Tư vấn tuyển sinh - vai trò quan trọng của các trường THPT
Học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh trong giờ ôn tập |
Bao giờ cũng vậy, cứ vào tháng 3 hằng năm là cán bộ và giáo viên Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp- Hướng nghiệp lại bước vào công việc của mình: đi các trường THPT để làm nhiệm vụ tư vấn tuyển sinh. Năm nay, nhiệm vụ này được coi là quan trọng và nặng nề hơn vì công tác tuyển sinh ĐH-CĐ có nhiều điểm mới do một số sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy liên quan đến công tác làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) như sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên theo hướng mở rộng hơn, điều kiện xét tuyển, thủ tục ĐKDT và xét tuyển đơn giản hơn… Đây là những vấn đề quan trọng mà nếu không được tư vấn kỹ thì chỉ với thời gian chưa đầy 1 tháng, học sinh sẽ không tận dụng được cơ hội cho mình, dẫn đến các quyết định sai lầm. Nhận thức được vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Xuân Tú, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp đã chỉ đạo rất sát đội ngũ cán bộ trong việc cập nhập những thông tin mới nhất về các quy định trong tuyển sinh, về tình hình của các trường ĐH-CĐ để tư vấn cho các em.
Trong tư vấn, với thời gian rất có hạn (5 tiết học) cán bộ của Trung tâm phối hợp với các nhà trường lựa chọn những vấn đề sát thực nhất như thông báo tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh gắn với những ngành nghề mà địa phương đang “khát” nhân lực; xu hướng lựa chọn ngành nghề trong giai đoạn hiện nay; tổ chức đối thoại, trả lời những câu hỏi của học sinh theo từng nhóm vấn đề để học sinh có thể tự lựa chọn cho mình một hướng đi đúng; cung cấp những thông tin về thay đổi ở các trường để học sinh nắm rõ và suy tính cho mình. Ví dụ, trường ĐH Bách Khoa năm nay thực hiện sơ tuyển; một số mã ngành ở các trường ĐH cụ thể không được phép tuyển sinh… Học sinh Lạng Sơn, trừ một số trường ở thành phố, vùng giáp quốc lộ 1A như Hữu Lũng, Chi Lăng… được tiếp cận với nhiều kênh thông tin và nắm khá rõ về tình hình tuyển sinh, song còn rất nhiều học sinh ở các huyện miền núi thiếu thông tin. Thầy Nguyễn Xuân Tú nói với chúng tôi: “Tiếp nhận các câu hỏi của các em mà mình thấy thương. Thương cho sự thiệt thòi của học sinh vùng cao, thương cho cả sự ngây ngô về sự suy nghĩ một chiều và nông cạn của các em. Vì vậy, cho dù thời gian rất ít, song các cán bộ của Trung tâm vẫn dành một thời lượng đáng kể để tư vấn cho những trường hợp cụ thể.” Trong hơn 1 tuần, Trung tâm đã đi đến được 11 trường THPT và Trung tâm GDTX để tư vấn cho 4.109 học sinh. Những vấn đề cụ thể mà các em quan tâm như: trường ở đâu, học trường này học phí bao nhiêu, ra trường làm gì, thu nhập như thế nào… đều đã được giải đáp khá thỏa đáng.
Tuy đã rất cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình, song Trung tâm không thể đến hết được tất cả các trường THPT và Trung tâm GDTX trong toàn tỉnh với gần 10 ngàn học sinh đang khao khát thông tin, mong được tư vấn; đó là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên các nhà trường. Nếu trường THPT Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn) vừa tổ chức tư vấn hướng nghiệp “Tôi chọn nghề hay nghề chọn tôi”, giao lưu nghề nghiệp “con đường của tôi” với những người đã thành công trong nghề nghiệp, tổ chức cho các em đi tham quan một số trường ĐH-CĐ… thì trường THPT Đình Lập (huyện Đình Lập) quan tâm tư vấn cho các em những ngành nghề phù hợp với địa phương và với năng lực còn có hạn của mình; trong đó quan tâm cung cấp cho các em thông tin về chế độ ưu tiên thí sinh huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Cô giáo Bùi Thị Minh, Hiệu trưởng trường THPT Đình Lập cho biết: tư vấn đủ, sát thực tế, cập nhập thông tin để cung cấp cho các em là vấn đề rất cần thiết; bên cạnh đó, cán bộ tư vấn nhà trường công bố điện thoại, lập email… để có thể tư vấn cho những trường hợp cụ thể. Nhà trường còn thực hiện “tư vấn gián tiếp” thông qua các hội nghị phụ huynh học sinh để các bậc cha mẹ suy nghĩ và định hướng cho con em mình. Nhờ sự đồng bộ trong tư vấn nên năm 2013, nhà trường đã có 105 học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ, trong đó có 60 em được vào các trường ĐH.
Tâm sự với chúng tôi, em Trần Thị Chuyên, học sinh trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn nói rằng: mặc dù là học sinh thành phố, có sự hiểu biết nhất định về các ngành nghề, song sau khi được tư vấn, các em đã sáng thêm nhiều điều. Phấn khởi nhất là chúng em biết được thông tin số thí sinh Lạng Sơn trúng tuyển vào các trường ĐH-CĐ năm sau cao hơn năm trước và đã đạt gần 4.900 người vào năm 2013 để thêm sự tự tin cầm “chìa khóa” tự mở cánh cửa tương lai cho mình. Song con số hơn 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ chưa có việc làm mà Bộ Lao động- Thương binh – Xã hội vừa thông tin đã làm cho chúng em suy nghĩ rất nhiều về tương lai, nghề nghiệp của mình.
Ý kiến ()