“Tự soi, tự sửa” để tăng sức mạnh của Đảng
–“Tự soi, tự sửa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) đã, đang được triển khai với yêu cầu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tự soi rọi, nghiêm khắc, nhận khuyết điểm để tìm cách khắc phục. Qua “tự soi, tự sửa”, tạo bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Các cá nhân được tôn vinh vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Nhằm tiếp tục giúp cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 44-KH/TU ngày 15/1/2022 về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 1/12/2021 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Nghiêm túc triển khai thực hiện
Bám sát các chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, các cấp ủy căn cứ tình hình thực tế, đặc điểm của cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Nổi bật trong đó là tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” thông qua hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị…
Cụ thể, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa”; chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch, chủ động tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng năm 2022 với chủ đề “tự soi, tự sửa” gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên cơ sở đó, các đơn vị đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị bằng nhiều hình thức, như Thành ủy Lạng Sơn chỉ đạo tổ chức sinh hoạt điểm và triển khai đến 100% tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Qua đây, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ý nghĩa trong toàn Đảng bộ tỉnh, tạo sự lan tỏa đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Lý, đảng viên Chi bộ Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua đợt sinh hoạt chính trị, bản thân tôi đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, luôn luôn tự soi, thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, đồng thời, nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình. Ngay sau đợt sinh hoạt chính trị, tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, từng bước khắc phục hạn chế chỉ ra…
Cùng với thành phố, 100% huyện ủy, đảng ủy trực thuộc đã nghiêm túc tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị. Trong đó một số đơn vị đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình, đặc điểm, như Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các chi, đảng bộ trực thuộc tổ chức 2 đợt sinh hoạt chính trị với chuyên đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “Trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, khát vọng cống hiến xây dựng cơ quan vững mạnh và chi bộ trong sạch, vững mạnh”; Đảng ủy Công an tỉnh tổ chức diễn đàn “Học gương tự tu, gặp người tự sửa, rèn mình tự soi”… Kết quả, toàn tỉnh tổ chức được trên 3.200 cuộc, cho trên 78.000 lượt người dự sinh hoạt chính trị với chủ đề “tự soi, tự sửa”.
Quá trình triển khai, các cấp ủy thực hiện nghiêm việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên. Hằng năm, BTV Tỉnh ủy đều ban hành hướng dẫn về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo đó, các tổ chức đảng đã cụ thể hóa hướng dẫn bằng các văn bản, kế hoạch… để áp dụng thực hiện.
Ông Trịnh Tiến Duy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình được BTV Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Nội dung kiểm điểm về tư tưởng chính trị; phẩm chất, đạo đức lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ; ý thức tổ chức, kỷ luật được chú trọng… Đồng thời, gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) khóa XI, XII và Kết luận số 21 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhờ kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp ủy đảng nên việc kiểm điểm, đánh giá chất lượng tập thể, cá nhân được thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ xếp loại ở các đơn vị cơ bản đảm bảo đúng quy định. Kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên năm 2021, 2022 đều đạt từ 95% trở lên. Năm 2023, dự kiến tỷ lệ tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên cũng đạt từ 95% trở lên.
Đối với công tác đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hằng năm, các cấp ủy còn quan tâm đến việc gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý. Dựa trên những đánh giá khách quan về quá trình thực thi nhiệm vụ, cấp ủy các cấp đã tiến hành gợi ý kiểm điểm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, biểu hiện lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc được cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm… Từ năm 2021 đến nay, BTV Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 26 tập thể, cá nhân; cấp ủy các cấp cũng tùy theo tình hình thực tế để tiến hành gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền…
Bà Nguyễn Thị Minh Hải, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Văn Lãng cho biết: Việc gợi ý kiểm điểm được BTV Huyện ủy chỉ đạo sát sao, nội dung cụ thể, chi tiết. Đó là những vấn đề nổi cộm, nhiệm vụ thực hiện chưa rõ nét, chưa giải quyết dứt điểm. Đơn cử như BTV Huyện ủy đã gợi ý Đảng ủy xã Hội Hoan kiểm điểm trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Đảng ủy xã Thụy Hùng được gợi ý kiểm điểm liên quan đến việc triển khai các nghị quyết về vay vốn sản xuất nông nghiệp còn chậm trễ, chưa hiệu quả… Qua theo dõi, các đơn vị được gợi ý kiểm điểm đều thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm và kịp thời đưa ra kế hoạch khắc phục hạn chế.
Từ việc thẳng thắn, nghiêm túc “tự soi, tự sửa” đã giúp các cấp ủy khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, công tác chính quyền ở địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên hiện nay.
Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Di tích lịch sử đình Háng Pài
“Tự soi, tự sửa” là việc làm thường xuyên
“Tự soi, tự sửa” chính là thường xuyên tự phê bình, tự điều chỉnh mình, thời gian qua công tác “tự soi, tự sửa” đã và đang được thực hiện nghiêm túc với yêu cầu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tự soi rọi, nhận rõ khuyết điểm để tìm cách khắc phục. Qua tìm hiểu cho thấy, sau các đợt sinh hoạt chính trị, kiểm điểm tự phê bình và phê bình… 100% tập thể cấp ủy các cấp, cá nhân cán bộ, đảng viên toàn tỉnh đều đã rà soát, xem xét lại những hạn chế, khuyết điểm, từ đó xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế được chỉ ra.
Với quan điểm “tự soi, tự sửa” phải là việc làm thường xuyên; “tự soi” là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là “tự sửa”, sau đợt sinh hoạt chính trị cao điểm, các chi bộ, đảng bộ trong tỉnh tiếp tục duy trì việc “tự soi, tự sửa” trong sinh hoạt thường kỳ, qua đó kịp thời nhận diện, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm. Cùng với việc thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; chú trọng đưa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện NQTW4 gắn với kiểm tra thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy, coi trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề, quan tâm kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm hằng năm đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh.
Tính riêng năm 2023, cấp ủy các cấp kiểm tra 532 tổ chức đảng và 1.242 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 12 tổ chức đảng, 61 đảng viên; giám sát chuyên đề 448 tổ chức đảng và 1.244 đảng viên. Theo đó, cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ đã thi hành kỷ luật đối với 12 tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách; thi hành kỷ luật 223 đảng viên, trong đó khiển trách 176, cách chức tất cả chức vụ trong Đảng 7, cảnh cáo 27 và khai trừ 13 đảng viên.
Song song với việc ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Tỉnh ủy đã kịp thời rà soát, bổ sung, ban hành các quy định nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đồng thời tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách, tài sản nhà nước, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm. Năm 2023, tỷ lệ án truy tố đúng thời hạn và đúng tội danh đạt 100%; tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận trong lĩnh vực hình sự, dân sự đạt 95%; tổng số án phải giải quyết là 3.488 vụ, việc các loại, đã giải quyết 3.461 vụ, việc (đạt tỷ lệ 99,2%)… Những kết quả đạt được thời gian qua tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh ở địa phương và xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh.
Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các tổ chức cơ sở đảng và sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp Nhân dân là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh thực hiện có hiệu quả NQTW4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từng bước làm chuyển biến tích cực, thực chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
XUÂN HƯƠNG - THANH MAI
Ý kiến ()