Thứ 6, 22/11/2024 02:23 [(GMT +7)]
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa
Thứ 6, 31/08/2012 | 08:55:00 [(GMT +7)] A A
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa là tư tưởng quan trọng nhất đã chỉ đạo cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua, đã đem lại nhiều thắng lợi to lớn, rực rỡ, huy hoàng cho dân tộc Việt Nam, nó đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng thế giới. Ngày nay, khi mà thế giới đang trải qua nhiều biến động to lớn với những tranh chấp, xung đột khó lường thì tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nguyên giá trị. Việc nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một yêu cầu không thể thiếu được trong công cuộc đổi mới đất nước ta ngày nay.
LSO-Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã có ý thức vững chắc và sâu sắc về độc lập, chủ quyền của mình, luôn đấu tranh để bảo vệ và giành lại quyền thiêng liêng này, một khi bị kẻ thù dùng sức mạnh tước đoạt. Tinh thần độc lập, tự chủ đó được kế thừa và phát huy sức mạnh trong phong trào Cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa cách mạng nước ta tới chiến thắng lẫy lừng trong cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) và ngày nay, trong đấu tranh chống nghèo nàn, lạc hậu để xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế.
Hồ Chủ tịch trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc – Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng độc lập, tự chủ, tự lực tự cường của Hồ Chí Minh trước hết được thể hiện ở sự quyết tâm giải phóng dân tộc bằng sức mạnh của “sự nỗ lực của bản thân”, với sự giúp đỡ của bạn bè thế giới. Người khẳng định: “muốn người ta giúp cho, thì trước tiên, mình phải tự giúp lấy mình đã”. Người xác định: Đây chính là luận điểm quan trọng nhất đối với các dân tộc thuộc địa và tự mình đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Quan điểm nhân dân trong đấu tranh cho độc lập dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ xây dựng trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin mà còn là sự kế thừa, phát huy truyền thống đạo đức của dân tộc. Từ trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã tìm được phương thức “dựa vào dân để có sức mạnh”. Đó chính là quan điểm “lấy dân làm gốc” để làm nên mọi chiến thắng. Theo Hồ Chí Minh, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn là con đường cách mạng vô sản: “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Chân lý này đã được Hồ Chí Minh quán triệt, nêu rõ. Làm cách mạng giải phóng dân tộc “để đi tới xã hội cộng sản”. Để đạt được mục tiêu ấy, “Phải có Đảng bền vững, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại, phải theo Chủ nghĩa Mác – Lênin”. Khi khẳng định, chỉ có Chủ nghĩa cộng sản mới mang lại cho mọi người hạnh phúc ấm no, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mối quan hệ biện chứng giữa đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này là cơ sở cho sự quá độ từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các nước thuộc địa và phụ thuộc khác. Tư tưởng về Cách mạng xã hội chủ nghĩa của Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu vào hai vấn đề cơ bản đối với các dân tộc đấu tranh giành độc lập. Đó là, xác định con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và phương hướng tiến lên của cuộc cách mạng này, tiếp nữa là từng bước xây dựng kế hoạch và biện pháp xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Đây có thể xem là đường lối chiến lược đã được thực hiện thành công ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuất phát từ mục tiêu chung của Chủ nghĩa xã hội và điều kiện cụ thể ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phác thảo những nét lớn, cơ bản về một xã hội – xã hội chủ nghĩa tương lai ở Việt Nam. Người định nghĩa: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh…” đó là một công việc cao cả, bởi vì: “Xây dựng Chủ nghĩa xã hội là thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no và hạnh phúc”. Trong tư tưởng này, mối quan hệ giữa dân với nước là thống nhất. Người cho rằng, một mặt nhà nước phải chăm lo cho dân, làm sao tất cả mọi đường lối, chính sách của Đảng đều phải nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Mặt khác, phải biết dựa vào dân. Phác thảo của Hồ Chí Minh về Chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh” không phải là sự rập khuôn, giáo điều, càng không phải là việc biến các nước phương Đông – vốn là những nước nghèo nàn, lạc hậu thành một “Phòng thí nghiệm” như các nhà nghiên cứu phương Tây đã lầm tưởng.
Nói về con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định rằng: con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh” là một quá trình gian khổ, khó khăn và lâu dài vì thế không nôn nóng, duy ý chí, phải đề ra những biện pháp cụ thể để từng bước xác lập chủ nghĩa xã hội trong cuộc sống. Trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, điều quan trọng mà Hồ Chí Minh luôn căn dặn là không bao giờ được xa rời mục đích của Chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, đó là nhân tố đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo đảm cho sự thành công của việc mưu cầu no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, con đường đi tới chủ nghĩa xã hội của các dân tộc không hoàn toàn phẳng lặng mà có những bước quanh co, khúc khuỷu, có khi lùi bước, song cái logic phát triển của nó là đi tới và thắng lợi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa là tư tưởng quan trọng nhất đã chỉ đạo cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua, đã đem lại nhiều thắng lợi to lớn, rực rỡ, huy hoàng cho dân tộc Việt Nam, nó đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng thế giới. Ngày nay, khi mà thế giới đang trải qua nhiều biến động to lớn với những tranh chấp, xung đột khó lường thì tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nguyên giá trị. Việc nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một yêu cầu không thể thiếu được trong công cuộc đổi mới đất nước ta ngày nay.
Lê Quang Bình
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()