"Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước"
Vào những ngày tháng Tư non sông đỏ cờ bay, đặt chân đến mũi Sa Vĩ- nơi địa đầu cực Đông Bắc rồi xã Đất Mũi, nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc, mới cảm nhận đất nước chưa bao giờ thiêng liêng đến thế.
“Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước,” câu thơ của nhà thơ Tố Hữu thường được dẫn ra trong các chuyến xuyên Việt vào những ngày tháng Tư non sông đỏ cờ bay bởi đặt chân đến mũi Sa Vĩ- nơi địa đầu cực Đông Bắc rồi xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển- nơi cuối trời cực Nam của Tổ quốc, mới cảm nhận đất nước chưa bao giờ có ý nghĩa thiêng liêng đến thế.
Mỗi con đường, mỗi đỉnh đèo, mỗi cửa biển chất chứa bao điều lớn lao. Tự hào Tổ quốc, lại càng biết ơn bậc tiền nhân và lớp lớp cha anh đã khai khẩn, giữ vững non sông, để hai miền Bắc Nam liền một dải, để đất nước có cơ đồ hôm nay.
Trà Cổ là một doi đất dài có mặt đông nam nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, hướng đông bắc có mũi Sa Vĩ là điểm đầu tiên của nét vẽ chữ S trên bản đồ Việt Nam, nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở miền Bắc. Doi đất này còn có đình Trà Cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của con người, vùng địa đầu Tổ quốc.
Đứng tại mũi Sa Vĩ, ngắm bình minh ló rạng trên biên giới đất liền trải ra biển cả. Trong tiếng sóng, tiếng gió có âm thanh khỏe khoắn của những ngư dân trở về cùng chuyến tàu tôm cá đầy ắp. Thấy thấm đượm đằng sau hương vị mặn mòi là những trầm tích văn hóa đặc sắc.
Người địa phương tin rằng tổ tiên của họ là 6 gia đình ngư dân Đồ Sơn thời Hậu Lê đánh cá ngoài biển gặp sóng to, gió lớn đã dạt vào bờ rồi bám trụ, lập làng. Và đình Trà Cổ được xây dựng trên doi đất hình thành từ phù sa bồi đắp của hai dòng sông Trà Cổ, Bắc Luân, ngoài tưởng nhớ các bậc tiền nhân còn là cột mốc biên giới, cột mốc văn hóa vùng Đông Bắc.
Hàng trăm năm qua, người Trà Cổ đời nối tiếp đời đã giữ gìn cẩn thận từng “phân núi, một tấc sông” như lời căn dặn của Hoàng đế Lê Thánh Tông.
Rồi những năm tháng vỹ tuyến 17 trở thành giới tuyến chia cắt đất nước, đế quốc Mỹ đánh phá dữ dội bằng không quân và hải quân vào miền Bắc nước ta, trong đó có Quảng Ninh.
Âm mưu của chúng là nhằm cắt đứt tuyến vận tải sông, biển của ta chi viện cho chiến trường miền Nam, đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá.
Riêng ở Quảng Ninh, chỉ 6 tháng cuối năm 1972 đã có 173 ngày bị đánh phá. Một số nơi hứng chịu bom, đạn với tính chất hủy diệt. Qua hai cuộc chiến tranh phá hoại, bom đạn của giặc Mỹ cày đi xới lại vùng đất mỏ đã giết chết 2.501 người, làm bị thương 3.976 người.
Nhưng người dân Trà Cổ và Quảng Ninh nói chung cùng quân dân miền Bắc dũng cảm, kiên cường với niềm tin, khát vọng nước nhà thống nhất.
“Tay búa, tay súng,” người Quảng Ninh vừa sản xuất tốt vừa chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ và ổn định đời sống. Không chỉ “đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, hàng vạn thanh niên đất mỏ, trong đó có Trà Cổ đã nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu.
“Hậu phương lũy thép” thì “tiền tuyến thành đồng”!
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi tấc đất, mỗi nóc nhà ở dải đất phương Nam đều thấm đẫm những câu chuyện về sự hy sinh, về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất.
Nếu miền Đông Nam Bộ có Củ Chi với hệ thống địa đạo là nỗi ám ảnh, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù thì rừng đước Cà Mau là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển, vùng căn cứ giải phóng rộng lớn với những “Làng rừng” chống địch.
Quyết tiêu diệt “Làng rừng,” chặn đường chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, địch đã nã pháo, trút bom đạn, đốt rừng Cà Mau. Chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn, càn quét, bao vây vùng bưng biền sông rạch.
Thâm độc hơn, đế quốc Mỹ còn dùng máy bay phun rải chất độc hóa học xuống đại ngàn ấy hòng xóa sổ màu xanh và sự sống của con người.
Từ năm 1962 đến năm 1971, Mỹ đã thực hiện ở Cà Mau tới 466 phi vụ, phun rải hơn 2,3 triệu lít chất độc hóa học, tàn phá 82.143 ha rừng, vườn tược, ruộng đồng, làm cho trên 17.000 nạn nhân bị phơi nhiễm, trong đó có trên 7.000 người bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do di chứng từ chất độc hóa học dioxin gây ra.
Thế nhưng, lửa nào thiêu được dải Trường Sơn?
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa Bắc Nam về trong một nhà, giang sơn về một mối.
Từ Lũng Cú, Hà Giang- chóp nón cực Bắc, qua Hiền Lương, Quảng Trị- khúc ruột miền Trung đến Năm Căn, Cà Mau- điểm cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, đất nước một dải đỏ cờ bay.
Và Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.
30 tháng Tư năm 2024. 49 năm sau ngày thống nhất. Biển trời biên tái xanh trong lộng gió. Trà Cổ đang là mảnh đất sầm uất vùng phên dậu Móng Cái, Quảng Ninh. Đình Trà Cổ giờ đây là Di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Người Trà Cổ hiện nay không chỉ biết ra khơi đánh cá mà còn sinh sống, làm giàu bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản, làm thương mại, dịch vụ. Và gần cột mốc Km 0 Tràng Vĩ là bức phù điêu tượng hình 3 cây phi lao có ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước…” như lời nhắc nhở tâm thức mỗi người Việt về mồ hôi, xương máu của lớp lớp cha anh mới có đất nước thống nhất, mới nên cơ đồ hôm nay.
Mảnh đất nơi cuối trời phương Nam cũng đã thay đổi rất nhiều. Đất Mũi là nơi được đặt dấu mốc tọa độ Quốc gia GPS0001, điểm cực đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên đất liền.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, khu Ramsar thứ 2088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau đã khánh thành như trái tim của Tổ quốc hiện diện nơi tận cùng đất nước. Và Trạm dừng chân bãi bồi Mũi Cà Mau vững chắc, hiên ngang giữa biển trời bao la như những nhà giàn DK chân cắm xuống đảo chìm để canh giữ, bảo vệ từng tấc cương thổ của quốc gia trên quần đảo Trường Sa.
Ấp Mũi giờ đây nhà cửa khang trang hơn. Người Cà Mau phóng khoáng nhưng kiên cường, bất khuất đã quen thuộc với du lịch cộng đồng, biết khai thác thế mạnh của từng người, của cộng đồng để làm giàu.
Thấp thoáng đâu đó những ngôi nhà dạng homestay. Khách du lịch lênh đênh trên thuyền theo người dân địa phương trong mênh mông rừng đước. Giữa sóng gió lồng lộng, biển trời bao la, có cánh Hải âu bình yên chao nghiêng./.
Ý kiến ()