Từng bước giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp
Chiều 28/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Hội nghị sơ kết hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (Ảnh: BT)
Báo cáo tại Hội nghị, ông An Văn Khanh – Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết: Thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, qua thời gian triển khai đã tạo điều kiện giúp số lượng máy, thiết bị trong nông nghiệp tăng nhanh. Trong đó, số lượng máy kéo tăng 12,6%; động cơ các loại tăng 18%, máy sấy sau thu hoạch tăng 6,4%. Về mức độ cơ giới hóa, với khâu làm đất, lúa đạt 92%; mía đạt 80% ở những vùng sản xuất tập trung, địa hình bằng phẳng; ngô đạt 70%, sắn đạt 80%. Về giảm tổn thất trong nông nghiệp, đối với lúa gạo mức độ tổn thất đã giảm từ 11-13% trước đây xuống còn 10%; khâu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp giảm tổn thất từ 5-6% xuống còn 2-3%.
Qua gần 5 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết 48/NQ-CP và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg đã cho hiệu quả rõ nét trong việc thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực canh tác và thu hoạch lúa. Thông qua đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy, thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, nâng cấp công nghệ thiết bị.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối An Văn Khanh, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Cụ thể, nhiều địa phương kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ vẫn còn thấp hoặc người dân vẫn chưa tiếp cận được với chính sách. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, vai trò của các cấp, các ngành trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực thúc đẩy tái cơ cấu vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng thời, tuy tổn thất sau thu hoạch đối với lúa được thu hẹp nhưng với mặt hàng rau quả, thủy sản vẫn còn cao; ngành mía đường khả năng cạnh tranh vẫn còn thấp, giá thành cao; chưa tạo được mối liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện chính sách hỗ trợ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP và Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Trong đó, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chính sách về nông nghiệp, nông thôn đến các cấp, các ngành và người dân. Nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% tổn thất đối với các loại nông sản, thủy sản theo Nghị quyết 48 đề ra, cần có tác động mạnh hơn từ Quyết định 68; cần xem xét lãi suất đầu tư phát triển cho đầu tư dài hạn để thực hiện các Dự án bảo quản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, hợp tác công – tư, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm kết hợp với các nhà khoa học để thực hiện các dự án bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch; thường xuyên khảo sát, điều tra, đánh giá mức độ tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()