Tư vấn chọn nghề để đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực
Giờ thực hành điện tử tại Trường Trung cấp nghề Việt Đức |
Thống kê trong 3 năm qua cho thấy, số học sinh Lạng Sơn thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ mỗi năm một tăng, nếu năm 2011 là 4.024 em, năm 2012 là 4.571 em, thì năm 2013 đã là 4.865 em, đạt tỷ lệ 58,1% so với số ĐKDT. Đặc biệt, một số trường THPT có tỷ lệ đỗ ĐH-CĐ cao như trường THPT Chu Văn An 89,53% (đỗ ĐH 84,85%), trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh 80,7%, THPT Chi Lăng 68,5%… Điều đó chứng tỏ rằng chất lượng học sinh cấp THPT ở Lạng Sơn tăng và đã “tiệm cận” với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, trong khi làm hồ sơ ĐKDT, học sinh Lạng Sơn ít có cơ hội lựa chọn và thường rất lúng túng trong chọn ngành chọn nghề vừa phù hợp với nguyện vọng, vừa có nhiều cơ hội có việc làm khi ra trường.
Em Trần Thúy Lan ở phường Chi Lăng tâm sự với chúng tôi: Học ở trường THPT Việt Bắc, cháu thuộc diện học khá, nguyện vọng sau này sẽ trở thành bác sĩ, song khi nhìn thấy điểm chuẩn vào các trường ĐH Y, nhất là ĐH Y Hà Nội cháu thấy “hoảng” vì quá cao. Bố cháu nói với chúng tôi: “Cháu còn dại dột lắm, chưa va chạm bao giờ, gia đình cũng ngại cho cháu đi học xa, thôi đành hướng cho cháu vào trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn. Tuy vậy, lại rất lo “đầu ra” khi nhìn nhiều trường hợp tốt nghiệp sư phạm lại về giúp bố mẹ bán hàng”.
Sự lúng túng của học sinh và gia đình các em xuất phát từ việc thiếu thông tin về nhu cầu và cơ cấu nguồn nhân lực trong cả nước và địa phương. Trong cơ chế thị trường, sự thiếu thông tin về cơ cấu nhân lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn ngành, nghề của các em. Về mặt xã hội, sự mâu thuẫn giữa yêu cầu về chất lượng và khả năng đáp ứng lao động cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối về nhân lực giữa các ngành, nghề. Nhân lực cho ngành y tế là một ví dụ điển hình.
Trong khi y tế Lạng Sơn đang “khát” đội ngũ bác sĩ, dược sĩ có trình độ cao, thì “đầu vào” của ngành này rất hẹp do điểm chuẩn rất cao (thấp thì 26 điểm, cao thì tới 28,5 điểm) khối A và B; tuy năm 2013 có tới 1.447 hồ sơ ĐKDT vào các trường y, dược, chiếm tỷ lệ 11,86% tổng số hồ sơ ĐKDT, song số trúng tuyển chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều trường hợp lại dùng điểm sàn để quay về dự xét tuyển vào CĐ Y tế Lạng Sơn. Thống kê cho biết, trường THPT Chu Văn An chỉ có 1 học sinh có tổng điểm thi tuyển là 28 điểm, 1 em đạt 27 điểm và 4 em đạt 26 đến 26,5 điểm.
Trong khi đó, ngành sư phạm đang trong tình trạng thừa giáo viên, thì có đến 1.926 hồ sơ ĐKDT, chiếm tỷ lệ 15,8% hồ sơ ĐKDT, số trúng tuyển cũng rất cao, khiến tình trạng dư thừa nhân lực ngành sư phạm càng tăng. Thí sinh ĐKDT vào các nhóm ngành được coi là “tấm gương” phản chiếu về nhu cầu nhân lực cũng như sự hấp dẫn của ngành đó. Nếu như những năm trước, người lao động trong nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng luôn có thu nhập cao với “lương khủng, thưởng hấp dẫn” đã thực sự thu hút sự quan tâm của thanh niên, thì vài năm nay với những vụ bê bối trong nhiều ngân hàng và nhiều nhân viên ngân hàng tìm việc làm thêm để có thu nhập, thì số lượt thí sinh ĐKDT vào nhóm ngành này giảm đáng kể.
Khao khát được vào học trong các trường ĐH-CĐ và có việc làm là nhu cầu chính đáng của thanh niên. Thiếu thời gian suy nghĩ, lựa chọn, thiếu thông tin, không được tư vấn kỹ, nhiều em đã đăng ký vào những ngành, nghề không phù hợp với năng lực, sở thích, khó tìm được việc làm sau khi ra trường, gây tốn kém cho gia đình và lãng phí nguồn nhân lực. Thực trạng đó cần phải được cải thiện bằng sự tham gia của toàn xã hội, trước hết là ngành GD&ĐT phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tổ chức tư vấn tuyển sinh với quy mô địa phương để huy động các cơ quan, đoàn thể, các ngành, nghề vào cuộc. Đặc biệt, vai trò của Sở Nội vụ, Sở Lao động- TBXH rất quan trọng vì đây là những cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, gắn với công tác đào tạo và sử dụng lao động. Sự minh bạch, công khai trong tuyển dụng, sử dụng lao động, nhu cầu ngành, nghề sẽ là một kênh rất bổ ích giúp các em có sự lựa chọn phù hợp.
Đối với các nhà trường, người phụ trách công tác tuyển sinh không chỉ cần có kỹ năng tư vấn, mà còn nhanh nhạy, nắm bắt, cập nhật thông tin về ngành nghề, nhu cầu lao động của địa phương không chỉ trong 1 năm, mà trong cả giai đoạn 5-10 năm tới. Đặc biệt, đối với 2 huyện được hưởng chế độ ưu tiên theo Nghị quyết 30a của Chính phủ như Bình Gia và Đình Lập, cán bộ tư vấn tuyển sinh cần cập nhật kịp thời các chế độ ưu tiên tuyển sinh để thông báo cho học sinh. Có như vậy, tư vấn mới “sát”, học sinh mới được định hướng phù hợp với sở thích, năng lực, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Ý kiến ()