Tư vấn trực tuyến tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2010 : Chọn nghề trước, lựa trường sau
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là hết hạn đăng ký hồ sơ dự thi ĐH, CĐ năm 2010, nhưng nhiều học sinh vẫn còn bỡ ngỡ chưa dám đặt bút quyết định đường tương lai… Hôm qua 24-3, Báo SGGP tổ chức buổi tư vấn trực tuyến giải đáp cặn kẽ cho các thí sinh (TS) về cách làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), chính sách tuyển sinh, cơ hội nghề nghiệp… với sự tham gia của TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và NGƯT-PGS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGS – TS Huỳnh Thanh Hùng và NGƯT-PGS Trần Hoàng Ngân (từ trái sang) tại buổi giao lưu trực tuyến trên SGGP Online. Ảnh: MAI HẢI |
- ĐH không phải là con đường duy nhất
“Học sinh cần nhận thức được rằng ĐH không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Điều quan trọng đối với một thanh niên chuẩn bị bước vào đời là có một nghề nghiệp ổn định và có tay nghề, chuyên môn vững vàng. Như vậy, tùy theo học lực và kỹ năng, cũng như sở thích của chính mình, học sinh nên cân nhắc xem nên chọn thi vào các trường ĐH, CĐ hay TCCN, các trường nghề, chứ không nên đeo bám theo một hướng mà mình không có đủ năng lực”, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, trả lời một cách rất chân tình nhưng cũng hết sức tâm lý trước câu hỏi “Con tôi lều chõng thi ĐH 2 năm nay nhưng chỉ… suýt đậu.
Năm nay cháu quyết chí dùi mài kinh sử lần nữa. Mong các thầy cho cháu lời khuyên” của bạn đọc Nguyễn Thị Huyền (quận 1, TPHCM). Kinh nghiệm lâu năm lăn lộn với công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, những thắc mắc về ngành nghề của bạn đọc luôn được thầy Nghĩa giải đáp gãy gọn, nhanh chóng và chính xác…
Cùng với những câu hỏi trăn trở về chọn ngành nghề, trường thi, rất nhiều câu hỏi quan tâm đến phần nóng nhất hiện nay là cách nào làm hồ sơ dự thi tránh sai sót, những thay đổi trong quy chế thi… liên tiếp được gửi đến nhờ TS Nguyễn Đức Nghĩa giải đáp.
“Thầy ơi ghi sai nguyện vọng, sai mã trường có được lấy lại hồ sơ để chỉnh sửa”, “thầy ơi nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 là thế nào”, “thầy ơi mất giấy tờ thì sao”… hàng trăm câu hỏi, hàng trăm điệp khúc “thầy ơi” dường như đối với những chuyên gia như thầy Nghĩa là rất cũ, thậm chí nhàm chán, nhưng vẫn được thầy đón đọc niềm nở, trả lời tỉ mẩn, hướng dẫn cặn kẽ từng chi tiết.
Bởi theo thầy, đối với những chuyên gia tư vấn tuyển sinh những câu hỏi như thế dường như thuộc lòng, nhưng với những thí sinh thi lần đầu, nếu những bỡ ngỡ này không được giải đáp thì tâm lý sẽ đè nặng các em. Vả lại, đây là thời gian quan trọng để các em lựa chọn ngành nghề cho tương lai chứ không cần quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt như thế… nên phải giải đáp ngay cho các em nắm rõ.
- Học gì để quản lý… nguồn vốn ODA?!
Đậu ĐH luôn là mong mỏi của nhiều TS và gia đình, nên một số câu hỏi của các em xoay xung quanh chuyện làm sao để đậu ĐH mình yêu thích, nếu học lực chỉ ở mức trung bình khá.
Hơn cả sự mong đợi thành công của “đầu vào”, nhiều HS băn khoăn “đầu ra”. Em Trần Hoài Vọng và Huỳnh Mai, hỏi: “Trong các ngành kinh tế, ngành nào có khả năng dễ xin việc nhất?”. NGƯT-PGS Trần Hoàng Ngân, giải đáp: Xu hướng nghề nghiệp sau 4 năm tới sẽ có những thay đổi lớn. Khi kinh tế phục hồi và phát triển thì chuyên ngành kinh tế nào cũng có nhu cầu tuyển dụng cao. Trong ngành kinh tế, Tài chính ngân hàng – Kế toán kiểm toán – Quản trị kinh doanh… vẫn là những ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn. Nhưng nếu em học giỏi thì em không cần “xin” mà doanh nghiệp sẽ xin em về làm.
