Tư vấn học đường cần đổi mới bài bản để đáp ứng nhu cầu của học sinh sinh viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành trên một số trường THCS,THPT, đại học ở Hà Nội, Hải Dương. Kết quả khảo sát được đưa ra tại “Hội thảo về công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và công tác tư vấn tâm lý trong trường học” sáng 20-1 tại Hà Nội.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 93,57% số học sinh, sinh viên (HSSV) được hỏi gặp phải những khó khăn vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày (trong đó khối phổ thông là 95,33%, đại học là 85,92%). Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%. Phần lớn (82,31% học sinh được hỏi) đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân.
Cũng theo kết quả khảo sát này, đa phần HSSV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống. Bởi vì khi chia sẻ với cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, HSSV đỡ e ngại hơn so với thầy cô chủ nhiệm, quản lý sinh viên hay các giáo viên kiêm nhiệm.
Công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường hiện được triển khai rộng rãi tại nhiều đơn vị. Thống kê năm học 2013 – 2014 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 98 phòng tư vấn tâm lý trong các nhà trường, 117 cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách, 866 cán bộ tư vấn tâm lý kiêm nhiệm, đã có 67.781 lượt học sinh được tư vấn tâm lý.
Theo Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tư vấn tâm lý cho HSSV đã được các cơ sở giáo dục và đào tạo, trường đại học, cao đẳng triển khai dưới nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp, tư vấn thông qua gia đình, giáo viên, qua điện thoại, email hoặc qua các diễn đàn, mạng xã hội, tư vấn thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề…Một số trường tổ chức tư vấn tâm lý cho HSSV qua các hoạt động như các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác, hoạt động giao lưu, tình nguyện hay tư vấn trực tuyến.
Ở rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đã có bộ phận tư vấn hướng nghiệp, việc làm cho HSSV. Một số trường đã có phòng tư vấn hỗ trợ HSSV trực thuộc trường dưới các tên gọi khác nhau, như: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Dịch vụ tư vấn và hỗ trợ sinh viên,…
Nội dung tư vấn đa dạng như: Học tập và định hướng nghề nghiệp; Tư vấn tình cảm; Tư vấn sức khỏe sinh sản; Tư vấn về các hoạt động thể thao, giải trí; Tư vấn các hoạt động tình nguyện và hỗ trợ cộng đồng,…
Công tác tư vấn tâm lý học đường trong thời gian qua được đánh giá đã có những chuyển biến bước đầu và đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng được một phần nhu cầu của HSSV, chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống, hỗ trợ các em vượt qua những khó khăn đồng thời góp phần định hướng phát triển nhân cách lành mạnh cho các em.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo, giảng viên, nhà quản lý giáo dục, trong bối cảnh mới, để hoạt động tư vấn tâm lý trong nhà trường phát huy được tính nhân văn sâu sắc, góp phần tích cực vào việc giáo dục hành vi cho HSSV, nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành văn hóa học đường, thì hoạt động này cần có những cải tiến thích hợp về mục tiêu, nội dung và cách thức triển khai.
Ý kiến ()