Chủ nhật, 24/11/2024 21:02 [(GMT +7)]
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền tài chính
Thứ 2, 23/08/2010 | 08:39:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng nền tài chính “vững vàng và thịnh vượng”, tài chính phải lấy tăng gia sản xuất làm gốc, bởi tăng gia sản xuất tạo cơ sở vững chắc cho nền tài chính quốc gia. Tăng gia sản xuất phát triển, có tích lũy thì tài chính Nhà nước mới có nguồn thu và tài chính trong nhân dân mới có điều kiện phát triển, có tiềm lực mạnh.
Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngành Tài chính Ảnh: Hoàng Đình (Sở Tài chính) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, phát triển kinh tế, xây dựng tài chính phải có vốn và Người đã chỉ ra rằng: “Muốn có vốn thì các nước tư bản dùng 3 cách: vay mượn nước ngoài; ăn cướp của các thuộc địa; bóc lột nông dân, công nhân. Những cách đó chúng ta đều không thể làm được. Chúng ta chỉ có một cách là một mặt tăng gia sản xuất, một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn”. Do vậy, để phát triển kinh tế, xây dựng tài chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Phải ra sức sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta, suốt 24 năm là Chủ tịch nước, tư tưởng nhất quán của Người là xây dựng một nền tài chính quốc gia thống nhất, bảo đảm quản lý thống nhất và dân chủ; xử lý đúng đắn, kịp thời các mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương, giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển sản xuất. Trong xây dựng nền tài chính quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác quản lý tài chính. Để xây dựng nền tài chính quốc gia, phải có chính sách kinh tế tài chính đúng đắn, phù hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước ta là “tăng thu giảm chi”, là “làm ra nhiều chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng” và Người nhấn mạnh “Đó là tất cả chính sách kinh tế tài chính của ta”. Xuất phát từ lợi ích của nhân dân, với mục đích cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu công tác tài chính phải chủ động phân phối nguồn lực tài chính, các khoản thu ngân sách Nhà nước cho phát triển, tiêu dùng, phải nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn yêu cầu “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân, làm cho dân”, bởi theo Người “dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta hay mấy cũng không thực hiện được”. Chỉ rõ yêu cầu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chính sách tài chính phải làm cho nhân dân no ấm, nhân dân no ấm thì “mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giầu”.
Xây dựng, phát triển nền tài chính quốc gia theo tư tưởng Hồ Chí Minh, sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, nền tài chính nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng từng bước trưởng thành, góp phần đắc lực cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển nền tài chính quốc gia, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta chủ trương “Tiếp tục đổi mới chính sách tài chính và tiền tệ, bảo đảm tính ổn định và sự phát triển bền vững của nền tài chính quốc gia… Phát triển vững chắc thị trường tài chính bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ theo hướng đồng bộ, có cơ cấu hoàn chỉnh… Huy động mọi nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển. Hiện đại hóa và đa dạng hóa các hoạt động của thị trường tiền tệ” (Đảng cộng xản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 79, 80).
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()