Túi nilon: Hiểm họa gây ô nhiễm môi trường
Túi nilon đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng, đặc biệt là các hoạt động thương mại dân sinh. Với ưu điểm tiện dụng, bền, giá thành thấp nên túi nilon có mặt hầu như khắp mọi nơi. Do đó số lượng túi được thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Đặc biệt nguy hại hơn khi ở môi trường tự nhiên một túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.
Sử dụng túi nilon “lợi bất cập hại”
Theo kết quả khảo sát của Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 5 tỉnh, thành đại diện cho 3 vùng, miền cho thấy bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 1 kg túi nilon /hộ/ tháng.
Thực tế cho thấy ở số đông người dân vẫn ý thức được rằng sử dụng túi nilon thông thường sẽ gây những hậu quả không tốt đối với môi trường. Tuy nhiên sự tiện dụng của túi nilon tạo nên thói quen khó bỏ của người tiêu dùng trong việc sử dụng. Do đó, túi nilon trở thành rác thải gây ra mối nguy hại đối với môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Vì vậy, nếu không có giải pháp thiết thực trong việc hạn chế dùng túi nilon thì không bao lâu nữa đường phố, kênh rạch, ruộng đồng… khắp mọi nơi sẽ tràn ngập túi nilon, môi trường sẽ hủy hoại nặng nề và khó có thể khắc phục được.
Với ưu điểm tiện dụng, bền, giá thành thấp nên túi nilon có mặt hầu như khắp mọi nơi
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, rác thải nilon nếu chôn lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển các loại thực vật, ngăn cản việc đưa nước từ đất đến các loại thực vật làm các loại này kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân của sự xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Mặt khác nếu đốt nilon sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và nguy hiểm hơn là có khả năng gây ung thư…Sự lạm dụng tiện lợi của túi nilon kết hợp thói quen vứt rác bừa bãi của con người khiến túi nilon trở thành thứ rác tràn lan trong cuộc sống. Thực tế này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là tác nhân ẩn chứa vi khuẩn bệnh tiềm tàng, tắc nghẽn cống rãnh, ô nhiễm môi trường.
Nguy hiểm nhất túi nilon có thể gây ung thư khi mà những chất phụ gia dùng để tạo độ dẻo dai, tạo màu cho túi nilon có thể gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70 – 80o C phụ gia dùng sản xuất túi nilon sẽ hòa tan vào thực phẩm. Nếu sử dụng túi nilon để đựng các thực phẩm có tính chua như dưa muối, cà muối, thực phẩm nóng các phụ gia sẽ tách khỏi thành phần nhựa và đi vào thực phẩm gây nhiễm độc cho thực phẩm.
Cần thay đổi thói quen của người dân
Thói quen tiêu dùng túi nilon thay đổi không đáng kể trong đa số người dân. Để việc hạn chế sử dụng túi nilon trong thực tiễn cần có những giải pháp như có các chính sách khuyến khích hỗ trợ trong việc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường tại địa phương, xây dựng hệ thống thu gom tái chế túi nilon, khuyến khích các nhà phân phối, nhà bán lẻ tham gia chương trình giảm phân phát túi nilon…Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự vào cuộc của mỗi người dân, người tiêu dùng, là sự thay đổi thói quen hạn chế sử dụng túi nilon của mỗi người trong cuộc sống hàng ngày.
Ở điều kiện tự nhiên túi nilon phải mất 200 đến 500 năm mới phân hủy được
Tiện lợi thật, nhưng túi nilon là “thủ phạm” nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường. Có thể thấy rõ điều này khi kiểm tra các bãi rác, hố chôn rác, xe rác. Túi nilon với đủ các kích cỡ, màu sắc nằm xen lẫn trong các loại rác thải, phế thải khác. Nhiều hố chôn rác, các loại phế thải khác đã phân huỷ hết từ lâu, nhưng túi nilon vẫn không phân hủy. Túi nilon rất khó tái sử dụng và người dân thường dùng một lần là bỏ đi nên lượng thải ra môi trường là không hề nhỏ. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về môi trường có thể sử dụng giải pháp cấm sử dụng túi nilon, nhưng cần phải có chế tài cụ thể, chế độ thưởng phạt nghiêm minh, bộ máy giám sát thực thi và vật dụng thay thế (túi nilon thân thiện với môi trường). Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối túi nilon thân thiện với môi trường, để người tiêu dùng và nhân dân được tiếp cận với loại túi đó.
Để hạn chế việc sử dụng túi nilon, cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền đến tận người dân về những tác hại của thói quen sử dụng túi nilon. Đồng thời đưa ra những giải pháp áp dụng cụ thể trong thực tiễn như phân loại rác túi nilon để tái chế, áp dụng ưu đãi thuế đối với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng nhiều lần tại các siêu thị, trung tâm thương mại…Hỗ trợ hội phụ nữ thành lập câu lạc bộ hạn chế sử dụng túi nilon, siêu thị coopmart tặng túi thân thiện với môi trường… Tuy nhiên hiệu quả đạt được rõ ràng vẫn chưa cao.
Để kiểm soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện dự án “Kiểm soát ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bao bì khó phân hủy (các loại túi nilon)” với mục tiêu là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng có liên quan về tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khỏe. Ngoài ra, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực ngày 1/1/2012 có quy định một số sản phẩm tiềm tàng gây ô nhiễm môi trường sẽ phải chịu thuế, trong đó túi nilon là một trong những sản phẩm phải chịu mức thuế cao, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong tiến trình hạn chế, giảm thiểu các vấn đề môi trường do sử dụng và thải bỏ các loại bao bì khó phân hủy gây. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả vẫn là thay đổi thói quen của người dân về việc sử dụng túi ni lon.
Theo moitruong.net.vn
Ý kiến ()