tle=”Tưng bừng ngày hội non sông”> yerText”> Xem thêm:2 ảnh Cổ động chào mừng ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở Thủ đô Hà Nội. ( Ảnh: Đăng Khoa )
GHI NHANH
Hôm qua, 22-5, trong không khí tưng bừng, sôi nổi, hàng triệu cử tri khắp mọi miền đất nước nô nức thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân, đi bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có mặt tí rất sớm tại các điểm bầu cử ở nhiều tỉnh, thành phố, ghi nhận không khí ngày hội lớn của đất nước.
Tại Hà Nội, khắp phố phường rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ. Từ 6 giờ sáng, tiếng loa cổ động bầu cử đã vang khắp các ngõ phố, xóm làng. Người dân Thủ đô trong trang phục đẹp, nô nức đến các điểm bỏ phiếu. Đúng 7 giờ sáng, tất cả các khu vực bầu cử trong toàn thành phố đồng loạt khai mạc, chào đón cử tri đi bỏ phiếu bầu.
Tại khu vực bầu cử số 3, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), từ 6 giờ 30 phút, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cùng đông đảo cử tri trong khu phố đã đến khu vực bầu cử. Trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức bắt đầu, đồng chí Tổng Bí thư đã chuyện trò thân mật với các cử tri ở địa bàn.
Đông đảo phóng viên các hãng thông tấn, cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã có mặt chứng kiến và đưa tin sự kiện quan trọng này. Các nghi thức và thủ tục tổ chức bầu cử được tiến hành trang trọng, chu đáo và đúng luật. Đúng 6 giờ 45 phút, lễ khai mạc cuộc bầu cử diễn ra trang nghiêm. Sau lời khai mạc của đồng chí Nguyễn Hồng Tuấn, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 3, các thành viên trong tổ bầu cử thực hiện các công việc kiểm tra và niêm phong hòm phiếu. Đúng 7 giờ, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng; bác Đỗ Văn Tiên, đại biểu cử tri cao tuổi và chị Nguyễn Hồng Hạnh, 18 tuổi, vinh dự lần đầu đi bầu cử; đã bỏ những lá phiếu đầu tiên bầu cử đại biểu QH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Trong không khí ngày hội bầu cử ở khu vực bầu cử số 3, trả lời phỏng vấn của các nhà báo trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, nêu rõ, chúng ta đã đi qua 12 nhiệm kỳ QH. Mỗi cuộc bầu cử đều có một ý nghĩa và tầm quan trọng riêng. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, đây là cuộc bầu cử cả đại biểu QH và HĐND các cấp diễn ra vào cùng một thời điểm. Lần bầu cử này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và mang ý nghĩa sâu sắc khi diễn ra vào lúc đất nước ta trải qua 25 năm đổi mới. Cuộc bầu cử diễn ra ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XI của Đảng trong cuộc sống, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thật sự của dân, do dân, vì dân, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, mở cửa hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện mục tiêu đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. QH nước ta đang trên đà đổi mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng, với ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử lần này, đất nước ta sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, đáp ứng yêu cầu của nhân dân và cử tri. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch QH trân trọng cảm ơn đồng bào và cử tri cả nước trong nhiều năm qua đã đặc biệt quan tâm hoạt động của QH và các cơ quan dân cử. Nhân dân và cử tri đã thường xuyên cổ vũ, động viên, đề đạt những tâm tư, nguyện vọng với các cơ quan dân cử để hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật trong cuộc sống…
* Mở đầu ngày Hội bầu cử của khu vực bỏ phiếu số 7, phường Quán Thánh (quận Ba Đình, TP Hà Nội), nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi cùng các cụ Phạm Thị Hồng (102 tuổi), cụ Định Thị Lai (100 tuổi) và hai cử tri trẻ là Nguyễn Thu Hiền, Nguyễn Hồng Quân đã bỏ những lá phiếu đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Chuyện trò với cử tri, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh mong muốn mọi người phát huy trách nhiệm công dân, lựa chọn những người xứng đáng là đại biểu nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
* Tại khu vực bỏ phiếu số 5 phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cụ bà Đinh Thị Sen, năm nay 100 tuổi, dù sức yếu và được tạo điều kiện bỏ phiếu tại nhà, nhưng cụ quyết tâm đến điểm bỏ phiếu dự lễ khai mạc và thực hiện quyền công dân. Tại đình Trường Lâm, phường Việt Hưng (quận Long Biên), từ trước giờ khai mạc, đã có rất đông cán bộ, cử tri đến, trò chuyện rôm rả. Bác Mai Xuân Trường, 71 tuổi, ở tại số nhà 47, tổ 11, phường Việt Hưng, cho biết: 'Từ mấy ngày hôm nay, chúng tôi tìm hiểu kỹ lý lịch của những người ứng cử để chọn ra người xứng đáng, có tâm, có năng lực để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. Thời gian qua, những vấn đề 'nóng' trong xã hội, đặc biệt là vấn đề tham nhũng, lãng phí đã được bàn thảo nhiều trong các kỳ họp Quốc hội. Chúng tôi mong rằng, những việc này tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ mới, khi Đảng, Nhà nước tiếp tục coi chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bên cạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội'.
