Từng bước hướng đến nền hành chính vì dân phục vụ
- Những năm gần đây, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), từng bước hướng đến nền hành chính vì dân phục vụ.
Toàn tỉnh hiện có 1.773 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính, trong đó, cấp tỉnh có 1.416 TTHC, cấp huyện có 251 TTHC, cấp xã có 106 TTHC. Nếu như trước đây, mỗi khi nhắc đến việc thực hiện TTHC, hầu hết người dân đều cảm thấy ái ngại vì phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần, đến nhiều nơi, chuẩn bị nhiều giấy tờ rườm rà... Những năm gần đây, vấn đề này đã có sự thay đổi rõ rệt.
Những ngày giữa tháng 7/2024, chúng tôi có mặt tại Bộ phận “một cửa” UBND huyện Cao Lộc, mặc dù mới đầu giờ sáng nhưng đã có rất đông người dân đến thực hiện TTHC. Tại các quầy giao dịch, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC diễn ra nhanh chóng, kịp thời. Anh Vi Xuân Độ, khối 6, thị trấn Cao Lộc phấn khởi: Tôi đến tìm hiểu về thủ tục lĩnh vực đất đai, do chưa nắm rõ thành phần hồ sơ nên tôi được công chức hướng dẫn, giải thích tận tình. Giờ tôi thấy đi làm giấy tờ rất thuận lợi, không vất vả như trước, mọi thông tin về thủ tục đều minh bạch. Tôi cảm thấy rất hài lòng.
Anh Độ chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp công dân thời gian qua đã có những phán ánh tích cực khi đi thực hiện TTHC. Theo thống kê của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, hằng năm, có trên 95% người dân đánh giá mức độ hài lòng, rất hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Để có được kết quả và sự ghi nhận của người dân, những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, đẩy mạnh các giải pháp tạo sự hài lòng cho người dân khi thực hiện TTHC với phương châm “lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong cải cách TTHC”. Bà Hoàng Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn Phòng UBND tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm soát, cải cách TTHC. Trong đó, tập trung vào các giải pháp trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, triển khai thực hiện TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ) và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ "một cửa" và người liên quan đến quy trình giải quyết hồ sơ TTHC...
Theo đó, hằng năm, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện TTHC trên môi trường mạng, tăng cường ứng dụng các phần mềm dùng chung và chuyên ngành trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC. Đơn cử như tại UBND thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, để rút ngắn thời gian xử lý TTHC, đơn vị đã quan tâm, triển khai các phần mềm như phần mềm hộ tịch; hệ thống thông tin quản lý hợp đồng công chứng, chứng thực...
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống của tỉnh đã triển khai cung cấp 1.811 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) bao gồm cả DVCTT của Công ty Điện lực Lạng Sơn, trong đó, 1.080 DVCTT toàn trình và 452 DVCTT một phần, còn 279 dịch vụ công ở mức cung cấp thông tin tra cứu.
Qua từng năm, số lượng hồ sơ phát sinh trên Cổng DVCTT của tỉnh ngày càng tăng lên. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tiếp nhận 207.455 hồ sơ thì có 84,47% (175.238 hồ sơ) nộp qua DVCTT, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm 2023; 100% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đúng hạn.
Bên cạnh việc triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, các cơ quan, đơn vị cũng đã đẩy mạnh thực hiện TTHC theo cơ chế “4 tại chỗ”. Hiện nay, tại cấp tỉnh có 402 TTHC thực hiện theo cơ chế “4 tại chỗ”, đạt 32,49%; cấp huyện, trung bình, mỗi huyện triển khai “4 tại chỗ” với 112 TTHC, đạt 51% (số lượng TTHC thực hiện "4 tại chỗ" có thể chênh lệch vì do UBND cấp huyện phê duyệt); cấp xã 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đều được triển khai “4 tại chỗ”.
Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh và nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong việc cải cách TTHC, việc thực hiện TTHC đã trở nên thuận tiện, dễ dàng, từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận của người dân mỗi khi tới cơ quan công quyền thực hiện TTHC.
Ý kiến ()