Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam
– Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhân dân ta lựa chọn và khẳng định trong văn kiện của Đảng từ mùa Xuân năm 1930, được bổ sung và phát triển qua các kỳ đại hội; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, nhất quán trong hành trình đi tới mục tiêu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Khi đã tìm thấy con đường cách mạng và nhận thức được chân lý của thời đại nhờ giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, với sự thức tỉnh và cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã dồn tất cả nỗ lực và tinh lực của đời mình để thực hiện đến cùng lý tưởng và mục tiêu cách mạng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó chính là tư tưởng chủ đạo, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn tìm hiểu các tài liệu, hiện vật trong gian trưng bày “Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn” tại Bảo tàng tỉnh (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: TUYẾT MAI
Trong quá trình nghiên cứu lý luận và trực tiếp lăn lộn, trải nghiệm trong mấy thập kỷ, bằng con đường lao động, vô sản hóa, Người đã có điều kiện quan sát tình cảnh sống của những người lao động dưới ách bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa tư bản ở chính quốc đối với các nước thuộc địa và phụ thuộc. Mối quan tâm đặc biệt của Người là Đông Dương, nhất là Việt Nam khi đã mất độc lập chủ quyền và đang bị chủ nghĩa thực dân đè nén, thống trị. Người giác ngộ Chủ nghĩa Mác – Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản. Từ một người yêu nước, tiến bộ, Người đã đến với chủ nghĩa Mác –Lênin. Chính lịch sử cách mạng là sự thẩm định khách quan, công tâm nhất, cho đến khi Người về nước (năm 1941) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì tư tưởng, phương pháp cách mạng đầy sáng tạo mới được khẳng định đầy đủ. Và tư tưởng đó đã nhanh chóng đi vào thực tiễn, đem lại lời giải đúng đắn nhất về mặt lý luận. Đó là chân lý giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Người vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, thực dân và nêu lên tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa là phải phối hợp chặt chẽ với cách mạng vô sản ở chính quốc. Người phân tích: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa, có một vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các nước thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai cái vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”*. Người nhận rõ: “Đối với những người lao động và vô sản ở khắp mọi nơi, dù màu da có khác nhau nhưng họ đều có chung một kẻ thù và cũng có chung một mục tiêu tranh đấu. Đế quốc thực dân ở đâu cũng là ác quỷ, phải đánh đổ nó đi. Còn anh em vô sản ở đâu cũng là anh em, bạn bè, đồng chí của nhau. Trên đời này, suy đến cùng chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi, tình hữu ái vô sản”*. Người sớm đi đến kết luận quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc phải đồng thời gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng xã hội. Cả hai cuộc giải phóng đó đều là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, là sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Giải phóng dân tộc trên lập trường của giai cấp công nhân, trên nền tảng của ý thức hệ của giai cấp công nhân nên cách mạng giải phóng dân tộc với mục tiêu giành độc lập dân tộc phải do giai cấp công nhân và đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện của một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đưa ra điều kiện mới: Cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc mà “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu về các hình ảnh, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trên địa bàn (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: TUYẾT MAI
Con đường tiến lên của dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường xã hội chủ nghĩa gắn liền với độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Một vấn đề của nhận thức khoa học, được Hồ Chí Minh mở rộng sang bình diện đạo đức: Cái gì tốt cho dân, có lợi cho dân, có lợi cho chân lý; phục vụ Nhân dân, làm công bộc trung thành và tận tụy của dân là phục tùng chân lý cao nhất, là lựa chọn một lẽ sống cao thượng nhất. Người chỉ rõ bản chất sâu xa và tính ưu việt nổi bật của chủ nghĩa xã hội là thực hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Người khẳng định: Không gì quý bằng dân, không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của Nhân dân, và dân chủ là quý báu nhất trên đời. Là chủ thể gốc của mọi quyền lực, Nhân dân là chủ sở hữu của đích thực của dân chủ, phải là chủ xã hội, là chủ Nhà nước, kiểm soát được Nhà nước của mình và xã hội, phải là một xã hội dân chủ. Người còn nhấn mạnh: Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Vậy là Người đã thấy rõ động lực của dân chủ đối với tiến bộ và phát triển đối với chủ nghĩa xã hội. Trong những tư tưởng hàm xúc đó đã toát lên đầy đủ những vấn đề cốt yếu của về mục tiêu, bản chất, động lực, cách làm và bước đi của chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa xã hội Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là một trong những cống hiến sáng tạo nổi bật của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là thước đo dân chủ và tự do và phát triển xã hội. Một xã hội văn minh, hiện đại mà lịch sử tìm thấy sự biểu hiện tốt nhất của chủ nghĩa xã hội. Đó chính là hàm ý sâu xa mà Hồ Chí Minh đã nêu ra “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Giá trị ấy cũng chính là chủ nghĩa xã hội, một xã hội phát triển thông qua đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa.
Thực hiện những điều về xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc, Đảng ta đã và đang tập trung các biện pháp về xây dựng Đảng, củng cố, kiện toàn và làm trong sạch bộ máy Nhà nước. Đẩy mạnh phê bình và tự phê bình trong toàn Đảng nhằm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, khắc phục những yếu kém trong bộ máy các tổ chức Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là Đảng hết sức chú trọng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta xác định là “nội xâm”. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Cuộc đấu tranh này không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng nghỉ”. Trải qua 10 kỳ Đại hội (từ Đại hội IV đến Đại hội XIII), Đảng ta ngày càng xác định rõ hơn những quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt là con đường đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo tiến hành.
Kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thi đua đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống và tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta tự hào độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta tiến lên, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minhn
* “Hồ Chí Minh” Tuyển tập, NXB QG, Hà Nội năm 1989
MAI TÙNG
Ý kiến ()