Từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa
LSO- Những năm gần đây, sản phẩm khoai lang huyện Lộc Bình được nhiều người biết đến nhưng chưa khẳng định được thương hiệu. Chính vì vậy, ngành chức năng huyện Lộc Bình đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này nhằm khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đồng thời giúp nông dân ổn định về tâm lý, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa.
Nông dân xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình chăm sóc khoai lang
Toàn huyện Lộc Bình có 579 ha diện tích trồng khoai lang, tập trung chủ yếu tại các xã: Lục Thôn, Tú Đoạn, Tú Mịch, Khuất Xá, Quan Bản… với năng suất trên 72 tạ/ha. Sản lượng khoai lang toàn huyện đạt hơn 3.000 tấn, với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, khoai lang mang về cho nông dân huyện Lộc Bình một khoản thu không nhỏ. Khoai lang trồng trên đồng đất huyện Lộc Bình có vị ngọt đậm, thơm, bở… hương vị rất riêng so với khoai trồng ở các địa phương khác. Ngoài những giống khoai nghệ truyền thống, nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động đưa các giống mới vào sản xuất như: khoai Hoàng Long, khoai lang Nhật… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của khách hàng. Giá trị của khoai lang cao hơn lúa, ngô nên những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện đã mở rộng diện tích trồng khoai và đây là cây trồng giúp nông dân xóa đói giảm nghèo.
Do chưa có thương hiệu nên khoai lang của huyện Lộc Bình chủ yếu được bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh và một số huyện lân cận. Chính vì vậy, đã có hiện tượng tiểu thương mượn thương hiệu khoai lang Lộc Bình để bán khoai của vùng miền khác hoặc khoai nhập từ Trung Quốc gây ảnh hưởng không tốt đến danh tiếng của khoai lang Lộc Bình cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Cùng đó, hiện chưa có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên khoai lang Lộc Bình luôn trong tình trạng bị tư thương ép giá… Trước thực trạng trên, ngành chức năng huyện Lộc Bình chủ trương xây dựng nhãn hiệu tập thể Lộc Bình cho sản phẩm khoai lang. Ông Hoàng Vĩnh Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Lộc Bình, chủ nhiệm đề tài cho biết: Tháng 10/2017, chúng tôi bắt đầu triển khai thực hiện các bước xây dựng nhãn hiện tập thể Lộc Bình cho sản phẩm khoai lang. Các nhiệm vụ quan trọng như: thuyết minh dự án; lập bản đồ trồng khoai lang; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; quy chế sử dụng nhãn hàng hóa; thiết kế logo… Sau khi nộp hồ sơ đề nghị lên Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hồ sơ được chấp thuận, hiện nay, tuy đang trong thời gian chờ cấp văn bằng công nhận nhưng huyện Lộc Bình đã được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm này. Theo quy hoạch, vùng chuyên canh cây khoai lang trên địa bàn huyện Lộc Bình sẽ bao gồm các xã: Tú Đoạn, Khuất Xá, Lục Thôn, Tú Mịch với diện tích khoảng trên 300 ha.
Ông Lâm Văn Sinh, xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình cho biết: Tôi thấy tại một số huyện, sau khi được cấp văn bằng công nhận nhãn hiệu tập thể, sản phẩm của họ nhanh chóng có được thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao. Là người trực tiếp sản xuất, tôi tin rằng nhãn hiệu tập thể sẽ giúp nông dân Lộc Bình làm giàu từ cây khoai lang.
Sau khi được cấp văn bằng công nhận nhãn hiệu tập thể, cơ quan chức năng huyện Lộc Bình sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm, in ấn bao bì, nhãn mác, túi đựng… đảm bảo sản phẩm khi ra thị trường không những có chất lượng ổn định mà còn có mẫu mã đẹp. Thương hiệu được khẳng định, sản phẩm khoai lang huyện Lộc Bình sẽ vươn ra các thị trường khó tính hơn, nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng theo. Đây chính là tiền đề để huyện Lộc Bình hình thành vùng chuyên canh khoai lang. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra các yêu cầu đối với người trồng khoai là phải tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu của mình.
Ý kiến ()