt, qua đó, phụ huynh yên tâm khi đưa con đến trường.
Để đẩy nhanh công tác kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn, bên cạnh các nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương, địa phương, việc huy động các nguồn lực xã hội hóa luôn được quan tâm và phần nào hỗ trợ tích cực các hoạt động xây dựng, tu sửa hệ thống trường, lớp học trên địa bàn thời gian qua. Theo đó, trong học kì I năm học 2017 – 2018, từ việc xã hội hóa, ngành giáo dục tỉnh đã vận động các tổ chức, đoàn thể, nhân dân đóng góp được trên 15 tỷ đồng; vận động người dân hiến hơn 9.000 m2 đất; hơn 69.000 ngày công lao động tham gia xây dựng, tu sửa trường, lớp học.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay: Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự tranh thủ nguồn lực đầu tư, nhiều trường học được xây dựng mới, bảo đảm khang trang, thoáng mát, cảnh quan sư phạm. Đây là điều kiện quan trọng để giáo viên yên tâm, tích cực công tác, học sinh hào hứng học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay, số phòng, lớp học chưa được kiên cố vẫn còn khá lớn. Thời gian tới, theo Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2017 – 2020 và vốn xã hội hóa, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hơn 1.900 phòng học, phòng chức năng và phòng làm việc cho các trường. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của ngành giáo dục tỉnh, mong rằng các cấp, ngành, các tổ chức xã hội… sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa các trường, lớp học, nhà công vụ trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo chung của tỉnh.
Ý kiến ()