Từng bước điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách
Trong cơ cấu đầu tư công, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, bội chi ngân sách ở mức cao, áp lực trả nợ công vượt ngưỡng 25% tổng thu NSNN đang là thách thức lớn cho việc bố trí vốn đầu tư từ NSNN trong thời gian tới. Vì thế, cần từng bước chủ động điều chỉnh cơ cấu thu chi NSNN để dành nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Sử dụng hiệu quả vốn vay
Việc vay nợ cho đầu tư phát triển thời gian qua đã làm nợ công tăng vọt, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội đã đề ra, việc tăng vay nợ cả trong nước và nước ngoài để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội là không thể tránh khỏi. Vụ trưởng Tài chính tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Trọng Khanh cho rằng, áp lực trả nợ công vượt ngưỡng 25% tổng thu NSNN hiện đang là thách thức lớn cho việc bố trí vốn đầu tư từ NSNN trong thời gian tới. Mức nợ công hiện đang trong giới hạn quy định an toàn theo Nghị quyết của Quốc hội, song đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô.
Do phần lớn vốn vay trong nước và nước ngoài chủ yếu tập trung cho đầu tư phát triển, nên việc nâng cao hiệu quả đầu tư công gắn liền với sử dụng hiệu quả vốn vay được coi là giải pháp quan trọng bảo đảm nợ công ở mức an toàn. Sau hơn ba năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế nói chung và đầu tư công nói riêng, kết quả rõ nét là chất lượng, hiệu quả đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện. Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008 – 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 -2013. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011 – 2013 thấp hơn giai đoạn 2006 – 2010 (31,5% so với 42,7% GDP). Năm 2014, ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30,1% GDP, tăng 9,7% so với thực hiện năm 2013. Một số lĩnh vực đã huy động khá mạnh vốn từ khu vực ngoài nhà nước đầu tư vào các dự án đầu tư công, nhất là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đã huy động gần 117 nghìn tỷ đồng, trong đó có 15 dự án BOT, BT trên quốc lộ 1 và ba dự án BOT, BT trên quốc lộ 14; 16 dự án BOT và BT trong các lĩnh vực nhiệt điện, nước, hạ tầng đô thị. Bên cạnh đó, phân bổ nguồn vốn NSNN tập trung hơn, kiên quyết cắt giảm tình trạng dự án tràn lan, thiếu hiệu quả. Vốn bố trí bình quân tăng từ 9,54 tỷ đồng/dự án năm 2012 lên 10,68 tỷ đồng năm 2013 và 11,04 tỷ đồng năm 2014…
Tuy nhiên, tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình thấp vẫn chưa được xử lý triệt để. Vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản lớn ở một số địa phương chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Hệ thống chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia vào khu vực công chưa đủ mạnh… Vụ trưởng Tài chính tiền tệ Đỗ Trọng Khanh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, khi tỷ trọng đầu tư từ NSNN nói riêng và đầu tư công trên GDP ngày càng thu hẹp, cần nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc giám sát, đánh giá tác động sau đầu tư của các dự án, bảo đảm các dự án được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước phải đem lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.
Cơ cấu lại thu chi NSNN
Theo Bộ Tài chính, tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2013 đạt 22,3% tổng thu NSNN. Năm 2014 kế hoạch trả nợ là gần 210/783 nghìn tỷ đồng tổng thu NSNN theo kế hoạch, vượt mức 25% và dự kiến năm 2015 nếu tính cả cho vay lại sẽ là gần 32%. Việc gia tăng nghĩa vụ nợ Chính phủ sẽ tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN. Mặc dù các khoản vay trong nước đã tăng lên nhưng cơ cấu nợ chưa thật sự bền vững do các khoản vay chủ yếu là ngắn hạn, tạo áp lực cân đối ngân sách để trả nợ, bởi nguồn tiền để trả nợ trước hết là từ nguồn thu NSNN hằng năm. Trong cơ cấu thu NSNN, thu nội địa tăng bình quân 21%/năm nhưng lại có xu hướng giảm; tổng nguồn thu từ thuế và phí nhỏ hơn số chi thường xuyên làm suy giảm tính bền vững của nợ công và tạo rủi ro lớn cho NSNN.
Thêm vào đó, tuy có giảm nhưng thu NSNN vẫn phụ thuộc vào các khoản thu không bền vững như dầu thô, viện trợ, xuất nhập khẩu, phản ánh những rủi ro tiềm ẩn đối với an toàn ngân sách khi nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn và phụ thuộc vào giá cả thế giới. Chính vì vậy, cần phải giám sát chặt chẽ các rủi ro, đồng thời siết chặt hơn nữa quản lý nợ công. Đối với thu NSNN, cần ưu tiên sử dụng số tăng thu so với dự toán để giảm mức bội chi hoặc để trả nợ trước hạn. “Bên cạnh việc cần sắp xếp, tổ chức lại đối tượng hưởng lương từ ngân sách và các giải pháp khác thì cần đẩy nhanh việc đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, tăng tính tự chủ của các đơn vị này để giảm chi thường xuyên…. Đây cũng là giải pháp rất quan trọng để cơ cấu lại chi NSNN nhằm dành nguồn cho đầu tư phát triển”, Viện trưởng Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng phân tích.
Đồng quan điểm này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch.
Cần rà soát, phê duyệt chặt chẽ danh mục sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… Bên cạnh đó, từng bước điều chỉnh cơ cấu thu chi NSNN theo hướng lành mạnh hơn, triệt để tiết kiệm và giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng đầu tư và bố trí đủ nguồn trả nợ.
Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng thu nội địa chiếm khoảng 80% tổng thu; tỷ trọng chi đầu tư khoảng 25 – 30%; chi thường xuyên khoảng 50 – 55%; chi trả nợ khoảng 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước và bội chi khoảng 4% GDP.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()