Tại các trường đại học lớn trên địa bàn Hà Nội, nhà trường phối hợp tổ bầu cử lập điểm bầu cử ngay tại trường. Với ý thức, trách nhiệm cao, đến hơn 9 giờ sáng, có hơn 90% số cử tri là sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ công dân. Tại các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động tỉnh ngoài, các doanh nghiệp tạo điều kiện để công nhân lao động đi bầu cử ngay tại địa bàn. Ở một số điểm bầu cử, ngoài các hòm phiếu chính, các tổ bầu cử còn sử dụng thêm hòm phiếu phụ dành cho những người không thể đến điểm bầu cử.
|
Cử tri phường Hồng Hải, TP Hạ Long (Quảng Ninh) hăng hái đi bầu cử. Ảnh: QUANG THỌ |
Công tác bảo đảm an ninh trật tự cho cuộc bầu cử được các lực lượng chức năng triển khai tốt. Công an thành phố phối hợp thanh tra giao thông triển khai các phương án phòng, chống ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, đặc biệt là tại các điểm bỏ phiếu. Theo Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội, đến 19 giờ ngày 22-5, hơn 98% cử tri Hà Nội đã bỏ phiếu. Công tác bầu cử trên địa bàn thành phố diễn ra an toàn, dân chủ và đúng luật.
Sáng 22-5, mặc dù chưa đến giờ bỏ phiếu nhưng trên nhiều tuyến đường ở thành phố mang tên Bác Hồ chúng tôi thấy nhiều người cầm thẻ cử tri đi đến những địa điểm bầu cử, chuẩn bị thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Khu vực bầu cử số 38, đơn vị bầu cử số 1 đặt tại Trường tiểu học Kỳ Đồng, thuộc địa bàn phường 9, quận 3 được trang hoàng thật đẹp, thật trang trọng. Đây là nơi vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Đúng 7 giờ, sau lễ khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã bỏ lá phiếu đầu tiên. Phát biểu ý kiến ngay khi vừa bỏ phiếu xong, Chủ tịch nước khẳng định: Hôm nay là một ngày trọng đại, lần đầu tiên cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp được tổ chức cùng một ngày. Chủ tịch nước mong muốn cử tri lựa chọn người đủ phẩm chất để bầu vào QH và HĐND các cấp.
Tại khu vực bầu cử số 7, đơn vị bầu cử số 1 thuộc địa bàn phường Tân Định, quận 1, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư có mặt rất sớm. Sau khi cùng đông đảo cử tri dự lễ khai mạc, đồng chí Trương Tấn Sang bỏ lá phiếu đầu tiên vào thùng phiếu bầu đại biểu QH và thùng phiếu bầu đại biểu HĐND thành phố. Trao đổi ý kiến ngay sau khi bỏ phiếu, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, đây là năm đầu tiên cả nước triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, với mong muốn đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Muốn vậy, một trong những việc phải làm là xây dựng cơ quan nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, của dân, do dân và vì dân. Đồng chí mong muốn, các cử tri sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu để bầu vào QH và HĐND các cấp, mong các đại biểu trúng cử sẽ xứng đáng là người đại biểu của cử tri và của nhân dân…
|
Cử tri Giáo xứ An Bình, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đi bầu cử. Ảnh: UÔNG THÁI BIỂU |
Tại phường 17, quận Phú Nhuận, địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, từ sáng sớm, đông đảo cử tri đã có mặt tại các điểm bầu cử để hoàn thành quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Đồng chí Nguyễn Thị Túy Nga, Chủ tịch UBND phường 17, quận Phú Nhuận cho biết, toàn phường có 7.174 cử tri, trong đó 10% là người dân tộc Chăm. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào Chăm có nhiều thay đổi tích cực. Các hộ nghèo không chỉ được vay vốn, tư vấn làm ăn mà còn được học nghề miễn phí, giới thiệu việc làm. Hầu hết các em học sinh được cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện đi học, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến nay toàn phường chỉ còn 26 hộ đồng bào Chăm có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 12 triệu đồng/năm. Ở khu vực bầu cử số 63, mới 8 giờ 30 phút sáng đã có gần 50% cử tri đi bầu. Bà Basiroh, 56 tuổi, dân tộc Chăm, vui vẻ cho biết, gia đình bà có hai cử tri, cả hai đều đã đi bỏ phiếu.
