Từng bước chuyển đổi số, lấy người dân làm trung tâm
Lộ trình chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) có khối lượng công việc rất lớn nên cần có lộ trình, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm.
Ứng dụng VssID là nền tảng quan trọng phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. |
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh tại Hội nghị về công tác chuyển đổi số của ngành BHXH tổ chức theo hình thức trực tuyến chiều 13/7.
Nền tảng đã sẵn sàng
Thông tin về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm và triển khai nâng cấp dịch vụ, tiện ích ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số”, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Lê Nguyên Bồng khẳng định, đầy là những nền tảng quan trọng phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam.
Về công tác xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định CSDL quốc gia về bảo hiểm. Trong đó, BHXH Việt Nam đã rà soát, chuẩn hóa các CSDL chuyên ngành của Ngành để cung cấp cho CSDL quốc gia về bảo hiểm; đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đồng bộ, hoàn thiện CSDL, cụ thể: phối hợp với Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng văn bản quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cấu trúc dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin của CSDL quốc gia về bảo hiểm với các CSDL quốc gia khác và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm.
BHXH Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện Quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL của BHXH Việt Nam với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; Ký cam kết bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật thông tin trong kết nối đến CSDL quốc gia về dân cư với đơn vị và từng cá nhân tham gia vào hệ thống theo yêu cầu của Bộ Công an…
Đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc rà soát đối chiếu hàng triệu thông tin cá nhân từ CSDL quốc gia về dân cư. Ngày 28/5/2021, BHXH Việt Nam đã chính thức triển khai việc xác thực thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công (DVC) BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID.
Từ khi ra mắt đến nay, ứng dụng VssID đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp. Hiện ứng dụng có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN như: Cung cấp các thông tin về thẻ BHYT; quá trình tham gia BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, BHYT; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản); sổ khám chữa bệnh (KCB) cung cấp lịch sử KCB BHYT của người tham gia…
Đặc biệt, sau 2 lần nâng cấp, ứng dụng VssID đã có thêm nhiều tính năng tiện dụng như: Cho phép người dùng đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (đăng ký trên ứng dụng, không qua Cổng DVC; hỗ trợ tra cứu, quét mã QR thẻ BHYT/thẻ CCCD để tự động điền các thông tin mã số BHXH, họ tên, số CCCD, địa chỉ; bổ sung lựa chọn gửi email tờ khai…);… Với phiên bản mới, ứng dụng thêm tính năng cho phép người dùng đăng ký tài khoản giao dịch điện tử cho con dưới 18 tuổi; tính năng hiển thị hình ảnh cá nhân tại màn hình “Sử dụng thẻ BHYT” giúp việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB thêm thuận tiện, chặt chẽ.
Lộ trình cụ thể, lấy người dân làm trung tâm
Từ những nền tảng đã đạt được, lãnh đạo BHXH Việt Nam đã đưa ra kế hoạch triển khai công tác chuyển đổi số của ngành theo Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu của ngành là nhanh chóng hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm để có dữ liệu nguồn đẩy mạnh thực hiện các tiện ích, DVC trên ứng dụng VssID, triển khai trí tuệ nhân tạo trong quản lý và phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% DVC mức độ 4, tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia. DVC của BHXH Việt Nam đang được cung cấp qua dịch vụ bưu chính công ích (VNPOST); cung cấp qua IVAN; DVC thanh toán cung cấp qua các Ngân hàng (đã có 5 DVC của Ngành đã được cung cấp trên ứng dụng VssID).
Về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, BHXH Việt Nam xác định, nâng cao công tác phục vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn qua việc chuyển đổi số với các mục tiêu. Cụ thể: tiếp tục tái cấu trúc lại thủ tục hành chính và DVC phù hợp với xu thế chuyển đổi số và tình hình CSDL của ngành; triển khai 100% DVC trên ứng dụng VssID; tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng và Cổng DVC của Ngành; số hoá đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục mở rộng danh mục dữ liệu mở để phát triển Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện Cổng DVC theo kiến trúc Chính phủ điện tử mới; nghiên cứu mở tổng đài tư vấn, hỗ trợ 24/7; nâng cấp, mở rộng khả năng chỉ đạo, điều hành; tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích, xử lý dữ liệu; triển khai hệ thống quản lý rủi ro của Ngành…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, CSDL của ngành ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, sẵn sàng liên thông với CSDL quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương. Các phần mềm, ứng dụng của Ngành không ngừng được nâng cấp, cải tiến, kết nối, liên thông, mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
“Tuy nhiên, nếu chủ quan, không bước tiếp, bước nhanh, ngành sẽ tụt lùi, nhất là trong xu thế, yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ của các Bộ, ngành và toàn xã hội hiện nay”, ông Nguyễn Thế Mạnh lưu ý.
Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, lãnh đạo BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, cụ thể hoá nhiệm vụ của từng đơn vị trong công tác chuyển đổi số của ngành để góp ý cụ thể hơn vào kế hoạch; các dự án CNTT cần nhanh chóng hoàn thiện, xử lý dứt điểm các tồn tại bởi trong chuyển đổi số nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là vô cùng quan trọng, để duy trì sự ổn định, thông suốt. Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo mật, an toàn thông tin khi CSDL của ngành ngày càng lớn và có tính thiết yếu với mỗi người dân, người lao động.
Ý kiến ()