Thứ 7, 23/11/2024 08:53 [(GMT +7)]
Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam
Thứ 3, 29/01/2013 | 09:21:00 [(GMT +7)] A A
(Có nghiên cứu tài liệu viết về Đảng cộng sản Việt Nam)
LSO-Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt Nam được bắt nguồn từ học thuyết Mác – Lênin về Đảng cộng sản nói chung và học thuyết xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân được Lê – nin đưa ra từ những năm đầu thế kỷ XX. Người nhận thấy được đặc điểm kinh tế – xã hội nước Việt Nam cũng như một số nước khác ở Châu Á khác với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở các nước Tây Âu thế kỷ thứ XIX.
Thành phố Lạng Sơn tuyên truyền mừng Đảng,
mừng xuân, mừng đất nước đổi mới – Ảnh: Thế Bảo
Sau một số năm khảo sát trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã vận dụng sáng tạo học thuyết của Mác – Lênin vào đặc điểm tình hình của các nước thuộc địa và phụ thuộc, giai cấp công nhân còn rất nhỏ bé, tàn tích phong kiến để lại còn nặng nề – nơi mà Mác – Lênin đương thời chưa có điều kiện nghiên cứu. Bác Hồ thấu hiểu đất nước Việt Nam của Người nằm trong nhóm nhiều nước thuộc địa, lạc hậu. Nên việc thành lập Đảng cộng sản cần được nghiên cứu chu đáo để chọn cách đi thích hợp. Giữa lúc Người đang công tác ở nước Pháp, Ngày 17/7/1920 Hồ Chí Minh được đọc nghiên cứu tác phẩm của V.I Lênin soạn thảo lần thứ nhất “Những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L’Hamanite’ số ra ngày 16 và 17/7/1920. Tại tác phẩm này, Lê-nin đã nêu ra những luận điểm có tính định hướng cho việc tiến hành cách mạng ở những nước lạc hậu và khả năng những nước này có thể đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa (ta thường gọi là bỏ qua chế độ TBCN). Luận điểm của Lênin đã giải đáp cho Người về con đường giành độc lập tự do cho đồng bào mình. Đồng thời, cũng giúp các nước thuộc địa, phụ thuộc, nghèo nàn, lạc hậu trên thế giới cần xây dựng Đảng cộng sản như thế nào cho nước mình. Người chỉ rõ, nhiệm vụ của Đảng cộng sản Việt Nam phải lãnh đạo nhân dân hoàn thành Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong cuộc cách mạng đó bao gồm hai cuộc cách mạng: Cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng dân chủ đem lại ruộng đất cho dân cày và dân chủ cho mọi công dân. Trước tiên làm cuộc cách mạng giải phóng cho dân tộc, trong đó có giai cấp vô sản – sau đó tiến lên giải phóng cho con người. Ở đây, quyền lợi giai cấp gắn liền với quyền lợi dân tộc. Muốn tiến hành cách mạng XHCN, trước hết phải tiến hành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đập tan bọn đế quốc xâm lược và tầng lớp phong kiến, tư sản mại bản trong nước làm tay sai cho chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định sự nghiệp cứu nước là của nhân dân, của cả dân tộc – dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, người tiếp tục tìm hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin nói về Đảng cộng sản, tích cực tham gia một số tổ chức quốc tế ở nước ngoài, liên kết, tập hợp người Việt Nam yêu nước ở Pháp. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tua và ra nhập Đảng này – là Đảng chính trị duy nhất ở Pháp, cũng là lúc là người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đánh dấu bước chuyển biến của Người từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc quyết định chuyển sang thời kỳ chuẩn bị tích cực cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
Mặc dù những năm 20 (TK XX) đã có hàng loạt Đảng cộng sản được thành lập ở Châu Á và khu vực Đông Nam Á như: Đảng cộng sản Ma-Lai-Xi-a (1920); Đảng cộng sản Trung Quốc (1921); Đảng cộng sản Triều Tiên, Đảng cộng sản Ấn Độ (1925); Đảng cộng sản Thái Lan (1928)… Nhưng Người tiếp tục nghiên cứu và đặt quan hệ với những chiến sỹ cộng sản ở các nước này để chuẩn bị chu đáo cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam sao cho đảm bảo kết hợp chặt chẽ các yếu tố chính trị gồm: Vấn đề dân tộc và giai cấp; quốc gia và quốc tế; chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Lúc này Người còn thấy rõ đường lối cách mạng Việt Nam, đã đến lúc chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối mà các nhà yêu nước đi trước như Phan Bội Châu, Phan Chu Chinh, Lương Văn Can theo con đường dân chủ tư sản đã không giải quyết được.
Để làm tốt việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm chuẩn bị xây dựng cả về ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Người đã thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội – là tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam; mở lớp đào tạo cán bộ đầu tiên theo đường lối cách mạng mới phù hợp với cách mạng Việt Nam (tại Quảng Châu, Trung Quốc) từ năm 1925 – 1927. Người đã chọn cán bộ sang học trường Đại học Phương Đông do Quốc tế Cộng sản tổ chức tại Mát – Xcơ – va; sau sẽ trở về hoạt động để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam từ tự phát sang tự giác. Người nhận định; “Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng mà thôi”. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã gieo hạt giống của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa xã hội lên mảnh đất cách mạng Việt Nam.
Ngày 23/12/1929, lúc ấy Bác Hồ mới 39 – 40 tuổi từ Thái Lan trở về Trung Quốc chuẩn bị hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng cộng sản. Ngày 3/2/1930, Hội nghị hợp nhất được tổ chức tại Cửu Long (cạnh Hương Cảng) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. (Có 2 đại biểu của Đông Dương Cộng Sản Đảng; 2 đại biểu của An Nam Cộng Sản Đảng tham dự; Đông dương cộng sản liên đoàn không kịp cử đại biểu). Lúc này tổng số đảng viên của ba Đảng đã có 565 đồng chí. Sau 5 ngày làm việc (từ 3-7/2/1930), hội nghị đã nhất trí các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam mang tên là ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM; thông qua chính cương, sách lược, điều lệ tóm tắt của Đảng và điều lệ tóm tắt của các đoàn thể quần chúng. Tại hội nghị lần thứ nhất, (10/1930), đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng bí thư. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam được mở ra từ đây.
(Có nghiên cứu tài liệu viết về Đảng cộng sản Việt Nam)
Đinh Ích Toàn
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()