Tuân thủ pháp luật để xuất khẩu hàng hóa
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) mới đây đã công bố cảnh báo của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về nguy cơ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với 18 sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 4 mặt hàng là sản phẩm gỗ. Qua sự việc, cảnh báo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cùng với việc phải nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm là nhận thức tuân thủ các chính sách pháp luật của Việt Nam và Mỹ…
Sản xuất mặt hàng gỗ xuất khẩu. |
Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây làm cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ kỳ vọng hơn vào sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang tăng trở lại.
Mỹ luôn nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói riêng và ngành gỗ nói chung. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 8,67 tỷ USD (giảm 1%), nhưng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản sang Hoa Kỳ năm 2022 đạt 13 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới. Tiềm năng để Việt Nam mở rộng thị trường Mỹ còn rất lớn.
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, bất chấp việc cạnh tranh và sự thu hẹp tại trường Mỹ, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam rất tích cực bám sát thị hiếu người tiêu dùng, thay đổi để thích nghi với tình hình hiện tại.
Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị, kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ.
Gỗ dán, sản phẩm ưa chuộng tại thị trường Mỹ. |
Bộ Công thương đã đưa ra khuyến nghị, bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Mỹ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là giá cả, chất lượng và các yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn “sản xuất xanh”, chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi bản thân, áp dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới mẫu mã sản, nâng cao chất lượng phẩm, để thích ứng được với những thay đổi thị hiếu người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại; bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn quy định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm ngành gỗ, kết nối với các cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Mỹ.
Để phát triển thị trường, ngoài việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn, doanh nghiệp cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm các thị trường ngách, để giảm thiểu rủi ro.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất, mà còn phải bảo đảm quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng của các doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn từ 12/7/2022 đến 6/2023, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Mỹ đạt 378,9 triệu USD. Kim ngạch của Việt Nam đã chiếm tới 27,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ thanh và viền dải gỗ của Việt Nam hiện mới chiếm 5,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ. Nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang thị trường Mỹ bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng 11/2020.
Trong giai đoạn 12/7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 67 triệu USD…
Cùng với sản phẩm gỗ dán, kim ngạch xuất khẩu tủ bếp và tủ nhà tắm của Việt Nam sang Mỹ cũng đã tăng mạnh, từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng khoảng 50%). Trong giai đoạn 12/7/2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt hơn 2,7 tỷ USD.
Sản xuất khung sofa xuất khẩu. |
Kim ngạch của Việt Nam chiếm 33,8% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu ghế sofa có khung gỗ của Việt Nam sang Mỹ là một trong số những sản phẩm có doanh thu cao nhất trong danh mục các mặt hàng gỗ xuất khẩu vào Mỹ. Mặt hàng này đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020. Trong giai đoạn 12/7/ 2022 đến tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu ghế sofa có khung gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt 2,2 tỷ USD. Kim ngạch của Việt Nam hiện chiếm 34,2% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm cùng loại của Mỹ.
Thời gian gần đây, cùng với chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nội địa, Mỹ ban hành nhiều chính sách bảo hộ thương mại, để bảo vệ các lợi ích của các doanh nghiệp trong nước. Các rào cản phi thuế có thể làm hạn chế tiếp cận thị trường và tăng chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, Mỹ cũng đã gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó, các sản phẩm gỗ cũng là một trong những đối tượng được quan tâm nhiều nhất, nên các doanh nghiệp chế biến gỗ cần phải nâng cao nhận thức và tuân thủ các chính sách pháp luật của Việt Nam và Mỹ.
Đến nay, cùng với các mặt hàng khác, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (circumvention) đối với nhiều sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này như gỗ dán, gỗ thanh, tủ bếp, khung gỗ ghế sofa.
Trong đó, toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam đã bị DOC điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Sau nhiều lần gia hạn, DOC đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc vào tháng 7/2023.
Theo kết luận này, sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.
Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác thì không bị coi là lẩn tránh. DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam đủ điều kiện tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ được tham gia cơ chế tự xác nhận cần lưu ý không sử dụng ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất gỗ dán và lưu giữ hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách khoa học để chứng minh với cơ quan có thẩm quyền của Mỹ khi có yêu cầu kiểm tra xác minh…
Nguồn:https://nhandan.vn/tuan-thu-phap-luat-de-xuat-khau-hang-hoa-post779551.html
Ý kiến ()