Tư tưởng Hồ Chí Minh về đồng bào các dân tộc thiểu số
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhất là từ khi về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam năm 1941 cho tới khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều năm tháng công tác, sống và sinh hoạt cùng các đồng bào dân tộc thiểu số. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số “đều là con cháu Việt
Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh với các dân tộc thiểu số được thể hiện nhất quán trong những chính sách của Đảng và Nhà nước ta mà nhiều lần Bác Hồ nhấn mạnh là “Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”. Suốt mấy mươi năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và chính phủ xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cho nên đã phát huy lòng yêu nước, động viên sức người, sức của cho kháng chiến và kiến quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao đời sống đồng bào. Có thể nói đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Bác Hồ luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Người coi trọng công tác dân vận đồng bào, từ việc tuyên truyền giáo dục, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số để đồng bào có được ý thức đoàn kết và bình đẳng dân tộc, xóa bỏ thành kiến dân tộc, khắc phục tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuát để từng bước đưa đời sống đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói, nghèo.
Tháng 10/1961, nói chuyện tại hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh ba vấn đề đối với đồng bào các dân tộc thiểu số: “1-Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Đây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số… 2- Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay. 3- Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn cả về vật chất và tinh thần”.
Quan điểm và tình cảm của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc, cũng như đối với nhân dân lao động thật vô cùng sâu nặng. Đó là sự kết tinh và thấm đượm tình thương yêu, kính trọng, biết ơn của Bác Hồ đối với nhân dân mà cuộc đời Bác đã từng trải nghiệm và sự nghiệp Bác gây dựng. Trước lúc Bác đi xa, trong di chúc Bác viết: Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Bác căn dặn Đảng ta nhiều việc sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, song công việc Bác đặc biệt quan tâm là: Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Từ khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta có những chương trình, kế hoạch để phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đối với đồng bào miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt trong hơn 20 năm đổi mới, với những chiến lược và kế hoạch kinh tế – xã hội, Đảng và nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện rất nhiều chương trình phát triển toàn diện các địa bàn miền núi, miền biển là nơi có nhiều các dân tộc thiểu số, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Để công tác dân tộc và công tác vận động đồng bào dân tộc đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay và lâu dài cần thấm nhuần hơn nữa những quan điểm chỉ đạo của Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác dân tộc.Trong đó vấn đề có ý nghiã quyết định thắng lợi của công tác dân tộc là cần coi trọng công tác tuyên truyền, công tác cán bộ, huấn luyện cán bộ làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc.
Ý kiến ()