Thứ 6, 27/12/2024 00:47 [(GMT +7)]
Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở lòng thương yêu thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công
Thứ 4, 27/07/2011 | 08:28:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh trước hết biểu hiện ở tấm lòng thương yêu con người, thương yêu nhân dân hết sức bao la, sâu sắc. Người đã từng khái quát về triết lý cuộc sống: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề…là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ bị áp bức”*. Ngoài sự quan tâm đến quyền lợi, nguyện vọng, đời sống của cả dân tộc, Người còn quan tâm đến những nhu cầu, nguyện vọng riêng của mỗi giới, của mỗi con người.
Trong Di chúc thiêng liêng, Người đã dành một phần quan trọng nói về những việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Trong đó Người nhấn mạnh: đầu tiên là công việc đối với con người và đề ra yêu cầu thái độ, chính sách đối với các lớp người như: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”*.
“Đối với các liệt sĩ. Mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương…phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lưc lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng, Chính phủ cần chọn môt số ưu tú nhất, cho các cháu đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ và công nhân kỹ thuật giỏi, có tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuôc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công biệc, kể cả công việc lãnh đạo… Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phu nữ. Đối với nạn nhân của xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…thì Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện…Đối với những đồng bào nông dân suốt trong kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỷ hả, mát dạ, mát lòng, thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất. Đồng bào ít người, đồng bào miền núi rất tốt đối với cách mạng, hết lòng vì cách mạng, Đảng và Chính phủ phải có chính sách cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, làm cho “miền núi tiến kịp miền xuôi”. Đối với bộ phận xã hội đang gặp khó khăn, Nhà nước cần có sự kiểm tra, phân loại cụ thể, chi tiết hơn để có những chính sách, giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ cho phù hợp. Với gia đình thương binh liệt sĩ, các gia đình có công với nước, Nhà nước cần sử dụng một phần ngân sách thích đáng, hợp với phúc lợi do toàn dân đóng góp để đền ơn đáp nghĩa xứng đáng với công lao đóng góp vô giá của họ. Đối với các gia đình neo đơn, cô quả, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất… tuỳ theo từng đối tượng Nhà nước có hình thức hỗ trợ thích hợp. Còn đối với các gia đình khó khăn vì sinh đẻ vô kế hoạch, vì lười biếng và hoang phí, cần kết hợp các biện pháp giáo dục, xử lý và hỗ trợ hợp lý”*
Trong mọi hoàn cảnh, lúc đấu tranh cần sự hy sinh của con người, của nhân dân, cũng như khi đã giành thắng lợi, Người đều quan tâm đến con người, đến mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện tư tưởng và tấm lòng rộng mở, chu đáo, bao dung. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh còn mang nội dung mới ở chỗ lòng thương yêu nhân dân, nhân loại, người cùng khổ của Người không chỉ dừng lại ở “tình thương trừu tượng”, ở sự thông cảm, ở lòng tin mà trên cơ sở nắm vững lý luận, phương pháp khoa học cách mạng. Như vậy, tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh thấm đượm chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái truyền thống văn hoá Việt Nam. Đó là chủ nghĩa nhân văn chân chính, chủ nghĩa nhân văn hiện thực của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó lòng thương yêu nhân dân, thương yêu người cùng khổ gắn với lòng thương yêu nhân loại. Lòng thương yêu thống nhất với lòng tin, sự tôn trọng và ý chí cùng hành động triệt để giải phóng nhân dân, nhân loại. Bản thân Hồ Chí Minh là hình mẫu của con người nhân văn của thời đại mới, thời đại kết hợp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng loài người; độc lập dân tộc gắn với tự do, hạnh phúc với chủ nghĩa xã hội.
*Trích: Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật Việt Nam, NXB Pháp lý, Hà Nội, 1990.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()