LSO-Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhất là thời gian khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ năm 1941 đến năm 1969, trước khi “về cõi vĩnh hằng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều năm sống, công tác ở miền núi, gắn bó thân thiết với đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, trong suốt 24 năm là Chủ tịch nước (1945-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
|
Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm miền xuôi sung sướng được gặp Bác Hồ – Ảnh: Tư liệu |
Sau 3 tháng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 3-12-1945, tại hội nghị các dân tộc thiểu số Việt Nam, sau khi chỉ rõ “Nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em một nhà,… Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp” cho đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng. Về phát triển kinh tế miền núi, vùng dân tộc thiểu số, với sự nhìn nhận “về số người thì đồng bào miền núi chiếm 1/5 tổng số nhân dân ta. Miền núi chiếm 2/3 diện tích nước ta và có hơn 3000 cây số biên giới. Tục ngữ có câu “rừng vàng biển bạc”, câu đó rất đúng miền núi có tài nguyên rất phong phú có khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp, “Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, miền núi không chỉ phát triển nông nghiệp, công nghiệp mà còn phát triển lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp.
Nhằm phát triển kinh tế miền núi, vùng dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chủ trương phát triển nông nghiệp mà còn chủ trương phát triển lâm nghiệp, khai thác lâm thổ sản, trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và dựa vào đặc điểm, tình hình, tiềm năng của từng địa phương miền núi mà phát triển thêm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp, làm cho “đời sống đồng bào địa phương khá hơn cả về vật chất và tinh thần”. Để phát triển các ngành kinh tế như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn căn dặn đồng bào dân tộc thiểu số phải “tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Theo Người, đó là “hai việc then chốt” của phát triển kinh tế để cải thiện, nâng cao đời sống mà đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải thực hiện tốt.
|
Chương trình nước sinh hoạt của Chính phủ đến với đồng bào vùng cao xã Ái Quốc (Lộc Bình) – Ảnh: Trí Dũng |
Quán triệt và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế miền núi, vùng dân tộc thiểu số, những năm qua, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã tăng cường đầu tư cho miền núi phát triển kinh tế, đã xây dựng và lãnh đạo thực hiện chiến lược phát triển kinh tế miền núi, kinh tế vùng biên giới miền núi, đề ra chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, thuần nông, tự sản xuất tự tiêu dùng, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt chương trình 135 và 134 của Chính phủ, những năm qua đã có hiệu quả rõ rệt đối với phát triển kinh tế miền núi.
Bên cạnh những kết quả đáng kể phát triển kinh tế miền núi ở một số tỉnh miền núi, nhìn chung, kinh tế ở miền núi và các vùng dân tộc thiểu số còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập quán canh tác còn lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. Khắc phục những tồn tại, yếu kém của kinh tế miền núi, làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta nói riêng đồng tâm hiệp lực phát huy mọi nguồn lực của trung ương đầu tư, hỗ trợ và mọi nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, xây dựng đất nước, quê hương giầu đẹp, văn minh.
Ý kiến ()