Cùng với cử tri cả nước, sáng 22-5, đông đảo cử tri TP Hải Phòng đã đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011- 2016. Đúng 7 giờ, lễ khai mạc bầu cử diễn ra trang trọng tại tất cả các khu vực bỏ phiếu với sự tham gia của đông đảo cử tri.
Tại khu vực bỏ phiếu số 3 của xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự lễ khai mạc và bỏ lá phiếu đầu tiên, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Cùng tham dự bỏ phiếu có phu nhân Thủ tướng và Đoàn công tác Chính phủ.
Trong ngày 22-5, trên địa bàn TP Hải Phòng trời nắng đẹp, thuận lợi cho nhân dân đi bầu cử. Các khu vực bỏ phiếu được bố trí ở các vị trí rộng rãi, thuận lợi, để cử tri tham gia bỏ phiếu bảo đảm an toàn, dân chủ, công bằng, đúng luật và thật sự là ngày hội của toàn thể nhân dân thành phố cảng.
Theo Ủy ban Bầu cử Hải Phòng, đến 17 giờ 30 phút ngày 22-5, toàn TP Hải Phòng đã có 1.336.731 cử tri đi bầu cử, đạt tỷ lệ 94 %; trong đó, có 20 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 100% số cử tri trên địa bàn đi bầu cử, hoàn thành nghĩa vụ công dân. Tại các địa phương đạt tỷ lệ 100% cử tri đi bầu cử từ sớm, nhưng các điểm bỏ phiếu vẫn duy trì hoạt động cho đến hết thời gian theo quy định để các cử tri vãng lai có cơ hội được bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Công tác an ninh trật tự tại các điểm bỏ phiếu được bảo đảm an toàn.
Ngày 22-5, hơn 812 nghìn cử tri thuộc 40 dân tộc anh em tỉnh Lâm Đồng đã đi bỏ phiếu bầu chọn các đại biểu ưu tú của nhân dân. Theo đánh giá của Ủy ban bầu cử tỉnh, nhìn chung, các ban bầu cử các cấp đều vận hành một cách tích cực, công tác bầu cử diễn ra tốt đẹp và an toàn.
Từ 6 giờ sáng trong không khí ngày hội lớn, người dân tỉnh Lâm Đồng đã náo nức, sẵn sàng thực hiện quyền công dân của mình. Khí thế của sự kiện chính trị lớn lan tỏa đến từng thôn, làng, ngõ xóm ở tất cả các đơn vị hành chính của tỉnh. Đến 16 giờ, nhiều địa phương trong tỉnh đã hoàn thành công tác bầu cử. Điểm nổi bật là hầu hết các tổ hoàn thành việc bầu sớm là các điểm bầu cử ở khu vực nông thôn, các địa phương có tổ bầu cử hoàn thành sớm nhiều là các huyện ở vùng sâu, vùng xa. Các tổ bầu cử tại các đơn vị lực lượng vũ trang, trường đại học, bệnh viện, cơ sở thờ tự tôn giáo… đã có 100% cử tri đi bỏ phiếu tính đến 12 giờ cùng ngày.
