Từ SEA Games 32 đến ASIAD 19
Thể thao Việt Nam đại thắng ở SEA Games 32 và xếp thứ nhất toàn đoàn. Niềm vui chiến thắng vẫn dâng trào trong từng thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam tranh tài tại Campuchia, nhưng chúng ta ngay lập tức đã phải bước vào hành trình mới để tranh tài tại ASIAD 19 sẽ diễn ra sau đây chỉ chưa đầy 4 tháng.
Nguyễn Thị Huyền ăn mừng vô địch nội dung chạy 400m rào nữ SEA Games 32. (Ảnh: Dương Thuật) |
Tại SEA Games 32 vừa bế mạc hôm 17/5 ở Campuchia, qua 584 nội dung của 37 môn và phân môn thi đấu chính thức, Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 136 Huy chương vàng, 105 Huy chương bạc, và 114 Huy chương đồng, xếp thứ nhất toàn đoàn.
Xét riêng nhóm môn thi đấu Olympic, thể thao Việt Nam đã có Huy chương vàng ở 16 môn: điền kinh (12 Huy chương vàng); bơi (7 Huy chương vàng); bóng rổ (1 Huy chương vàng); thể dục dụng cụ (4 Huy chương vàng); nhảy breaking (1 Huy chương vàng); golf (1 Huy chương vàng); cử tạ (4 Huy chương Vàng); judo (7 Huy chương Vàng); vật (13 Huy chương vàng); đấu kiếm (4 Huy chương vàng); bóng đá nữ (1 Huy chương vàng); taekwondo (4 Huy chương vàng); xe đạp (1 Huy chương vàng); boxing (2 Huy chương vàng); bóng bàn (1 Huy chương vàng); triathlon (1 Huy chương vàng). Tính sơ bộ như thế để thấy nhóm môn này đã có sự thành công đáng kể của thể thao Việt Nam nói chung.
Phó Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 – ông Hoàng Quốc Vinh cho rằng, đây là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử khi thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Chúng ta hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường sang Campuchia. Thành tích là nỗ lực chung của vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam.
Đây là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử khi thể thao Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Chúng ta hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường sang Campuchia. Thành tích là nỗ lực chung của vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam.
Ông Hoàng Quốc Vinh, Phó Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32
Nhìn vào thực tế thi đấu, một số gương mặt trọng điểm của thể thao Việt Nam đã giành Huy chương vàng tại SEA Games 32 và họ cũng là những người được kỳ vọng nỗ lực đạt thành tích tốt hơn nữa từ nay tới cuối năm nhằm tranh những suất Olympic để tới Pháp thi đấu mùa hè năm sau.
Tất nhiên, đấu trường SEA Games chưa hẳn đã là thước đo chuẩn mực nhất về chuyên môn. Dù thế, lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam đã đưa phân tích với quan điểm thành công về số lượng, chất lượng của các tấm huy chương tại SEA Games 32 phần nào phản ánh chúng ta có lực lượng tương đối dày và toàn diện ở các nhóm môn Olympic, Asian Games và SEA Games nhằm chuẩn bị cho các mục tiêu thi đấu cao hơn nữa.
SEA Games 31 và SEA Games 32 cách nhau chỉ một năm vì lý do khách quan (ảnh hưởng của đại dịch Covid-19). Năm ngoái, khép lại SEA Games 31 với tư cách nước chủ nhà, Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn với 446 huy chương (205 Huy chương vàng, 125 Huy chương bạc, 116 Huy chương đồng); còn tại SEA Games 32 lần này, chúng ta giành 355 huy chương (136 Huy chương vàng, 105 Huy chương bạc, 114 Huy chương đồng) và cũng xếp thứ nhất toàn đoàn.
Tính sơ bộ chỉ hơn một năm, thể thao Việt Nam đã giành được 341 Huy chương vàng. Đó là thành tích đáng trân trọng từ những nỗ lực của các vận động viên, huấn luyện viên thể thao Việt Nam.
Năm ngoái tại SEA Games 31 trên sân nhà, chúng ta đăng ký 965 vận động viên tranh tài còn tại SEA Games 32 lần này, số vận động viên góp mặt là 702 người. Rõ ràng lực lượng vận động viên của thể thao Việt Nam đã và đang có sự ổn định.
Thế nhưng từ 341 tấm Huy chương vàng ấy, chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào thực tế để đánh giá đúng những kết quả nào sẽ đủ sức bật hẳn lên để chạm tay vào Huy chương vàng tại ASIAD 19-2022, đấu trường sẽ chính thức tranh tài sau đây chưa đầy 4 tháng.
Nhìn vào thực tế, thể thao Việt Nam dự đấu trường ASIAD có thể giành được từ 20 đến 30 tấm Huy chương bạc hoặc cũng con số ấy Huy chương đồng. Thế nhưng chuyển từ mầu bạc sang mầu vàng là rất khó.
