Tư vấn trước tiêm chủng để đảm bảo an toàn
LSO-Tư vấn trước tiêm chủng là khâu đầu tiên của quy trình tiêm chủng- việc mà bấy lâu nay dù ít dù nhiều, các cán bộ làm công tác tiêm chủng vẫn làm. Song trước những tai biến sau tiêm tại nhiều địa phương, ngành y tế đã có những quy định cụ thể và coi đây là khâu bắt buộc đối với các điểm tiêm chủng.
Tư vấn trước tiêm tại Trạm Y tế xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng |
Dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) được triển khai gần 30 năm nay và khi nó là dịch vụ thường xuyên và thực sự trở thành nhu cầu và quyền lợi của cộng đồng, thì được các trạm y tế quy định vào một số ngày cố định. Trước đây, khi chúng ta chưa dùng loại vắc-xin Quinvaxem “5 trong 1” thì trẻ phải tiêm nhiều mũi và hầu như không có trường hợp tai biến. Từ năm 2010, khi vắc-xin này được nhập và sử dụng tại Việt Nam thì tính tiện lợi của nó là tiêm ít mũi mà phòng được nhiều bệnh đã được người dân chấp nhận rộng rãi. Tuy vậy, trước những tai biến sau tiêm xảy ra ở nhiều nơi do nhiều nguyên nhân gây ra, người dân sinh nghi ngờ về tính an toàn của loại vắc-xin này. Trước những diễn biến không thuận chiều về TCMR, ngành y tế một mặt khẳng định tính an toàn cao của vacxin Quinvaxem, mặt khác tăng cường chỉ đạo an toàn tiêm chủng mà việc tư vấn trước tiêm là công việc bắt buộc đối với các điểm tiêm.
Thực hiện Quyết định số 3029/QĐ-BYT, ngày 21/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về an toàn tiêm chủng, trong khâu tư vấn, khám sàng lọc trước tiêm, Lạng Sơn có nhiều thuận lợi là hầu hết các trạm y tế đều có bác sĩ đa khoa, một số trạm chưa có bác sĩ thì các trung tâm y tế cử cán bộ về tăng cường. Khó khăn là một số điểm tiêm chủng quá chật chội; việc áp dụng quy trình bảo quản vắc-xin và sinh phẩm y tế chưa đẩy đủ, thiếu các trang thiết bị sơ cấp cứu, nhất là không có hộp chống sốc… Trước thực tế đó, ngành đã chỉ đạo các trung tâm y tế thành lập đội cấp cứu lưu động để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Ngoài việc tăng cường tập huấn cho cán bộ tiêm chủng về “4 bước” trong quy trình tư vấn, các trung tâm y tế đã chủ động cử cán bộ đến các điểm tiêm để giám sát, kiểm tra và giúp đỡ các trạm y tế vào ngày tiêm chủng.
Bác sĩ Đỗ Thị Vui, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng cho biết: “Trung tâm nắm chắc lịch tiêm ở các xã và cứ đến ngày đó, cán bộ của đội YTDP hoặc lãnh đạo của trung tâm đến các điểm, nhất là các điểm tiêm ở vùng cao, vùng khó khăn. Có cán bộ của trung tâm, cán bộ tiêm và người dân cũng cảm thấy yên tâm hơn”. Về quy trình tư vấn trước tiêm, bác sĩ Đường Thị Tình, Trạm Y tế xã Tân Mỹ (Văn Lãng) cho biết: “4 bước” của quy trình tư vấn đều quan trọng, đối với người dân ít có hiểu biết về bệnh tật thì việc người cán bộ y tế vừa hỏi tiền sử, tình hình sức khỏe hiện tại của bé và vừa quan sát cháu bé… có ý nghĩa quan trọng phát hiện bệnh để có quyết định hoãn tiêm hay không tiêm. Việc ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau tiêm phải coi là bắt buộc để theo dõi và phổ biến cho các bậc cha mẹ cách theo dõi ở nhà là rất cần thiết. Tránh tình trạng khi phát hiện ra các biểu hiện phản ứng thông thường sau tiêm như sốt nhẹ, đau, sưng tại chỗ tiêm, biếng ăn, bỏ bú… đã tỏ ra quá lo lắng mà không biết rằng đó là những phản ứng thông thường của trẻ hoặc không phát hiện ra những diến tiến nặng của trẻ để đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Thông cảm với người dân nhà xa trạm y tế, đường sá khó đi với thời tiết thất thường, nhiều trạm y tế đã có những giải pháp hay để thông báo cho người dân chủ động phát hiện bệnh của trẻ tại nhà và không đưa trẻ đi tiêm phòng. Sự “kết nối” giữa người dân và trạm y tế có thể qua điện thoại như ở xã Thượng Cường (Chi Lăng) hoặc thông qua đội ngũ y tế thôn bản hoặc CTV dân số xã như các xã Hữu Lân, Ái Quốc (Lộc Bình), Kiên Mộc, Bắc Xa (Đình Lập) và rất nhiều xã vùng sâu vùng cao khác. Bác sĩ Lăng Thị Phương Thảo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Cường (Chi Lăng) cho biết: “An toàn là trên hết, vì vậy, chỉ cần cháu có biểu hiện ho, sốt nhẹ, chúng tôi cũng tư vấn dừng tiêm. Để các gia đình đỡ mất công đưa các cháu đến trạm y tế mà không được tiêm, chúng tôi thống nhất là gia đình nào có trẻ có biểu hiện ốm nhẹ như cúm, sốt hoặc các biểu hiện bất thường về sức khỏe thì không đưa cháu đi tiêm chủng và điện thông báo cho trạm y tế biết”.
Trong nhiều năm nay, Lạng Sơn chưa có trường hợp mất an toàn trong tiêm chủng, tuy nhiên không có nghĩa là công tác tư vấn nói riêng và đảm bảo quy trình tiêm chủng đã được đảm bảo tốt. Trước những tai biến sau tiêm chủng ở nhiều địa phương, nhiều cán bộ y tế nói với chúng tôi rằng, hiện nay, người tiêm còn lo hơn người dân. Vì vậy, điều họ cần ở ngành y tế là các trang thiết bị, cơ sở vật chất ở điểm tiêm; về phần mình, họ phải cẩn thận hơn, khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm tốt hơn, vì vắc-xin như “con dao 2 lưỡi”, vẫn biết 99,99% là an toàn, song vẫn còn 0,01% là rủi ro, nhưng người dân vẫn chấp nhận. Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho rằng, người làm công tác tiêm chủng không chỉ đơn thuần là tiêm mà họ phải truyền niềm tin đến cho người dân. Để truyền niềm tin đến cho người dân, trước hết người cán bộ tiêm chủng phải vững tin vào vắc-xin, vào tay nghề của mình và làm tốt công tác tư vấn, khám sàng lọc trước tiêm.
TRẦN KIM
Ý kiến ()