Từ thị trường USD tự do nghĩ về chính sách tỷ giá
Sau một thời gian tạm dừng hoạt động để nghe ngóng, thị trường USD tự do tại Hà Nội lại hoạt động trở lại. Một số bài báo đưa tin rằng điều này không làm nhiều chuyên gia bất ngờ. Xét ra, nguyên nhân của điều đã được “nhìn thấy trước” này là vì nhiều lẽ, nhưng cơ bản là nằm ở chỗ nhu cầu mua USD vì những mục đích chính đáng của người dân và doanh nghiệp vượt quá khả năng cung ứng của thị trường chính thức tại mức tỷ giá được công bố chính thức hiện tại.Một số bài báo trong vài tháng qua nêu lên những thực trạng về khả năng cung ứng USD của hệ thống thị trường chính thức thấp hơn nhu cầu về USD của người dân và doanh nghiệp. Những bài báo nêu ra hai thực trạng, thứ nhất, là người dân khó mua USD tại ngân hàng cho những mục đích như khám chữa bệnh, đi du học. Thứ hai, một số doanh nghiệp nhỏ cũng phản ánh trên báo chí là họ khó mua USD từ ngân hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh vì không nằm trong...
Sau một thời gian tạm dừng hoạt động để nghe ngóng, thị trường USD tự do tại Hà Nội lại hoạt động trở lại. Một số bài báo đưa tin rằng điều này không làm nhiều chuyên gia bất ngờ. Xét ra, nguyên nhân của điều đã được “nhìn thấy trước” này là vì nhiều lẽ, nhưng cơ bản là nằm ở chỗ nhu cầu mua USD vì những mục đích chính đáng của người dân và doanh nghiệp vượt quá khả năng cung ứng của thị trường chính thức tại mức tỷ giá được công bố chính thức hiện tại.
Một số bài báo trong vài tháng qua nêu lên những thực trạng về khả năng cung ứng USD của hệ thống thị trường chính thức thấp hơn nhu cầu về USD của người dân và doanh nghiệp. Những bài báo nêu ra hai thực trạng, thứ nhất, là người dân khó mua USD tại ngân hàng cho những mục đích như khám chữa bệnh, đi du học. Thứ hai, một số doanh nghiệp nhỏ cũng phản ánh trên báo chí là họ khó mua USD từ ngân hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh vì không nằm trong diện ưu tiên. Một tình huống khác được phản ánh là sau khi thị trường tự do ngừng hoạt động, các doanh nghiệp có nhu cầu USD phải mua USD thông qua việc nhờ ngân hàng giới thiệu cho người có ngoại tệ với tỷ giá cao hơn hẳn tỷ giá niêm yết.
Những tình huống kể trên chỉ ra rằng sự tồn tại của những kênh thị trường phi chính thức (nếu không còn thị trường tự do thì cũng còn thị trường dạng “bắc cầu”) xuất phát từ thực tế là nguồn USD cung ứng từ thị trường chính thức tại mức tỷ giá niêm yết, không đáp ứng được yêu cầu của tất cả người dân trong xã hội. Khi có nhu cầu mua USD mà không thể mua ở ngân hàng thì tất yếu sẽ xuất hiện thị trường phi chính thức đáp ứng yêu cầu này. Dù có nỗ lực dẹp bỏ thị trường tự do thì làm sao đảm bảo sẽ không xuất hiện những hình thức biến tướng khác? Khi đó, nó sẽ chỉ làm cho giá USD “phi chính thức” càng bị đẩy cao hơn mức tỷ giá chính thức vì sự khan hiếm của nguồn cung ứng dịch vụ này.
Một trở ngại khác trong việc dẹp bỏ kênh thị trường tự do, là liệu các biện pháp chế tài hiện hành có thể tạo điều kiện để thật sự dẹp bỏ loại thị trường này? Theo phản ánh của phó giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, có những cửa hàng USD tự do tại TP.HCM trước đó bị phạt tới gần 60 triệu đồng, nhưng giờ vẫn mua bán USD gần như công khai. Liệu mức phạt 60 triệu đồng đã đủ có thể răn đe để người kinh doanh mua bán USD tự do không “phá rào”?