Cùng với cử tri cả nước, đúng 7 giờ sáng ngày 22-5, gần 627.520 cử tri TP Đà Nẵng đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình tại 484 khu vực bầu cử trên toàn thành phố.
|
Cử tri phường Thạc Gián, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đi bầu cử. Ảnh: THANH LỘC |
Để chuẩn bị tốt nhất cho ngày hội lớn này, gần một tháng qua, tại TP Đà Nẵng, công tác tuyên truyền, cổ động trực quan về bầu cử đã được các địa phương đồng loạt thực hiện. Tại tổ bầu cử số 8, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – nơi được chọn làm điểm cầu truyền hình trực tiếp với cả nước, ngay từ 6 giờ sáng, rất đông cử tri đã đến đây để chuẩn bị bỏ phiếu. Cử tri Nguyễn Văn Hải, 70 tuổi chia sẻ: 'Chúng tôi là những người mới đến đây sinh sống theo diện tái định cư của thành phố, được thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri đối với từng lá phiếu bầu cử, tôi hy vọng những người trúng cử đại biểu QH và HĐND các cấp sẽ xứng đáng với niềm tin của cử tri, làm cầu nối vững vàng giữa cử tri với Quốc hội, Chính phủ'. Cũng trong ngày hội lớn này, hơn 10 nghìn sinh viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đã tập trung bỏ phiếu tại bốn tổ bầu cử. Tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, hơn 10 nghìn công nhân cũng nô nức đi bầu cử. Đặc biệt, hàng nghìn cử tri là ngư dân vùng biển cũng trở về trước ngày bầu cử để thực hiện nghĩa vụ công dân qua những lá phiếu bầu đầy niềm tin và trách nhiệm. Nhiều học sinh, sinh viên, công nhân lần đầu được đi bầu cử đã bày tỏ niềm tự hào.
Đối với cử tri của 11 xã thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, ngày bầu cử đã thật sự trở thành ngày hội lớn của niềm vui, trách nhiệm. Đông đảo cử tri của huyện, nhất là cử tri là đồng bào dân tộc Cơ Tu ở xã Hòa Bắc – địa bàn vùng núi xa nhất của Đà Nẵng đã sắp xếp việc nương rẫy, đến các điểm bỏ phiếu từ rất sớm để thực hiện bầu cử. Tất cả cử tri đều gửi gắm niềm tin tưởng, sự kỳ vọng đối với những người ứng cử qua lá phiếu bầu, để chọn những đại biểu có đức có tài, gần dân, lắng nghe dân, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của đông đảo nhân dân Đà Nẵng.
Đến 15 giờ cùng ngày, ông Đặng Công Ngũ, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban Bầu cử TP Đà Nẵng cho biết, số lượng cử tri TP Đà Nẵng đi bỏ phiếu bầu cử đạt 95,4%. Tất cả các điểm bầu cử đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng luật định.
Đúng 5 giờ 30 phút, tại 963 tổ bầu cử trên địa bàn TP Cần Thơ đồng loạt diễn ra lễ khai mạc ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016. Ngày bầu cử của người dân Cần Thơ diễn ra rất sôi nổi và tràn đầy phấn khởi. Ở các nơi bầu cử, việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ bầu cử được tổ chức chu đáo, đường phố khang trang, sạch đẹp. Trên các tuyến đường chính, từ trung tâm thành phố đến các quận, huyện, xã, phường, thị trấn được trang hoàng nhiều băng-rôn, khẩu hiệu, cờ hoa làm cho không khí ngày bầu cử thêm rộn ràng.
Từ rất sớm, khi chúng tôi đến tổ bầu cử số 1, phường An Hội, quận Ninh Kiều, cũng là lúc ông Trần Văn An đang chuẩn bị bỏ phiếu. Ông An phấn khởi, nói: 'Mấy hôm trước, được nghiên cứu tiểu sử tóm tắt, nghe chương trình hành động của những người ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp, tôi cùng các thành viên trong gia đình đã lựa chọn sẵn những người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác và thật sự gần dân để bầu vào cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, đất nước'.
Tại Trường đại học Cần Thơ, nơi tổ chức bầu cử cho khoảng 40 nghìn cử tri là sinh viên, không khí bầu cử thật rộn ràng và vui như ngày hội. Từ rất sớm, hàng nghìn sinh viên đã đến các điểm bầu cử để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Theo tuyến tỉnh lộ 921, 922 về các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, dọc hai bên đường có rất nhiều băng-rôn, tranh cổ động và cờ hoa rực rỡ. Người dân nơi đây rất quan tâm đến cuộc bầu cử, cho nên trời vừa hửng sáng đã rủ nhau hăng hái đi bầu cử. Nhờ công tác tuyên truyền bầu cử được thực hiện liên tục, nên cử tri ở nông thôn đều thông hiểu và tích cực đi bầu cử sớm.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban bầu cử TP Cần Thơ, đến 14 giờ, hơn 90% cử tri (toàn thành phố có 942.800 cử tri) đã hoàn thành việc bỏ phiếu. Trước đó, đến 11 giờ ngày 21-5, tất cả năm tổ bầu cử được phép bầu cử sớm trên địa bàn Cần Thơ đặt tại Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Trung đoàn 932, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền đã hoàn thành việc bỏ phiếu, với 100% cử tri. Không khí ngày bầu cử ở TP Cần Thơ diễn ra sôi nổi, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cử tri hăng hái đi bỏ phiếu, hân hoan mừng ngày hội lớn của đất nước.
