Từ “thanh đảng” của Lênin đến cuộc vận động “xây dựng và chỉnh đốn đảng” của đảng ta
– Để có được thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) thì vai trò của đội ngũ đảng viên là hết sức quan trọng. Những quan điểm của Lênin về “thanh đảng” nhằm giáo dục, rèn luyện, sàng lọc đội ngũ đảng viên vẫn là những bài học quý báu cho cuộc vận động “xây dựng, chỉnh đốn đảng” của Đảng ta hiện nay.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đó chính là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Duy trì kỷ luật đảng, sàng lọc đội ngũ đảng viên là vấn đề được Lênin rất quan tâm và thuật ngữ mà Lênin thường dùng là “thanh đảng”.
Lênin đặc biệt chú ý đến việc lập ra một tổ chức gồm những người cách mạng, một tổ chức vững chắc, tập trung và có tính chiến đấu cao. Lênin đã khẳng định “hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga lên”*. Như vậy, Lênin đã xác định một cách rõ ràng, dứt khoát rằng Đảng phải là những chiến sĩ cách mạng tiên phong, có nhiệt tình, có trình độ, năng lực cao hơn những công nhân bình thường. Họ phải là những người có lý luận tiên tiến, ý thức tự giác cao, biết vận động, lôi kéo quần chúng tham gia hành động. Và Lênin cho rằng: Đảng phải quan tâm đến công tác “thanh đảng” vì đảng cầm quyền phải biết làm cho đội ngũ mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hóa, biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi đảng. Theo Người, mục đích “thanh đảng” là loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn khiêu khích, bọn thoái hoá biến chất, bọn cơ hội, bọn thù địch ra khỏi đảng để nâng cao vai trò và sức chiến đấu của đảng. “Thanh đảng” nhằm vào đối tượng đảng viên gian giảo, quan liêu, không trung thực, tham ô, ăn cắp… những kẻ hiếp đáp quần chúng cần có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết đưa ra khỏi đảng. Đồng thời xử lý dứt điểm theo pháp luật tương xứng với tội lỗi mà họ đã gây ra”*.
Đảng phải liên hệ mật thiết với quần chúng, theo Lênin, dựa vào kinh nghiệm và ý kiến của quần chúng ngoài đảng là điều quý báu và quan trọng nhất. Đảng là người lãnh đạo quần chúng, quyết định đời sống và mọi mặt sinh hoạt của quần chúng Nhân dân thì quần chúng có nguyện vọng và có quyền kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của đảng. Điều này cho thấy nếu một đảng không được sự ủng hộ của quần chúng, nếu đảng viên của đảng không được sự tín nhiệm của quần chúng thì chắc chắn đảng đó, đảng viên đó không thể là người cộng sản chân chính được. Lênin khẳng định: “Muốn trở thành một đảng dân chủ- xã hội chủ nghĩa, thì cần phải được sự ủng hộ của chính giai cấp”*. Hoặc “chúng ta phải hết sức giữ lấy mối quan hệ thống nhất trong đảng của tất cả những người dân chủ – xã hội Nga. Mối quan hệ đã được thiết lập sau bao nhiêu cố gắng; và bằng cách làm việc ngoan cường, có hệ thống. Chúng ta phải làm cho toàn thể đảng viên, nhất là công nhân hiểu được đầy đủ, một cách tự giác những nhiệm vụ của người đảng viên”*. “Đội ngũ đảng viên của đảng không những phải có trình độ cao hơn quần chúng mà còn phải liên hệ mật thiết với quần chúng, bởi đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh của đảng. “Quần chúng ủng hộ chúng ta. Sức mạnh của chúng ta là ở đó”*.
Đánh giá V.I. Lênin với những di sản tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lênin thực sự là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những lý luận cách mạng nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.**
Để tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, mỗi ấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần tiếp tục học tập, thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhận thức và hành động. Trước hết, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bảo đảm sự lãnh đạo, đoàn kết, thống nhất trong và ngoài Đảng. Giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của đảng. Đề cao pháp luật Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Xây dựng và chỉnh đốn đảng” cùng hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những việc đảng viên không được làm. Chủ động phòng ngừa, tích cực làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.
Lịch sử Đảng ta cho thấy: xây dựng và chỉnh đốn đảng có mối liên hệ chặt chẽ, cần được tiến hành đồng thời và có tác dụng qua lại, bổ sung và bổ khuyết cho nhau. Xây dựng đảng bao giờ cũng phải được xem là công việc cơ bản, thường xuyên. Chỉnh đốn đảng được đặt ra cấp bách khi xuất hiện tình hình đặc biệt cần có giải pháp để giúp xốc lại đội ngũ, vượt qua những khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, Báo cáo công tác xây dựng đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn đảng, trong đó xây dựng đảng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chỉnh đốn đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách; đồng thời xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá”. Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội XIII của Đảng lại xác định, đặt ra yêu cầu đầu tiên là cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng và chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị. Trên thực tế, xây dựng đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, xây dựng, chỉnh đốn đảng có vai trò hạt nhân, quan trọng, vì đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, Nhà nước và xã hội. Đặc biệt, đảng lãnh đạo, giới thiệu những đảng viên ưu tú của mình ứng cử vào các vị trí chủ chốt của Nhà nước và hệ thống chính trị.
Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “Về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhấn mạnh “phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; “kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, xây dựng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trong, cấp bách, thường xuyên”.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 152 ngày sinh của V.I. Lênin (22/4/1870-22/4/2022), để đáp ứng được sự gửi gắm niềm tin của Nhân dân, đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự khắc phục sai lầm, hạn chế, khuyết điểm, phải thật sự là đảng chân chính, cách mạng, “là đạo đức, là văn minh”; sớm đưa nước ta đạt được mục tiêu, trở thành một nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như nghị quyết Đại hội XIII củ Đảng đề ran
*”Lênin” toàn tập, NXB Tiến bộ, năm 1979
**”Hồ Chí Minh” toàn tập, NXB QG, Hà Nội, năm 2000.
MAI TÙNG
Ý kiến ()