Không chỉ mong mỏi giải đáp thông tin cơ bản, nhiều TS có những thắc mắc chuyên sâu, chứng tỏ các em đã chủ động tìm hiểu thông tin ngành nghề.
| |
Thắc mắc của em Bùi Thanh Tĩnh, THPT An Lạc: “Hiện nước ta đang gia nhập sâu vào WTO nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước muốn đẩy mạnh hợp tác và họ đang cần tư vấn luật. Cho em hỏi em muốn học luật kinh tế và đặc thù ngành này ra sao?” NGƯT-PGS Trần Hoàng Ngân “gỡ rối”: Hiện nay Trường ĐH Kinh tế có đào tạo chuyên ngành luật kinh doanh, đào tạo ra những cử nhân luật có kiến thức cơ bản về kinh tế, luật học và có kỹ năng chuyên sâu về pháp luật kinh doanh… Kinh tế thị trường và hội nhập rất cần những cử nhân luật, nhất là luật kinh doanh, do vậy nhu cầu tuyển dụng ngành này rất cao.
Với thắc mắc “Học ngành nào của Trường ĐH Kinh tế ra có thể làm quản lý nguồn vốn ODA” của TS Trần Thế Tài, quận 10, đã được thầy Trần Hoàng Ngân đánh giá “đây là câu hỏi khó nhất từ sáng tới giờ”. Thầy trả lời tạm: “Em nên học ngành kế hoạch và đầu tư và đăng ký thêm một số môn học về quản lý tài chính, đạo đức kinh doanh, quản lý chất lượng”.
Bạn Nguyễn Trần Nam Khánh thắc mắc: Tại sao Trường ĐH Kinh tế chỉ lấy chung một điểm chuẩn cho tất cả các ngành. Điều này có thuận tiện gì cho trường? Liệu nó có công bằng với thí sinh không? Thầy Ngân cho rằng đây là câu hỏi hay, trước mắt trong năm nay trường vẫn lấy chung một điểm chuẩn cho tất cả các ngành, sau khi học chung 3 học kỳ sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về các chuyên ngành, rồi mới đăng ký xét chọn chuyên ngành mình học. Sinh viên muốn học những chuyên ngành mình yêu thích phải tập trung học tốt hơn để có điểm bình quân cao trong 3 học kỳ đầu và đó cũng là công bằng.
- Thích thiên nhiên nhưng… ngại lên rừng xuống biển
Một bạn trẻ với “nick” Namdolly_love10@ đã hỏi, nếu em học ngành liên quan đến nông lâm – ngư nghiệp có phải sau này ra trường sẽ cực khổ “lên rừng xuống biển”? Em thích thiên nhiên nhưng đang băn khoăn vì bạn bè chê cười em không theo ngành thời thượng.
Những tưởng hào quang của các ngành thời thượng như công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng… hút hết thí sinh, nhưng cuộc giao lưu đã làm các chuyên gia ngỡ ngàng khi các em liên tiếp gửi những câu hỏi đào sâu về các ngành thuộc khối nông lâm.
“Cho em hỏi chương trình tiên tiến ngành công nghệ thực phẩm của ĐH Nông Lâm TPHCM có nội dung khác như thế nào so với chương trình bình thường? Cơ hội nghề nghiệp có “tiên tiến” hơn chương trình bình thường – câu hỏi của bạn Hồng Hạnh được thầy Hùng giải đáp thỏa đáng: chương trình tiên tiến ngành Công nghệ thực phẩm của trường có khác với chương trình bình thường. Chương trình này liên kết với ĐH UC Davis (Hoa Kỳ), nội dung chương trình và các môn chuyên ngành do các giáo sư UC Davis dạy. Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, vì vậy sinh viên học chương trình này phải có trình độ tiếng Anh (TOEFL: 450, IELTS: 5 hoặc trình độ tương đương), SV có cơ hội thực tập ngắn hạn tại Hoa Kỳ, hoặc sau khi tốt nghiệp có thể học cao hơn thạc sĩ, tiến sĩ tại Hoa Kỳ… Tốt nghiệp ngành này sinh viên có cơ hội việc làm tại các công ty sản xuất thực phẩm trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty nước ngoài, do có trình độ ngoại ngữ.
Phần trả lời xác đáng của thầy Hùng như chất xúc tác khiến thí sinh càng có nhiều câu hỏi tiếp về các ngành như thú y, bác sĩ cho đến các ngành giúp phát triển nâng cao thương hiệu nông sản của Việt Nam như cơ khí chế biến nông sản, bảo quản nông sản cho đến những ngành quản lý đất đai, tài nguyên rừng…
Ý kiến ()