Phó Tổng Cục trưởng Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn
“Trong năm 2023 chúng ta đồng thời chuẩn bị cho vận động viên song song ở cả ba mục tiêu quan trọng trong năm lần lượt là SEA Games 32, ASIAD 19 và vòng loại Olympic Paris 2024. Chính vì vậy thể thao Việt Nam không bị động về thời gian và con người cho từng mục tiêu. Những môn, nội dung không tham dự SEA Games các vận động viên vẫn duy trì tập luyện theo giáo án đề ra cho mục tiêu trước mắt. Nhìn vào thực tế, thể thao Việt Nam dự đấu trường ASIAD có thể giành được từ 20 đến 30 tấm Huy chương bạc hoặc cũng con số ấy Huy chương đồng. Thế nhưng chuyển từ mầu bạc sang mầu vàng là rất khó. ASIAD là đấu trường của châu Á, các tuyển thủ mạnh nhất châu lục đều tham dự ở đây” – Phó Tổng Cục trưởng Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn chia sẻ.
5 năm trước tại ASIAD 18-2018, thể thao Thái Lan giành được 11 Huy chương vàng còn thể thao Malaysia có 7 Huy chương vàng và cùng xếp trên Việt Nam. Khi đó, chúng ta chỉ giành được 5 Huy chương vàng.
Tại những kỳ SEA Games gần đây, chúng ta luôn vượt Thái Lan và Malaysia về tổng sắp huy chương nhưng trên các đấu trường của châu lục, thể thao Việt Nam vẫn chưa có được kết quả thành tích Huy chương vàng như bạn.
So với các môn Olympic, các môn nằm ngoài Olympic giành được 67 Huy chương vàng, 57 Huy chương bạc, 71 Huy chương đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc các môn Olympic đã mang về số lượng Huy chương vàng nhiều hơn. Tuy nhiên điều quan trọng với thể thao Việt Nam là nếu muốn có thành tích cao và ổn định tại những đại hội thể thao lớn như ASIAD hay Olympic thì cần có đầu tư trọng điểm.
Nếu đầu tư dàn trải để có vị trí cao tại SEA Games với nhiều Huy chương vàng ở các môn thể thao ngoài Olympic thì các môn Olympic sẽ bị ảnh hưởng. Việc giành được 69 Huy chương vàng là thành công mang tính chất “một mũi tên, trúng hai đích” của thể thao Việt Nam. Các môn Olympic có đóng góp lớn, giúp thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu 120 Huy chương vàng, lần đầu tiên giành ngôi nhất toàn đoàn mà không mang tư cách nước chủ nhà.
Ấn tượng mang tính chất lịch sử ấy cho thấy thể thao Việt Nam đang được đầu tư đúng hướng, xen kẽ giữa các môn một cách hợp lý. Điền kinh dù giành 12 Huy chương vàng, không đạt chỉ tiêu đặt ra nhưng đó là điều có thể hiểu được khi chúng ta thiếu vắng nhiều vận động viên trụ cột vì các lý do khác nhau.
Nếu SEA Games 32 có môn bắn súng và nhiều nội dung đối kháng ở một số môn không bị gạch tên, các môn Olympic có thể còn giành nhiều Huy chương vàng hơn nữa. Việc Judo đăng ký chỉ tiêu 4 Huy chương vàng nhưng giành được gấp đôi (8 Huy chương vàng); vật giành tới 13 Huy chương vàng là rất đáng khen ngợi.
Bơi giành 7 Huy chương vàng cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của các vận động viên. Thậm chí, nếu Huy Hoàng không phải thi đấu 2 nội dung với quãng thời gian nghỉ quá ngắn thì chúng ta có thể giành thêm 1 Huy chương vàng. Nhưng 2 kỷ lục SEA Games bơi của Phạm Thanh Bảo cũng là thành tích đáng trân trọng.
Đặc biệt, cử tạ có 4 kỷ lục và riêng đô cử Nguyễn Quốc Toàn đã phá tới 3 kỷ lục ở hạng 89kg nam là rất tuyệt vời. Từ thành tích này, Nguyễn Quốc Toàn cần được bồi dưỡng để có thể cạnh tranh thứ hạng cao ở ASIAD sắp tới.
Nguyễn Thị Oanh với 4 Huy chương vàng điền kinh cũng là cái tên cần được chăm chút. Oanh có năng lực chuyên môn tốt và ý chí thi đấu rất cao nên hứa hẹn có thể ganh đua tại ASIAD dù để giành huy chương là điều không đơn giản.
Nhìn rộng hơn, thể thao Việt Nam cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa vào các môn Olympic. Các vận động viên thi đấu tốt tại SEA Games 32 cho thấy họ là những nhân tài thể thao thật sự và cần có thêm bước đà để thể thao Việt Nam “tiến công” mạnh mẽ vào ASIAD, Olympic trong tương lai”.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()