Từ xứ hoa hồi về xứ trà đất thép
- Xứ trà đất thép Thái Nguyên và xứ sở hoa hồi Lạng Sơn chia cách bởi địa giới hành chính. Nhưng không vì thế mà tạo nên khoảng xa cách cho người 2 vùng, bởi từ bao đời nay, người xứ trà đất thép và người xứ hoa hồi vẫn thường qua lại, gắn bó thâm tình. Nhất là vào giai đoạn 1940-1945, một dải núi non từ Bắc Sơn (Lạng Sơn) đến Võ Nhai (Thái Nguyên) có rừng cây bao phủ và lòng dân che chở cho cán bộ Việt Minh đi lại an toàn.
Ông Hoàng Văn Thắng, người cao tuổi có uy tín ở xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) tâm đắc: Từ Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ, Bắc Sơn) về Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, Võ Nhai) có đường mòn luồn dưới tán rừng, bám vào lưng dải núi thằn lằn đi qua Phú Thượng. Đây là địa bàn hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh nên nhiều người dân quanh vùng sớm được giác ngộ và ủng hộ, đi theo cách mạng.
Để hiểu thêm về phong trào đấu tranh cách mạng bấy giờ, chúng tôi về thôn Long Hưng, xã Long Đống (Bắc Sơn) tham quan Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn. Ngoài lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật của nền văn hóa Bắc Sơn nổi tiếng trong khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng còn dành không gian tái hiện cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tháng 9/1940. Biết chúng tôi là dân “xứ trà”, chị hướng dẫn viên của Bảo tàng sôi nổi, xuyên suốt câu chuyện chị dành cho chúng tôi luôn có sự đan cài giữa 2 vùng đất cách mạng Bắc Sơn và Võ Nhai. Tôi biết đó là cách dẫn chuyện khéo léo của người làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Vâng! Lịch sử đã diễn ra như thế…
Chị bắt đầu đưa chúng tôi ngược thời gian về vùng đất có dòng Khuổi Nọi (Vũ Lễ) và dòng sông Dong (Tràng Xá), nơi có đại bản doanh của Đội Cứu Quốc quân năm xưa. Trước bùng nổ khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940), khởi đầu phong trào đấu tranh cách mạng trên cả nước, các đồng chí Nông Văn Cún (tức Thái Long) đã về Võ Nhai vận động Nhân dân ủng hộ Bắc Sơn; 10 thanh niên trung kiên thuộc Trung đội tự vệ Võ Nhai đã tình nguyện lên Bắc Sơn cùng với quân khởi nghĩa chiến đấu chống lại sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù.
Đến cuối năm 1940, Trung ương Đảng chủ trương duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, mở rộng địa bàn hoạt động, lấy vùng Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm. Đặc biệt ngày 23/2/1941, tại khu rừng Khuổi Nọi, Đội Cứu Quốc quân Bắc Sơn gồm 32 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Lương Văn Tri, Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ là Chỉ huy trưởng làm lễ thành lập. Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trao cho đội lá cờ đỏ sao vàng năm cánh do Hội Phụ nữ phản đế Hà Nội thêu tặng.
Ngay sau khi ra đời, Cứu Quốc quân đã tích cực mở rộng địa bàn hoạt động, đồng thời vận động Nhân dân trong vùng tham gia xây dựng cơ quan bí mật tại Khuổi Nọi. Đến tháng 4/1941, các xã: Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá (Võ Nhai) nối liền với các xã: Vũ Lễ, Vũ Lăng, Hữu Vĩnh, Ngư Viễn (Bắc Sơn) đã trở thành khu trung tâm của căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Người dân các vùng Bó Tát, Nà Pheo, Nông Lục, Mỏ Nhài, Vũ Lăng, Sa Khao, Lân Pán, Lân Táy - Mỏ Pia, Mỏ Rẹ, Tam Canh, Khuổi Nọi… chở che, đùm bọc, bảo vệ cho Đội Cứu Quốc quân hoạt động an toàn. Khuổi Nọi được Đội Cứu Quốc lựa chọn làm đại bản doanh vì vùng đất này có rừng Tam Tấu và nhiều dãy núi cao bao bọc. Khi có biến cố có thể rút lui an toàn theo nhiều hướng khác nhau: hướng Nam thì vượt sang xã Phú Thượng (Võ Nhai), hướng Đông băng qua rừng đến xã Tân Thành, Tân Hương (Bắc Sơn).
Trước sự lớn mạnh không ngừng của Đội Cứu Quốc và phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân, thực dân Pháp đã điên cuồng đàn áp, khủng bố hòng tiêu diệt các lực lượng đấu tranh cách mạng. Chúng ráo riết săn lùng, bắt bớ, tra tấn dã man nhiều cán bộ, quần chúng tích cực. Nhất là khi chúng biết được thông tin về các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng đang trên đường từ Cao Bằng trở về sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII. Được Cứu Quốc quân và Nhân dân bảo vệ, các đồng chí lãnh đạo Đảng đã về đến đến cơ quan bí mật ở núi Lều, Tràng Xá an toàn… Liên tục thất bại, thực dân Pháp càng cay cú và thẳng tay đàn áp, khủng bố. Chúng bắt bớ thân nhân của các chiến sĩ Cứu Quốc quân; tung tin bịa đặt, dồn dân vào khu tập trung làm Cứu Quốc quân mất chỗ dựa. Cùng với đó chúng liên tục tổ chức các đợt tấn công vào vùng trung tâm của Đội Cứu Quốc, một số cơ sở quần chúng bị phá vỡ làm cho Cứu Quốc quân ngày càng gặp nhiều khó khăn. Để bảo toàn lực lượng, Ban Chỉ huy quyết định rút đại bộ phận của đội lên Cao Bằng và vùng biên giới Việt - Trung, chỉ để lại 1 tiểu đội làm nhiệm vụ giữ vững cơ sở quần chúng.
