Các già làng ở Buôn Ma Thuột mừng vui đón Quân giải phóng trong ngày chiến thắng. ( Ảnh: Ảnh tư liệu. ) Mùa xuân 1975, mùa xuân đặc biệt và diệu kỳ của năm Ất Mão. Chiến thắng dồn dập, tin Bình Long, Phước Long hoàn toàn giải phóng dội về căn cứ Trà My (Quảng Nam) làm náo nức cả cơ quan tuyên huấn Khu ủy, xao động cả cánh rừng bằng lăng rậm rạp, hoang vu.Lúc bấy giờ, tôi đang ở chiến trường đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi, len lỏi trong khu dồn dân Đá Chẻ, định về Ba Làng, An Đông, Sơn Tịnh lấy tài liệu viết cho Đài Giải phóng theo yêu cầu của anh Nguyễn Thành, Trưởng ban CP90 (mật danh Đài Giải phóng A), thì nhận được điện của đồng chí Trương Công Huấn, Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 yêu cầu phải về gấp chiến khu Trà My để đi chiến dịch... Tôi, cô Hoa và anh Dũng giao liên đi suốt tám đêm liền, nhưng gian nan nhất là lúc vượt Đường 1 phải chờ đến ba đêm. Dọc đường bị phục kích, may nhờ các bạn ở Ban an ninh...
Các già làng ở Buôn Ma Thuột mừng vui đón Quân giải phóng trong ngày chiến thắng. ( Ảnh: Ảnh tư liệu. ) |
Mùa xuân 1975, mùa xuân đặc biệt và diệu kỳ của năm Ất Mão. Chiến thắng dồn dập, tin Bình Long, Phước Long hoàn toàn giải phóng dội về căn cứ Trà My (Quảng Nam) làm náo nức cả cơ quan tuyên huấn Khu ủy, xao động cả cánh rừng bằng lăng rậm rạp, hoang vu.
Lúc bấy giờ, tôi đang ở chiến trường đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi, len lỏi trong khu dồn dân Đá Chẻ, định về Ba Làng, An Đông, Sơn Tịnh lấy tài liệu viết cho Đài Giải phóng theo yêu cầu của anh Nguyễn Thành, Trưởng ban CP90 (mật danh Đài Giải phóng A), thì nhận được điện của đồng chí Trương Công Huấn, Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 yêu cầu phải về gấp chiến khu Trà My để đi chiến dịch… Tôi, cô Hoa và anh Dũng giao liên đi suốt tám đêm liền, nhưng gian nan nhất là lúc vượt Đường 1 phải chờ đến ba đêm. Dọc đường bị phục kích, may nhờ các bạn ở Ban an ninh Tỉnh ủy Quảng Ngãi do anh Nguyễn Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh ủy cử đi, các đồng chí rất có kinh nghiệm phá vòng vây, nên thoát được.
Ban Tuyên huấn Khu ủy khu Trung Trung Bộ, mật danh là làng Tuyên, nằm bên dòng Trà Nô, trong khu rừng đại ngàn rậm và ẩm ướt, suốt ngày vắt bám và muỗi rừng đốt. Nhiều anh chị em ngã bệnh vì sốt rét ác tính, đau nhức, muốn rời từng khớp xương vì thiếu máu; nhiều anh chị em bị lũ cuốn trôi hay trúng đạn kẻ thù như anh Hà Xuân Phong, nữ nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, nữ diễn viên Phương Thảo, nhà văn Chu Cẩm Phong… Có đêm bom vùi cả lán, pháo dập núi lở chết vùi hàng chục người…
