Thứ 7, 23/11/2024 05:29 [(GMT +7)]
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp
Thứ 5, 06/01/2011 | 10:20:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, rất coi trọng sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, những tháng đầu lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp nước nhà.
Người dạy: “Thực túc thì binh cường” và ngày ngày Người tăng gia sản xuất – Ảnh: Tư liệu |
Ngay giữa năm 1946, Người đã chỉ thị cho Bộ Canh nông hồi đó, mở cửa lại Trường đại học Nông lâm mà trường này đã bị đóng cửa từ khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945. Tháng 10-1946, đến dự lễ khai giảng của trường đại học này, Người đã nói chuyện với giáo viên, sinh viên cán bộ, nhân viên về vị trí, vai trò của nông nghiệp ở nước ta, một nước nghèo, có nông nghiệp lâu đời nhưng chậm phát triển và chỉ ra những nhiệm vụ phải ra sức phát triển nông nghiệp nước nhà. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 2-1951, viết thư gửi nông dân toàn quốc, Người đã xác định sản xuất nông nghiệp là một mặt trận và nông dân là chiến sĩ;
“Ruộng rãy là chiến trường
Cuốc cày là vũ khí
Nhà nông là chiến sĩ
Hậu phương thi đua với tiền phương”.
Tháng 2-1955, trong lời kêu gọi thi đua sản xuất tiết kiệm mùa xuân, Người chỉ rõ: “Hiện nay, nhiệm vụ vẻ vang của đồng bào là phải ra sức thi đua khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp để làm cho đồng bào nông dân no ấm, để cung cấp cho quân đội, để đảm bảo tiếp tế cho các thành thị, để đẩy mạnh việc khôi phục kinh tế nước nhà”. Từ khi hoàn thành công việc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, năm 1956 cho đến năm 1969, trước lúc “đi xa”, Người đã 59 lần về địa bàn nông thôn để khảo sát, kiểm tra, đôn đốc việc phát triển nông nghiệp. Với tư tưởng coi trọng phát triên nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Nước Việt Nam là nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế nước ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Người còn nhấn mạnh: “Mặt trận kinh tế gồm có công nghệ, buôn bán, nông nghiệp. Ngành nào cũng quan trọng cả nhưng lúc này quan trọng nhất là nông nghiệp, “có thực mới vực được đạo”, có đủ cơm ăn, áo mặc cho bộ đội và nhân dân thì kháng chiến mới mau chóng thắng lợi, thống nhất và độc lập mới thành công”. Coi trọng phát triển nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, lấy sản xuất lương thực là trọng tâm, là “việc cần thiết nhất cho đời sống của nhân dân, là bộ phận cực kỳ quan trọng trong kế hoạch kinh tế của Nhà nước”. Coi nông nghiệp và công nghiệp như hai chân của nền kinh tế nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người thì có hai chân, kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính là công nghiệp và nông nghiệp, người không thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế”. Là một bộ phận chính của kinh tế nước nhà, nông nghiệp phát triển phải thiết lập mối quan hệ với công nghiệp. Mối quan hệ này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “phải giúp đỡ nhau cùng phát triển như hai chân đi khỏe và đều thì bước tiến sẽ nhanh và nhanh chóng đến đích”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp là di sản quý báu mà Đảng, Nhà nước ta quán triệt vận dụng để đề ra và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong sự nghiệp đổi mới ngày nay. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ngày 5-8-2008 nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài”.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()