Mới 6 giờ 15 phút ngày 22-5, tại nhiều điểm bỏ phiếu trên địa bàn thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh), nơi tập trung hàng chục nghìn công nhân, lao động ngành than, đông đảo cử tri đã có mặt, trong đó có rất nhiều cử tri cao tuổi. Chúng tôi có mặt tại khu vực bỏ phiếu số 2, phường Cẩm Phú, thị xã Cẩm Phả. Mặc dù chưa đến giờ khai mạc nhưng đã có rất nhiều cử tri đang trò chuyện, bàn luận. Được biết, để tạo điều kiện cho công nhân, lao động toàn công ty thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri, lãnh đạo Công ty CP than Cọc Sáu đã bố trí dừng sản xuất ngày 22-5 để tất cả mọi người được đi bầu cử.
Ở tổ bầu cử số 1, khu Nam Tiến, phường Cẩm Bình, thị xã Cẩm Phả không khí khá nhộn nhịp. Rất đông cử tri có mặt từ sớm để dự lễ chào cờ. Ngay sau lễ chào cờ là phần khai mạc được diễn ra trang trọng. Phía ngoài sân chờ, các cử tri đến ngày một đông. Bác Phạm Thế Nghĩa, năm nay 70 tuổi, vui vẻ nói: 'Tôi đã đi bầu cử nhiều lần, lần nào tôi cũng dậy thật sớm và đi đúng giờ để kịp dự lễ khai mạc. Tôi thấy lần bầu cử này bầu cả đại biểu Quốc hội và HĐND nên đã tiết kiệm được rất nhiều công sức, tiền của cho Nhà nước và nhân dân'.
|
Cử tri tham gia bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 7, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Ảnh: NGỌC QUÂN |
Trên các con đường ở TP Hạ Long đều rực đỏ cờ hoa trong ánh nắng ban mai của ngày bầu cử. Đúng 7 giờ, 110 tổ bầu cử ở thành phố đồng loạt khai mạc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp.
Tại khu vực bỏ phiếu số 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, trò chuyện với chúng tôi, cụ Vũ Ngọc Khuê, 94 tuổi, ở tổ 1, khu 4C cho biết: ' Đây là lần thứ 13 tôi đi bỏ phiếu bầu cử, mong rằng những đại biểu trúng cử lần này sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri tin tưởng và giao phó'.
Đến 17 giờ 30 phút, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có gần 98% số cử tri đi bầu cử.
Mới hơn 6 giờ sáng nhưng dọc đường từ trung tâm TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) ngược quốc lộ 1A đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Đồng Đăng), ở đâu chúng tôi cũng thấy tràn ngập cờ hoa, biểu ngữ, băng-rôn đỏ rực, từng tốp người dân nô nức, rảo bước đến các điểm bầu cử. Tại trụ sở UBND xã Tân Thanh, nơi đặt Tổ bầu cử số 1, chưa đến giờ khai mạc nhưng đông đảo cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh và lực lượng hải quan Chi cục cửa khẩu Tân Thanh cùng bà con các dân tộc Tày, Nùng… đã có mặt để chuẩn bị bầu cử. Nhiều người tranh thủ nghiên cứu tiểu sử những người ứng cử. Cụ bà Hoàng Thị Thưởm, 82 tuổi, ở Bản Thẩu, xúc động nói: 'Hôm nay vui lắm, tôi xung phong đi bầu cử sớm để con cháu đi theo'. Sau khi cuộc bầu cử diễn ra được gần 20 phút, nhiều người dân ở khu vực cửa khẩu đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình. Tại Đồn Biên phòng Tân Thanh, Thiếu tá Đào Xuân Trường, Chính trị viên của đồn phấn khởi cho biết: Đến 8 giờ 30 phút, 100% cán bộ, chiến sĩ đã đi bỏ phiếu. Đồn phụ trách địa bàn ở xã giáp biên Tân Thanh và Tân Mỹ, để cán bộ, chiến sĩ đi bầu cử, đồn phân công, bố trí lực lượng trực, thay đổi ca trực, những cán bộ, chiến sĩ nắm địa bàn nào thì trực tiếp bầu cử ở khu vực đó…
Đến 15 giờ, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu trên địa bàn tỉnh đạt 90,84%; 671/1.882 khu vực bỏ phiếu có 100% cử tri đi bỏ phiếu, trong đó có 24/226 xã, phường, thị trấn đạt 100% cử tri đi bầu.