Sự tồn tại của thị trường phi chính thức vì vậy được tạo ra vì hai nguyên nhân cơ bản: một là nhu cầu chính đáng của người dân về USD không được đáp ứng thông qua kênh thị trường chính thức tại tỷ giá niêm yết hiện tại, và hai là các biện pháp chế tài đối với thị trường phi chính thức còn yếu. Nhưng nếu tập trung sửa chữa cái thứ hai, trong khi cái thứ nhất chưa thể điều tiết thì tình hình có thể còn tệ hơn. Chế tài càng mạnh, nguồn cung USD tự do càng khan hiếm mà nguồn cung chính thức không đáp ứng nổi khiến người dân và doanh nghiệp chuyển sang găm giữ và tích luỹ USD thì tình hình diễn biến tỷ giá tự do có thể sẽ càng tệ hại hơn.
Thực trạng hiện nay phản ánh rằng, dù là thông qua kênh thị trường tự do hay kênh thị trường “bắc cầu” (tức là có sự tham gia “giới thiệu” của ngân hàng) thì nguồn cung USD chỉ đáp ứng nhu cầu ở tỷ giá cao hơn tỷ giá niêm yết. Phải chăng việc ngân hàng phải đứng ra làm trung gian “bắc cầu” như thế là vì họ không thể mua được USD theo tỷ giá niêm yết từ phía người có USD?
Căn bệnh nhập siêu mãn tính của Việt Nam, sự suy yếu kinh niên của đồng VND, thị trường sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá kém phát triển và nhu cầu tích trữ USD của người dân tạo ra kỳ vọng “đồng USD sẽ tăng giá và bán bây giờ thì mai mốt không biết có mua lại được không”. Mà nếu người có USD lo ngại rằng sau khi bán USD cho ngân hàng ở giá niêm yết rồi mà sau này khó mua lại, hoặc phải mua lại ở giá cao hơn nhiều so với giá niêm yết hiện tại thì họ đương nhiên sẽ muốn tiếp tục nắm giữ USD và chỉ bán khi “được giá”. Người có USD có tâm lý găm giữ “chờ USD lên” như vậy, thì dù có cấu trúc thị trường chính thức như thế nào, các đại lý mua bán USD chính thức hoạt động ra sao đi nữa, mà họ không mua được USD từ doanh nghiệp hay người dân với tỷ giá niêm yết thì lấy USD đâu ra mà bán.
Nói cách khác, cái gút khiến thị trường chính thức không thể “cạnh tranh” thu hút đủ USD để cung ứng cho người dân là vì tỷ giá niêm yết chính thức bị kiềm chế thiếu linh hoạt so với tỷ giá tự do. Điều này liên quan đến cách điều hành chính sách tỷ giá hiện tại mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã có phân tích và nằm ngoài khuôn khổ bài viết này.
Nhưng có một điều cần nhận thấy là nếu như Chính phủ muốn điều hành một tỷ giá chính thức như thế nào, thì tất yếu sẽ đi kèm với sản phẩm phụ như thế ấy. Tỷ giá chính thức biến động nhiều quá hay đồng tiền phá giá nhanh quá sẽ có những độ sốc nhất định. Và nếu Chính phủ không mong muốn để tỷ giá chính thức tạo ra những cú sốc như vậy thì tự nhiên sẽ có một thị trường tự do tồn tại song song với thị trường chính thức để đáp ứng nhu cầu USD trong xã hội ở một mức tỷ giá khác. Khi nhu cầu USD tăng mạnh (vì nhiều lý do, như nhu cầu găm giữ của người dân, nhu cầu USD nhập khẩu của doanh nghiệp chẳng hạn) mà sự biến động của tỷ giá chính thức không theo kịp và không phản ánh được quan hệ cung cầu thật sự thì tự nhiên người ta phải tìm đến thị trường phi chính thức.
Mỗi mục tiêu chính sách sẽ phải trả một cái giá, và khó đòi hỏi một chính sách đạt được tất cả các mục tiêu. Cái gì cũng có mặt trái của nó. Sự tồn tại của hai loại tỷ giá trong nền kinh tế, hai loại thị trường ngoại hối chính thức và phi chính thức là sản phẩm phụ của chính sách tỷ giá hiện tại. Để xoá bỏ triệt để mặt trái này, về gốc rễ, phải là điều chỉnh chính sách tỷ giá cho linh hoạt hơn, khiến tỷ giá chính thức biến động nhiều hơn đủ để ngân hàng và các đại lý có thể đưa ra một cái giá cạnh tranh thu hút USD về thị trường chính thức. Nếu không muốn điều chỉnh chính sách tỷ giá, thì tốn sức người sức của tìm cách xoá bỏ sự tồn tại của thị trường ngoại hối phi chính thức có thể là một việc làm không hiệu quả mà nhiều người có thể đã nhìn thấy trước.
Theo Vnmedia.vn
Ý kiến ()