Tủ sách pháp luật cấp xã: Cần đổi mới để phát huy hiệu quả
– Tủ sách pháp luật (TSPL) là công cụ để tra cứu tài liệu và tuyên truyền pháp luật. Nhưng thực tế hiện nay, TSPL tại cấp xã không phát huy được hết tác dụng, thậm chí bị “bỏ quên”.
Thiếu vắng người đọc
Để phủ bụi, thiếu vắng người đọc là thực trạng tại đa phần TSPL cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay. Chị Lương Thị Xuân, công chức văn hóa – xã hội, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: UBND xã đã trang bị tủ sách đặt tại bộ phận “một cửa”, ngay gần cửa ra vào giúp người dân tiện tra cứu. Hiện nay, TSPL của xã Mai Pha có hơn 360 cuốn sách. Hằng năm, tủ sách của xã vẫn được cập nhật đầu sách mới, nhưng trung bình chỉ có từ 20 đến 30 lượt người đọc, chủ yếu là cán bộ cơ sở, cán bộ UBND xã, người dân rất hiếm. Nhiều quyển sách còn rất mới, thậm chí chưa có người đọc.
Người dân tìm hiểu pháp luật tại TSPL thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia
Cũng như xã Mai Pha, TSPL, tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng hằng năm cũng chỉ có từ 10 đến 20 lượt người mượn đọc. Chị Trần Thu Huệ, công chức tư pháp – hộ tịch thị trấn Na Sầm cho biết: Hằng ngày, thị trấn tiếp đón 20 – 30 lượt công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính, nhưng hiếm có công dân đọc hay mượn sách tại TSPL. Đến cả cán bộ bây giờ đa phần đều có điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng nên việc tìm mượn sách pháp luật để tra cứu thông tin cũng rất hạn chế.
Không chỉ 2 xã trên, hiện nay, tại 100% xã, phường, thị trấn đều có TSPL đặt tại trụ sở UBND cấp xã, nhưng đều trong tình trạng vắng người đọc. Trung bình mỗi TSPL có trên 100 đầu sách pháp luật các loại, đảm bảo đúng 4 bộ phận sách theo quy định gồm: văn bản quy phạm pháp luật; sách pháp luật phổ thông; báo chí pháp luật của Trung ương và địa phương; sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, công tác tư pháp cơ sở… Đồng thời, niêm yết nội quy hoạt động của TSPL tại khu vực TSPL. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị đều cập nhật các đầu sách, tài liệu pháp luật, khoảng 15 đến 20 đầu sách/năm.
Trái với sự phong phú và số lượng của TSPL, lượt người mượn trên thực tế là không nhiều. Khảo sát lượt người mượn sách tại TSPL của một số xã, phường cho thấy, số lượt người mượn sách trong 1 năm tại TSPL chỉ dao động khoảng từ 10 đến 20 lượt người. Đối tượng mượn đọc chủ yếu là cán bộ, công chức, các chức danh ở thôn, bản, khối phố. Người dân ít có thói quen tìm đến tủ sách để tìm hiểu kiến thức pháp luật, chỉ khi có vướng mắc, hay liên quan trực tiếp đến bản thân và gia đình mới có nhu cầu mượn sách pháp luật để đọc.
Chị Hoàng Thị Linh, thôn Đoàn Kết, xã An Sơn, huyện Văn Quan cho biết: Tôi có biết đến TSPL ở xã nhưng từ trước đến nay, tôi cũng chưa mượn đọc bao giờ. Cần thông tin gì tôi có thể lên mạng tìm kiếm, vừa nhanh vừa tiện, ngồi tra sách rất mất thời gian.
Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, công dân tìm hiểu pháp luật thông qua nhiều hình thức như trang thông tin điện tử, các trung tâm tư vấn pháp luật, hệ thống luật sư. Cùng đó là việc thiếu kỹ năng tra cứu thông tin pháp luật, nhận thức chưa sâu sắc về ý nghĩa của TSPL, hạn chế trong quản lý xây dựng TSPL… dẫn đến TSPL không phát huy hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Trường, khối 10, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc bày tỏ: Tôi thường đến UBND thị trấn để giải quyết công việc hành chính, thỉnh thoảng tôi có đọc sách ở TSPL. Tuy nhiên, tôi thấy đầu sách được trang bị ở đây chưa phong phú, thậm chí có những cuốn đã lỗi thời, có những văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực nhưng vẫn chưa được thay mới nên việc tiếp nhận kiến thức pháp luật của người dân chúng tôi còn bị hạn chế. Thời gian tới, tôi rất mong các cơ quan chức năng của thị trấn Cao Lộc có giải pháp để nâng cao chất lượng tủ sách, tạo hấp dẫn hơn cho người đọc.
Cần giải pháp thiết thực
Có thể thấy, việc duy trì và xây dựng TSPL tại cấp xã vẫn hết sức cần thiết để cho cán bộ, công chức, Nhân dân tra cứu, áp dụng chính xác quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là giải quyết công việc của công dân có liên quan đến chính sách pháp luật qua các thời kỳ hoặc tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, xa, biên giới, thiếu thốn về cơ sở vật chất, mạng Internet yếu không dễ dàng tìm kiếm thông tin pháp luật.
Trước thực trạng hoạt động chưa hiệu quả của TSPL cấp xã, các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền cần quan tâm triển khai các giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương. Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Để phù hợp với xu thế của thời đại, hiện nay, chúng tôi tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật. Bên cạnh đó, UBND cấp xã cần quan tâm đầu tư, bố trí phòng đọc cho TSPL, thống nhất đầu mối cán bộ phụ trách TSPL, nghiên cứu bố trí kinh phí cho đội ngũ cán bộ quản lý TSPL để phát huy tinh thần trách nhiệm, vì 100% đều là cán bộ kiêm nhiệm. Ngoài ra, UBND cấp xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa TSPL bằng nhiều hình thức đa dạng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp phương án xây dựng TSPL điện tử.
Có thể nói, để phát huy hiệu quả TSPL, vấn đề quan trọng vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về TSPL, cũng như văn hóa đọc sách, nhân rộng các mô hình TSPL điện tử, sáng tạo trong quản lý và khai thác TSPL tại cơ quan, đơn vị để phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn… Qua đó, thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
“Để TSPL ở cấp xã phát huy hiệu quả, theo tôi, UBND cấp xã cần tăng cường khảo sát, đánh giá nhu cầu của Nhân dân, chọn địa điểm bố trí tủ sách phù hợp thân thiện với người đọc. Đồng thời, chú trọng bổ sung các sách, tài liệu mới có nội dung thiết thực, liên quan trực tiếp đến thực thi công vụ của cán bộ, công chức và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, Nhân dân; cần biên soạn thư mục tóm tắt theo chuyên đề, thông báo những văn bản đã hết hiệu lực để thuận tiện cho việc tra cứu của Nhân dân. Bên cạnh đó, cần cập nhật thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư nhiều hơn sách hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, giải đáp pháp luật. Đặc biệt, ngoài việc duy trì tủ sách truyền thống cần xây dựng TSPL điện tử phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và tâm lý người đọc hiện nay như : xây dựng trang Web, Fanpage về phổ biến, giáo dục pháp luật…”. Bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh |
Ý kiến ()