|
Cử tri đi bầu cử tại Tổ bầu cử số 2, xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Ảnh: VIỆT TIẾN |
Tỉnh Kiên Giang có hai huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải, ba xã đảo thuộc huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Nhiều xã đảo, ấp đảo cư dân sống rải rác nên điều kiện đi lại cách trở, khó khăn. Nhưng nhờ sự chủ động của chính quyền địa phương và tinh thần trách nhiệm của cử tri, nhiều nơi số cử tri đi bầu đạt 100% từ sớm.
Tại xã đảo Hòn Tre, trung tâm hành chính của huyện đảo Kiên Hải, nằm cách TP Rạch Giá hơn 20 km về phía tây nam, buổi sáng trời mát mẻ. Con đường bê-tông độc đạo trên đảo rực rỡ sắc đỏ cờ hoa, pa-nô, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu. Tiếng loa phát thanh rộn ràng như thúc giục người dân tham gia ngày hội. 6 giờ sáng, người dân đã có mặt rất đông tại các tổ bầu cử trên địa bàn. 6 giờ 10 phút, bảy tổ bầu cử đồng loạt khai mạc, các thùng phiếu nhận những lá phiếu đầu tiên. Đưa tấm thẻ cử tri có dấu đã bỏ phiếu, anh Nguyễn Thanh Thái, ngụ tổ ngư dân tự quản (NDTQ) số 5, ấp 2, xã đảo Hòn Tre phấn khởi cho biết: 'Dù bận rộn công việc mưu sinh, nhưng tôi phải tranh thủ làm tròn nghĩa vụ công dân của mình. Tự tay bầu những người mà mình chọn vì lợi ích của xã hội và bản thân'. Sau khi bỏ phiếu bầu xong, anh Thái tất bật chuẩn bị cho một chuyến đi biển mới. Ngụ cùng Tổ NDTQ, cùng làm chung nghề lưới ghẹ, anh Trần Văn Tín bộc bạch: 'Tranh thủ đi bầu sớm để còn ra khơi. Gia đình tôi không ai đi bầu thay cho ai. Tôi cũng như đông đảo cử tri ở Hòn Tre rất kỳ vọng vào Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ này'.
Tại các xã đảo khác của tỉnh Kiên Giang như: Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (Kiên Hải); Hòn Nghệ, Sơn Hải (Kiên Lương); Tiên Hải (Hà Tiên) và huyện đảo Phú Quốc, không khí trong ngày bầu cử diễn ra sôi nổi. Do đặc điểm địa hình cách trở, nhiều nơi chủ động bố trí ghe tàu rước cử tri đến nơi bỏ phiếu. Vì vậy, cử tri đi bầu ở các xã đảo hoàn thành sớm và đạt tỷ lệ cao. Đến 13 giờ 30 phút, 100% cử tri của hai xã đảo Nam Du và An Sơn đã bầu cử xong. Đến 15 giờ, 100% cử tri ba xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ và Tiên Hải cũng đã đi bầu. Còn tại huyện đảo Phú Quốc, đến hơn 15 giờ đã có 99,47% cử tri đi bầu. Trước đó, ngày 20-5 được bầu cử sớm, xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc) cũng đã có 100% cử tri đi bầu. Được biết, tại huyện đảo Phú Quốc có hơn 53 nghìn cử tri, nhiều cử tri làm nghề đánh cá trên các đội tàu đánh bắt xa bờ, nhưng các chủ tàu đã kịp thời quay vào bờ cho cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Ủy ban bầu cử tỉnh Kiên Giang cho biết: Đến 17 giờ, toàn tỉnh Kiên Giang có 1 triệu 183.943 người được phát thẻ cử tri và đã có 1 triệu 165.392 cử tri đi bầu (đạt 98,43%). Hai huyện Kiên Hải và thị xã Hà Tiên có số cử tri đi bầu đạt 100%; 11 huyện khác và TP Rạch Giá có số cử tri đi bầu đạt hơn 98%.
Theo Nhandan
Ý kiến ()