Đau đớn là vào tháng 8/1941, 6 chiến sĩ Cứu Quốc quân I bị địch bắt, chém bêu đầu thị chúng. 4 đồng chí còn lại rút xuống Võ Nhai cùng bộ phận Cứu Quốc quân ở đây đấu tranh chống địch khủng bố. Giữa tàn bạo của kẻ thù, tinh thần đấu tranh quật khởi của Nhân dân càng lên cao. Tại Võ Nhai, các tổ chức Cứu Quốc phát triển ngày càng sâu rộng, tập hợp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, các đội tự vệ tiếp tục được bổ sung thêm những đội viên trung kiên, bất khuất trong các hội cứu quốc.
Tinh thần căm thù giặc, quyết tâm trả thù nhà lên cao, đây chính là độ chín để củng cố lại lực lượng đấu tranh vũ trang của Đảng. Lúc đó đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Trung ương Đảng cùng Ban lãnh đạo cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai chủ trương khôi phục hoạt động của lực lượng Cứu Quốc quân để duy trì, cổ vũ phong trào cách mạng.
Sáng 15/9/1941, tại khu rừng Khuôn Mánh, thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II với 36 cán bộ, đội viên, trong đó có 22 đội viên là người Võ Nhai. Trung đội do đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nguyễn Cao Đàm là chính trị chỉ đạo viên; đồng chí Trần Văn Phấn là Chỉ huy phó. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao cờ Tổ quốc và nhiệm vụ cho trung đội phải đấu tranh chống địch khủng bố, trừ gian, diệt phản động đầu sỏ, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ căn cứ địa, củng cố và phát triển các đội tự vệ, duy trì tiếng súng đấu tranh võ trang để cổ vũ phong trào cách mạng của cả nước; với tinh thần bám dân, giữ vững cơ sở cách mạng, vừa chiến đấu, vừa tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mở lớp học xóa mù chữ cho đội viên và Nhân dân trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Oanh, trưởng xóm Là Bo (Tràng Xá) kể: Tôi là thế hệ hậu sinh, từ nhỏ đã được nghe các cụ kể chuyện về Đội Cứu Quốc quân Khuôn Mánh. Bấy giờ vũ khí được trang bị thô sơ nhưng cán bộ, đội viên của trung đội đã anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công làm nức lòng Nhân dân. Điển hình là các trận đánh ở Đèo Bắp; Mỏ Nùng Lâu Hạ; Suối Bùn (Tràng Xá)… Nhiều lính Pháp và ác ôn phản động làm tay sai cho thực dân Pháp xâm lược bị trung đội tiêu diệt, đền trả nợ máu cho Nhân dân.
Sử sách khắc ghi, lòng người nhắc nhớ, tên tuổi và chiến công của những cán bộ, đội viên Trung đội tiên phong cứu quốc còn đây, khắc trên bia đá hoa cương, tạc vào đại ngàn Khuổi Nọi và Khuôn Mánh, vạn đại trường tồn cùng thời gian. Ghi nhớ công lao đóng góp của đội ngũ cán bộ, đội viên Cứu Quốc quân, 2 vùng rừng thiêng là Khuổi Nọi và Khuôn Mánh - nơi thành lập đội quân tiên phong của cách mạng được công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Từ Khuổi Nọi về Khuôn Mánh là cả chặng đường bền bỉ đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người con ưu tú làm nên một Bắc Sơn - Võ Nhai anh hùng. Tất cả được dựng xây bằng máu, nước mắt. Bởi lẽ ấy mà từ lâu các di tích lịch sử kháng chiến là Khuổi Nọi và Khuôn Mánh trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Nhiều bạn trẻ của Bắc Sơn và Võ Nhai được làm lễ kết nạp vào Đoàn, được tuyên thệ trước cờ Đảng ở các di tích này.
Là con dân đất Việt, có mấy ai không biết đến bài thơ “Ta đi tới” của Tố Hữu. Vâng! “Ta đi giữa ban ngày/Trên đường cái ung dung ta bước/Đường ta rộng thênh thang ta bước/ Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên”… Con đường ấy bây giờ thay đổi nhiều lắm, đã rộng hơn, đẹp hơn rất nhiều. Đất nước hội nhập, đổi mới, hạ tầng cơ sở thay đổi nhanh, đường Bắc Sơn, Đình Cả được trải nhựa; đường về Khuổi Nọi và Khuôn Mánh đã thênh thang. Những cánh rừng Việt Bắc đại lượng như lòng mẹ, ôm lấy bao nỗi niềm riêng cùng tiếng lá thầm thì như lời ru ca đưa ta về bến đậu sử xanh. Mỗi một dòng tên được tạc vào phiến đá hoa cương kia là một bản hùng ca cách mạng, một khúc ca khải hoàn đi cùng năm tháng.
Ý kiến ()