Từ “ưu tiên” đến “tự hào” dùng hàng Việt
– Năm 2009, Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại Lạng Sơn, CVĐ đã được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả, hàng Việt đã được phân phối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn; thái độ, sự quan tâm của người tiêu dùng Lạng Sơn đối với các sản phẩm nội địa được nâng cao.
Khách hàng lựa chọn hàng Việt tại siêu thị Winmart, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
Để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào đời sống xã hội, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 03 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, mà cốt lõi là chuyển trạng thái từ “ưu tiên” sang “tự hào” dùng hàng Việt. Theo đó, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 166, ngày 28/3/2022 về triển khai thực hiện CVĐ theo đúng tinh thần của Chỉ thị 03.
Tuyên truyền sâu rộng
Thực hiện Kế hoạch 166, trong quý II/2022, ban chỉ đạo CVĐ 11/11 huyện, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chỉ thị 03; đồng thời phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong quá trình triển khai thực hiện CVĐ ở địa phương, đơn vị; hướng dẫn MTTQ các xã, phường, thị trấn phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia hưởng ứng CVĐ.
Theo đó, từ tháng 3/2022 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền được 986 cuộc cho hơn 78.780 lượt người; phối hợp tổ chức 4 hội nghị tập huấn tuyên truyền CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở cho hơn 360 lượt cán bộ mặt trận, trưởng ban công tác mặt trận và người uy tín ở khu dân cư gắn với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện CVĐ gắn với công tác kiểm tra chuyên đề, kiểm tra cuối năm đối với MTTQ các huyện, thành phố và cơ sở.
Ông Hoàng Xuân Đình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Gia, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ huyện Bình Gia cho biết: Nhằm thực hiện có hiệu quả CVĐ, thời gian qua, MTTQ huyện đã chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của CVĐ đến người dân; xây dựng kế hoạch, đưa nội dung CVĐ thành chuyên đề phục vụ sinh hoạt chi bộ, các cuộc hội thảo…; phối hợp tuyên truyền sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)…
Cùng với việc thực hiện công tác tuyên truyền, các sở, ngành (thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ cấp tỉnh) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách bảo vệ người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết đầu tư; triển khai thực hiện Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam 2022”, tuyên truyền nhằm kích cầu người tiêu dùng trong nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng.
Đơn cử, từ năm 2022 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức 8 hội chợ triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.
Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: Bên cạnh tổ chức các hội chợ thương mại, trung tâm tham mưu sở phối hợp tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia nhằm kích cầu thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường nông thôn. Đồng thời, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các mặt hàng Việt phong phú về chủng loại, có chất lượng, giá cả hợp lý.
Từ sự vào cuộc của các cấp, ngành và các tổ chức chính trị – xã hội, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CVĐ cấp tỉnh, CVĐ đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm ưu tiên mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác là hàng Việt Nam; ý thức của người dân về sử dụng hàng Việt cũng đã được nâng cao, đại đa số người dân đã ưu tiên và tự hào tiêu dùng hàng Việt.
Hàng Việt trong lòng người Việt
Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, hàng Việt đã chiếm lĩnh trên thị trường của tỉnh. Theo khảo sát của ngành công thương, tại thành phố Lạng Sơn, trên kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hàng sản xuất trong nước chiếm trên 80%.
Ông Nông Hồng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Siêu thị Đồng Tiến cho biết: Qua theo dõi và đánh giá tâm lý tiêu dùng của khách hàng, chúng tôi nhận thấy trong những năm gần đây, đại đa số người tiêu dùng khi mua sắm tại siêu thị đều đã lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước, từ hàng tiêu dùng thiết yếu đến các đồ gia dụng. Đơn cử, doanh số bán hàng của siêu thị bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/tháng, trong đó có đến hơn 80% doanh số đến từ việc tiêu thụ hàng sản xuất trong nước. Chính vì vậy để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu khách hàng, chúng tôi chú trọng nhập và phân phối các mặt hàng thương hiệu Việt, trong đó ưu tiên các mặt hàng được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao.
Không chỉ tại thành phố, giờ đây tâm lý tiêu dùng của người tiêu dùng ở nông thôn cũng đã có sự thay đổi, từ ưu tiên sang ưa chuộng và tự hào khi dùng hàng Việt, điều này được nhận thấy qua sự đánh giá của các đơn vị thường xuyên phân phối hàng hóa về các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thiên Phú (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Công ty có mạng lưới đại lý đến tất cả 11 huyện, thành phố, đồng thời, chúng tôi còn tổ chức các chuyến xe lưu động đưa hàng hóa đến tất cả các xã vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, do nhận thấy tâm lý ưa chuộng hàng Việt của người tiêu dùng nông thôn, công ty chỉ nhập và phân phối các mặt hàng sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp với mức sống của người dân từng vùng. Bình quân mỗi tháng, công ty phân phối hàng hóa trị giá khoảng 8 tỷ đồng về các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá hiệu quả kinh doanh, nhất là qua các chuyến xe phân phối hàng hóa “lưu động” đến vùng sâu, vùng xa, chúng tôi nhận thấy 90% khách hàng của công ty tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tin dùng hàng Việt.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân, thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, tôi cũng như các thành viên trong gia đình luôn tin dùng các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt. Hiện nay, tại các cửa hàng tạp hóa, phiên chợ quê đã bày bán rất nhiều hàng Việt với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Việc hàng Việt được đưa về tận các thôn, xã đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân tại khu vực nông thôn như chúng tôi.
Qua theo dõi, khảo sát và đánh giá của ngành công thương, hiện nay, trên 80% người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đều có tâm lý lựa chọn hàng thương hiệu Việt khi mua sắm. Còn lại một bộ phận có mức sống và thu nhập cao thì thường có thói quen tiêu dùng hàng thương hiệu “ngoại”, tuy nhiên, hiện phần lớn các mặt hàng này giờ đều có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam nên cũng nằm trong nhóm hàng sản xuất trong nước.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thành công của CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam” không chỉ làm thay đổi tâm lý tiêu dùng hàng Việt của người dân mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức đầy đủ và luôn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm; tích cực tham gia các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn để quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Có thể thấy, hiệu ứng tích cực từ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần nâng cao nhận thức trong tiêu dùng của người dân, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước, tạo điều kiện để sản phẩm mang thương hiệu Việt phát triển và vươn ra thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ cấp tỉnh yêu cầu các đơn vị thành viên, Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị số 03 –CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới gắn với triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo; chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thành viên liên quan phối hợp tổ chức các hội chợ quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ chương trình “nhận diện hàng Việt Nam” và xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại một số huyện, thành phố; vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất tập trung đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua đó khẳng định mục tiêu chuyển trạng thái từ “ưu tiên” sang “tự hào” tiêu dùng hàng Việt của người dân trên địa bàn tỉnh”. Ông Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động |
Ý kiến ()