Tôi vừa quẳng gùi sau lưng xuống sàn lán ở căn cứ thì anh Huấn, Phó Ban Tuyên huấn Khu ủy đến thăm và cho nghỉ vài ngày tập họp đoàn, để lên đường kịp đi chiến dịch. Đoàn vũ trang tuyên truyền do tôi phụ trách gồm hơn ba chục nhà báo ở đài phát thanh, thông tấn xã, báo ở khu, điện ảnh, quay phim thời sự… được trang bị súng ngắn, tiểu liên, mang theo cờ giải phóng, ảnh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, truyền đơn và lương thực… lên đường vào Tây Nguyên. Nghe tin chúng tôi sắp ra trận, anh chị em ở đoàn thường trú Đài Giải phóng trên căn cứ xuống sông Trà Nô vào hốc đá bắt cá về để liên hoan. Cuộc sống tuy gian khổ, nhưng vẫn có những ngày vui, anh Thủy lặn một hồi, hai tay nắm hai con cá chình lên bờ, đem về xào với nấm rừng làm nem rán và làm lương khô. Các chị tức tốc làm chả, ra suối hái rau rừng và lên ban quản trị xin ứng trước phần rượu thuốc, kẹo bánh về để liên hoan tiễn chân. Được lệnh Trưởng ban Tuyên huấn Khu, anh Bảy Hữu, anh Huấn dặn anh em quản trị có gì ngon thì chuyển đoàn nhà báo trong Đội vũ trang tuyên truyền. Vì các bạn vào đất quyết tử, cho Tây Nguyên quyết sinh…
Chúng tôi mở máy thu thanh nghe Đài Giải phóng, nghe ca nhạc, đài đang phát bài Trường Sơn đông, Trường Sơn tây như náo nức giục giã chúng tôi lên đường. Đêm rừng sâu trời rét đậm, giá buốt. Thời gian này, không quân ngụy không đủ sức oanh kích ngày đêm, nên chúng tôi có thể đốt lửa ca hát… Còn nhớ hôm tôi ra đi, anh Bảy Hữu (Nguyễn Xuân Hữu) Thường vụ Khu ủy dặn dò. Cùng đi với tôi có nhà báo Nguyễn Thắng Lộc ở cơ quan thường trú Đài Phát thanh Giải phóng. Chúng tôi dùng cơm ngay tại lán làm việc của anh Bảy. Bữa ấy, ngoài cơm rau, cá khô, còn có chút rượu sâm nhấm nháp bên lọ hoa rừng làm bằng vỏ đạn đại liên trông rất vui mắt. Vừa lúc ấy có anh chị em giao vận từ Đà Nẵng về, có sữa bột và đường, anh Bảy gói cho tôi vài ký để bồi dưỡng trong những ngày hành quân. Anh Bảy dáng người cao lớn, uyên thâm Hán Nôm, còn viết vào sổ tay cho tôi bốn chữ “mã đáo thành công” nét chữ bay bướm, tài hoa như thư họa. Đêm ấy chúng tôi mắc võng nằm bên nhau, anh dặn dò tôi: Bài vở, tin tức, hình ảnh, thơ ca… phải thể hiện cho được ba mũi giáp công, đặc biệt chú ý đến quần chúng, mùa xuân này nổi dậy khắp các buôn làng. Có một điều vui và phấn chấn là anh Nguyễn Thành, Trưởng ban CP 90 đã điện vào cho biết, những bài vở chúng tôi điện ra đều được anh đọc bằng dây nói cho anh Sáu (Lê Đức Thọ) duyệt lại để kịp thời phát trên sóng, loan đi khắp đất nước…
Sau giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi vào Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng, từ ấy đến nay đã 37 mùa xuân, lại thêm nhớ các bạn nhà báo trong Đội vũ trang tuyên truyền khu Trung Trung Bộ đã góp sức trẻ của mình cho chiến thắng lịch sử năm xưa. Tôi nhớ đến Lệ Thu, Triệu Xuân, Thắng Lộc, Nguyễn Khắc Phục,… những nhà văn, nhà báo tài hoa, đồng lòng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhớ BH, cô công nhân ngành in – con gái Bắc Hà xinh đẹp và dũng cảm, hình ảnh tuyệt đẹp của hậu phương lớn miền bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền nam. Giờ đây thành phố Buôn Ma Thuột đã trở thành một thành phố lớn của Tây Nguyên. Những vườn cà-phê mùa này hoa nở trắng ngần. Những nông trường đầy ắp hoa, trái, những vườn hoa quả, đồi chè xanh um đang vào vụ thu hoạch nhộn nhịp. 37 mùa xuân qua, cả một vùng non nước đẹp tươi ngày một thay da đổi thịt cùng đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()