Từ tài liệu đến những người “truyền lửa”
Ý thức về Tổ quốc nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng đã được định hình không chỉ từ những bài học cụ thể, mà còn qua nhiều tài liệu tham khảo, từ những dụng cụ, thiết bị trực quan từ cấp học mầm non, tiểu học đến cấp THCS. (Học sinh trường THCS Gia Cát tìm hiểu kiến thức biển đảo trong thư viện nhà trường) |
Đoạt giải nhất hội thi giáo viên thư viện giỏi cấp tỉnh năm 2013 với chuyên đề giới thiệu cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” của nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Thủy đối với cô Tươi không phải là sự bất ngờ mà là kết quả của tình yêu biển đảo và cách truyền tình yêu đó đến với học sinh Trường THCS xã Gia Cát (Cao Lộc) của cô. Cô cho biết: học sinh vùng núi biên giới tuy rất khao khát được đến biển, tìm hiểu về biển, đảo, song do điều kiện không cho phép, rất ít em được đi tham quan biển; mặt khác các loại sách viết về biển đảo, về cuộc sống của người lính hải quân, kể cả sách giáo khoa cũng rất ít nên khi nhà trường được cấp 4 cuốn “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” thuộc chương trình sách cấp cho thiếu nhi, cô mừng lắm.
Gói gọn trong chưa đầy trăm trang sách là những chuyến đi như những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, rồi cuộc sống Trường Sa với những đảo chìm, đảo nổi, chen lẫn tiếng sóng gầm gào có cả tiếng chuông chùa, lời hát ru của mẹ, tiếng học bài của trẻ thơ… tất cả đã cuốn hút cô như người khát kiến thức được uống dòng nước mát qua giọng văn mộc mạc, tâm tình. Thế là trong phần giới thiệu sách vào sáng thứ 2 hàng tuần hoặc giờ sinh hoạt chiều thứ 7 ở các lớp, cô đã dành nhiều thời gian giới thiệu cuốn sách này đến học sinh. Chất giọng truyền cảm của cô giáo cộng với sự hấp dẫn trong cách miêu tả sống động, chân thực của nhà văn đã thực sự thu hút học sinh. Trong nhiều bài giảng môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, các cô giáo bộ môn đã có ý thức hơn trong việc lồng ghép kiến thức biển đảo nói chung và Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng cho học sinh của mình.
Em Dương Thu Nga, học sinh lớp 7A1 nói với chúng tôi, trước đây em chưa biết biển, đảo là gì, khi đọc cuốn sách này, cả chi đội tham gia thảo luận và chúng em đã hiểu hơn về biển đảo của Tổ quốc. Lần cùng mẹ đi tham quan Vũng Tàu, em cứ đứng ở bãi biển nhìn ra thật xa xem có thấy Trường Sa không, mẹ bảo Trường Sa cách Vũng Tàu gần ngàn cây số, vậy là xa lắm con ạ. Em nói với mẹ “Hẳn nào nhà văn Nguyễn Xuân Thủy nói là “hành trình vạn dặm”. Như vậy đấy, tình yêu của cô giáo thư viện đã truyền cho các em học sinh không chỉ tình yêu mà còn là những kiến thức bổ sung về biển đảo Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nông Thị Kim, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, tuy mới về nhận công tác tại nhà trường được hơn 2 tháng, song thời gian trước đây, khi công tác tại trường THCS Yên Trạch hay Thụy Hùng, chúng tôi đều chỉ đạo đội ngũ giáo viên có ý thức hơn trong việc lồng ghép kiến thức về biển đảo cho học sinh; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội phối hợp với giáo viên thư viện sưu tầm những tư liệu, cuốn sách về biển đảo nói chung, Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng để làm tài liệu ngoại khóa cho học sinh. Tuy vậy, kiến thức về biển đảo trong sách giáo khoa cấp THCS còn ít quá, học sinh lại ít có thời gian tìm hiểu thêm nên kiến thức cũng như tình yêu biển đảo của học sinh THCS nói chung chưa được định hình rõ. Minh chứng cụ thể là trong các cuộc thi viết tìm hiểu biển đảo Việt Nam do ngành GD&ĐT phát động, chất lượng bài thi còn thấp, kiến thức còn nghèo nàn.
Cô giáo nhiệt tình, học sinh khao khát là điều kiện tốt để bồi đắp kiến thức và tình yêu biển đảo. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cần có chương trình bổ sung, chỉnh lý lại các tài liệu, bản đồ để có sự thống nhất chung trong toàn cấp học cũng như toàn ngành GD&ĐT. Vì ngay trang bìa của cuốn sách Địa lý lớp 9 (Nhà XBGD năm 2009) có in bản đồ Việt Nam song không nhìn thấy 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vì bị các hình minh họa khác in chồng lên.
Nhà giáo ưu tú Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng với vai trò là “lớp học mở”, là “cửa ngõ của tri thức”, nếu thư viện nhà trường biết khai thác tốt nguồn kiến thức, phối hợp tốt với giáo viên bộ môn, việc giáo dục học sinh nói chung và cung cấp kiến thức để hình thành ý thức về chủ quyền quốc gia nói chung và biển đảo nói riêng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là đối với cấp THCS- cấp học mà học sinh đang trong giai đoạn hình thành nhân cách. Tuyên truyền về biển đảo không chỉ mang tính thời sự trước mắt mà là vấn đề lâu dài, không chỉ thế hệ hôm nay mà là muôn đời sau. Hình thành từ cấp học dưới, lên cấp THPT, ý thức đó sẽ biến hành những hành động cụ thể của từng công dân trong việc bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền trên đất liền, bầu trời, cũng như vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ý kiến ()