Tư tưởng Hồ Chủ tịch về tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước
LSO- Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trước yêu cầu mới của tình hình, tháng 1 năm 1941, Người vượt biên giới Việt –Trung về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5 năm 1941, Người chủ trì hội nghị Trung ương lần thứ tám lịch sử. Hội nghị đánh giá những chuyển biến mới của tình hình và đưa ra nhận định hết sức quan trọng và đứng đắn về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”*. Hội nghị đã khẳng định sự chuyển biến chiến lược: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách mạng điền địa lại. Từ đó, hội nghị đề ra chủ trương thành lập mặt trận thống nhất rộng rãi, lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh”, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, nhằm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước, chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo… để chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Người và Thường vụ Trung ương Đảng, công tác tuyên truyền vận động cách mạng, tổ chức xây dựng lực lượng, cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng…được đẩy mạnh. Người cùng với Trung ương Đảng đã nhạy bén, sáng suốt phân tích tình hình thế giới, trong nước, nắm bắt và tận dụng thời cơ, đã kịp thời phát động Tổng khởi nghĩa, một cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân chưa từng có trong lịch sử, đưa đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người và Mặt trận Việt Minh, nhân dân cả nước vùng dậy cướp chính quyền, làm Cách mạng Tháng Tám thành công. (Ảnh Tư Liệu)
Trong giờ phút thiêng liêng của ngày Quốc khánh 2-9-1945, khi thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Nhân dân ta đã từng đổ biết bao xương máu để giành lại quyền độc lập, tự do và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”*. Ý nghĩa và giá trị của quyền độc lập dân tộc phải được thể hiện bằng quyền tự do và hạnh phúc mà nhân dân được hưởng. Đó chính là hoài bão, là lý tưởng của Hồ Chí Minh kể từ khi Người bước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tôc. Chống chủ nghĩa thực dân, giành lại quyền độc lập gắn liền với đấu tranh giành quyền tự do, hạnh phúc cho nhân dân; giải phóng dân tộc kết hợp chặt chẽ với giải phóng đồng bào là định hướng, là nền tảng của đường lối, chủ trương do Người xác lập. Điều đó được tỏa sáng, được cụ thể hóa bằng hành động, bằng lời nói của Người, được khái quát thành những chân lý sâu sắc: “Nếu nước độc lập mà dân không không hưởng hạnh phúc, thì tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”*.
Một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về con người là phải chăm lo bồi dưỡng, sử dụng, phát động sức mạnh của con người, của nhân dân. Người nhận thức rõ vai trò quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng, công nông là gốc của cách mạng: “Người là gốc của làng nước”, Người quan tâm đến việc giáo dục, giác ngộ quần chúng, tổ chức quần chúng, đem sức mạnh của quần chúng mà chiến thắng sức mạnh vật chất của giai cấp thống trị, của kẻ thù. Chính vì vậy, với 5.000 đảng viên, dựa vào lực lượng đông đảo quần chúng được tổ chức, giác ngộ và nắm vững thời cơ, Đảng ta đã lãnh dạo cuộc Cách mạng thang Tám thành công.
Dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng về thời đại nó riêng, nhân dân ta đã giành được những thành tích to lớn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, bước sang thế kỷ XXI, sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở sẽ ta nhất định sẽ thành công với nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta cùng nhân dân thế giới xây dựng tình hữu nghị, đấu tranh vì hòa bình và phát triển, vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở khu vực và trên toàn thế giới.
* Trích: Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 1990.
Ý kiến ()