Từng bước giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số
– Lạng Sơn là một trong 33 tỉnh, thành phố trên cả nước có mức sinh cao, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,26 con (số liệu từ tính từ năm 2015 đến 2021). Để khắc phục, các cấp, ngành đã quan tâm, phối hợp thực hiện nhiều giải pháp, đã mang lại kết quả khả quan đối với công tác giảm mức sinh trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 165/KH-UB ngày 6/10/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, ngành dân số đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để từng bước đưa mức sinh đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Trong đó, chúng tôi đã chủ động tổ chức truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân; biên soạn cấp phát các sản phẩm truyền thông về công tác giảm sinh, điều chỉnh mức sinh; mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và các dịch vụ có liên quan…
Cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn (bên phải) tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ đến người dân
Hằng năm, đội ngũ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở đã đến thăm trên 5.400 hộ dân, tuyên truyền đến gần 17.000 lượt người về “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”, KHHGĐ, không sinh con thứ 3 trở lên; phát trên 12.500 tờ rơi các loại; đảm bảo cung cấp các phương tiện tránh thai, hàng hoá chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân có nhu cầu…
Chị Hoàng Thị Sao, người dân thôn Nà Thí, xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn cho biết: Nhờ được tư vấn, tuyên truyền về KHHGĐ, gia đình tôi dù đã sinh 2 con gái nhưng tôi quyết định không sinh thêm. Tôi nhận thấy chỉ nên dừng lại ở 2 con là đủ và để các con có điều kiện tốt nhất trong học tập, vui chơi, bản thân tôi cũng có thêm thời gian để phát triển kinh tế, chăm lo hạnh phúc gia đình.
Được sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, sự nhiệt tình của đội ngũ làm công tác dân số, việc giảm sinh đã đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2017, tỷ suất sinh thô toàn tỉnh là 16,6‰, năm 2021 là 15,1‰ (giảm 1,5‰); tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,38 con/phụ nữ (năm 2015) xuống 2,19 con/phụ nữ (năm 2021), đưa tỉnh Lạng Sơn trở thành tỉnh có mức sinh thấp nhất trong 33 tỉnh có mức sinh cao; bước đầu kiểm soát được sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; nhận thức của người dân về giảm sinh được nâng lên, hơn 90% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp kiến thức, các dịch vụ, hàng hoá chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phương tiện tránh thai… Một số huyện có mức sinh thấp như: Tràng Định, thành phố Lạng Sơn, Văn Lãng.
Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm y tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2015 đến nay, mức sinh trên địa bàn thành phố đều giảm dần qua từng năm. Một trong những yếu tố thể hiện mức sinh của thành phố Lạng Sơn giảm đều thể hiện ở tỷ lệ trẻ sinh ra là con thứ 3 trên địa bàn chưa từng vượt quá 6% (tỷ lệ trung bình của tỉnh 9,98%). Tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ, chúng tôi đã và đang nỗ lực đưa mức sinh đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), cùng với tuyên truyền giảm sinh, chúng tôi chú trọng tuyên truyền để người dân quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số cả về thể lực và trí lực.
Giảm sinh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số của tỉnh, mức sinh trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm giúp cho chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, đồng thời, áp lực của dân số lên hệ thống y tế, giáo dục… cũng giảm đáng kể.
Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song để đạt được mức sinh thay thế vẫn còn là một quá trình dài với nhiều thách thức. Vì vậy, thời gian tới, ngành dân số từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục nỗ lực giảm sinh, phấn đấu đến năm 2025 đạt mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ; ổn định quy mô dân số ở mức 840.500 người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm ở mức 0,75%; giảm từ 5 đến 10% tổng tỷ suất sinh ở các huyện có mức sinh cao, vận động thực hiện chính sách “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt” đối với những huyện có tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới 10%… Qua đó, từng bước tiến tới đạt mức sinh thay thế, góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.
Ý kiến ()