Từng bước đánh thức tiềm năng du lịch hang động
– Lạng Sơn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp, trong đó có hệ thống hang động hoang sơ, kỳ vĩ. Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động tôn tạo, phát huy giá trị du lịch tại các hang động, qua đó thu hút nhiều du khách đến khám phá, tham quan, trải nghiệm.
Du khách khám phá vẻ đẹp và chụp ảnh lưu niệm tại hang Keeng Tao, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn
Du lịch hang động là lĩnh vực khá mới mẻ, nhưng đầy triển vọng ở Việt Nam nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Lạng Sơn là một trong các tỉnh phía Bắc có nhiều núi đá vôi với nhiều hang động đẹp, kỳ vỹ. Với lợi thế đó, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã từng bước đánh thức tiềm năng của sản phẩm du lịch độc đáo này
Giàu tiềm năng khai thác
Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 60 km, hang Nà Lả, xã Liên Hội, huyện Văn Quan là địa điểm được nhiều người dân và du khách tới khám phá và trải nghiệm theo hình thức tự phát. Hang Nà Lả có rất nhiều thạch nhũ, măng đá hình dạng độc đáo, cùng các thác nhũ đá khổng lồ và lấp lánh ánh vàng. Theo người dân địa phương, hiện nay, chưa ai biết chính xác chiều dài của hang, những đoạn hang đã được khám phá có chiều dài khoảng 200m. Nếu đi sâu vào thêm nữa sẽ gặp tầng hang cạn thông lên trên núi, xung quanh là rừng núi Liên Hội bao phủ.
Bà Lương Thuỳ Nha, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Văn Quan cho biết: Huyện Văn Quan có đặc điểm của vùng núi đá vôi, có nhiều hang động đẹp, kỳ vĩ, xen lẫn là các thung lũng, đèo dốc với khung cảnh thiên nhiên đa dạng. Đây là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống hang động, tiêu biểu như hang Nà Lả, hiện nay, dù chưa đưa vào khai thác du lịch nhưng hang Nà Lả vẫn đang là địa điểm thu hút người dân địa phương, các chuyên gia du lịch lựa chọn trải nghiệm, khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch. Hang Nà Lả nằm trong hệ thống điểm du lịch vừa được UBND tỉnh đưa vào Đề án Phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho huyện Văn Quan trong tương lai.
Nà Lả chỉ là một trong rất nhiều hang động đẹp trên địa bàn tỉnh đang được quan tâm để phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch. Hiện nay. Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), toàn tỉnh hiện có hơn 110 di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Tiêu biểu như: quần thể di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh – Thành Nhà Mạc – núi nàng Tô Thị, hang Thủy Cung (thành phố Lạng Sơn); hang Thẩm Hai, hang Thẩm Khuyên (Bình Gia); di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn)… Những hang động này hằng năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Bà Trần Thị Nhuần, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Vào dịp đầu năm hay nghỉ hè, tôi và gia đình thường đi tham quan ở Lạng Sơn. Chúng tôi thường hay đến chùa Tiên, hang Thủy Cung, chùa Tam Thanh, tôi thấy thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho Lạng Sơn rất nhiều hang động đẹp, tôi cũng đi rất nhiều nơi nhưng không đâu rộng và kỳ vỹ như ở Lạng Sơn.
Ngoài ra, một số di tích thuộc loại hình di tích lịch sử nhưng là hang động, núi đồi. Điển hình như: khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn có hang Sa Khao (xã Tân Hương); hang Mỏ Rẹ (xã Tân Hương); hang Lân Pán (xã Tân Lập)… Khu di tích lịch sử Chi Lăng với núi Ba Đăng, núi Kỳ Lân, núi Phượng Hoàng, núi Mặt Quỷ (xã Chi Lăng), Lũng Ngần (thị trấn Chi Lăng)… Những tài nguyên kể trên đang là tiềm năng quan trọng để phát triển du lịch mà không phải địa phương nào cũng có.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), toàn tỉnh hiện có hơn 110 di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Tiêu biểu như: quần thể di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh – Thành Nhà Mạc – núi nàng Tô Thị, hang Thủy Cung (thành phố Lạng Sơn); hang Thẩm Hai, hang Thẩm Khuyên (Bình Gia); di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn)… Những hang động này hằng năm thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, trải nghiệm. |
Nhiều giải pháp được triển khai
Để khai thác tiềm năng du lịch hang động, những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh cũng đã có một số giải pháp thiết thực như: Xây dựng tua tuyến cho khách tham quan, trải nghiệm; cải tạo một số hang động phục vụ du lịch; đưa một số điểm hang động vào đề án phát triển du lịch của tỉnh.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Với mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, lấy di sản văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển, Sở VHTT&DL đã nghiên cứu, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 (Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 22/4/2021). Đề án nêu rõ các giải pháp bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị đối với các di tích nói chung và hệ thống hang động là di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh nói riêng, trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn và khai thác giá trị của hệ thống di tích, trong đó có các di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh là hang động trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể như: ban hành các văn bản về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; lập hồ sơ lý lịch bảo vệ di tích, thực hiện công tác quản lý di tích; lập quy hoạch phát triển các điểm di tích thành các khu, điểm du lịch của tỉnh như: Khu di tích danh thắng Nhị Tam Thanh – Thành Nhà Mạc, thành phố Lạng Sơn; Khu di tích lịch sử Chi Lăng với núi Ba Đăng, núi Kỳ Lân, núi Phượng Hoàng, núi Mặt Quỷ (xã Chi Lăng)… Và gần đây nhất là xây dựng Đề án Xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn.
Cùng với đó, ngành VHTT&DL đã tăng cường việc nắm bắt thông tin, tình hình của các di tích thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: khảo sát, kiểm kê lập danh mục hệ thống di tích trên địa bàn, lập hồ sơ lý lịch, khoanh vùng bảo vệ và đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng nhằm tạo hành lang pháp lý và khoa học trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 30 di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh là hang động được xếp hạng.
Đồng thời, các cấp, ngành, tổ chức liên quan đã chủ trọng công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 58 lượt di tích, trong đó có di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh được đầu tư, tôn tạo với số tiền trên 84 tỷ đồng (trong đó nguồn lực xã hội hóa chiếm 55,1%). Từ đó, tạo một quần thể khép kín đa dạng, bước đầu phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của mọi tầng lớp Nhân dân.
Ông Trần Lệnh Trưởng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố hiện có 28 di tích, trong đó có 2 di tích khảo cổ và 2 điểm, khu di tích danh lam thắng cảnh là hang động được xếp hạng cấp quốc gia gồm (di tích khảo cổ học Mai Pha và Phai Vệ; di tích Động Tam Thanh – Nhị Thanh và Chùa Tiên) còn lại là 6 di tích lịch sử, 18 di tích kiến trúc nghệ thuật. trong đó, định hướng khai thác, phát triển di tích khảo cổ học Mai Pha và Phai Vệ, di tích Động Tam Thanh – Nhị Thanh, di tích Chùa Tiên với sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu là một trong những nội dung nằm trong Đề án “Phát triển du lịch thành phố Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, UBND thành phố đã thực hiện đầu tư hàng chục tỷ đồng để phục vụ công tác trang trí, cải tạo đường vào của các di tích, đến nay các di tích này đã trở thành những điểm du lịch hút khách trên địa bàn.
Với tiềm năng phong phú, đa dạng, khám phá hang động đang trở thành một nhân tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn cho du lịch Xứ Lạng, hứa hẹn bước phát triển đột phá cho du lịch địa phương
Ý kiến ()