Tự quản đường biên, mốc giới: Ghi nhận mô hình điểm ở xã Thanh Lòa
(LSO) – Mô hình điểm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh về công tác “Đối ngoại nhân dân, gắn với phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc” tại xã Thanh Lòa (Cao Lộc) được duy trì từ năm 2012 đến nay. Qua đó đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhân dân, với nhiều hoạt động thiết thực, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Ông Hứa Văn Đại, Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Căn cứ tình hình địa bàn, trình độ nhận thức của nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chọn xã Thanh Lòa làm điểm chỉ đạo thực hiện mô hình kể trên. Mô hình tập trung vào một số hoạt động chính: tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; vận động các gia đình tham gia nhận tự quản đoạn đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Cán bộ, nhân dân tham gia phát quang đường biên tại thôn Bản Lòa, xã Thanh Lòa
Để thực hiện hiệu quả, từ năm 2012 đến nay, MTTQ các cấp phối hợp tổ chức được 12 lớp tập huấn; tuyên truyền pháp luật được 32 cuộc, thu hút hơn 2.000 lượt người tham dự. Công tác tuyên truyền, tập huấn tập trung vào nhiều nội dung như: các văn kiện pháp lý về biên giới, nghị định thư về phân giới cắm mốc trên đất liền; các quy định về xuất nhập cảnh, công tác phòng chống ma túy; tự quản đường biên, cột mốc… Qua đây đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bà con đối với nhiệm vụ chung.
Ông Lý Văn Hoóng, thôn Co Khuất, xã Thanh Loà chia sẻ: Tham gia thực hiện mô hình, tôi đăng ký tự quản 70 m đường biên. Tôi thấy đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của một công dân. Hằng ngày, trong quá trình lao động, sản xuất, khi thấy những thay đổi, dấu hiệu không bình thường trên đường biên, tôi đều báo cho bộ đội biên phòng và chính quyền cơ sở biết để kịp thời xử lý. Cùng đó, tôi tích cực tham gia cùng các lực lượng phát quang đường biên qua khu vực thôn.
Xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc có 6 thôn bản, với 361 hộ, gần 1.700 nhân khẩu. Trong đó có 4 thôn biên giới, chiều dài đường biên gần 14 km, có 23 cột mốc (19 mốc chính và 4 mốc phụ). Đến nay, toàn xã có 70 hộ nhận tự quản hơn 8 km đường biên (khoảng 5 km còn lại do chưa rà phá vật cản nên chưa giao cho nhân dân tự quản). Trong 3 năm trở lại đây, có gần 300 lượt nhân dân và cán bộ ở các thôn bản tham gia cùng lực lượng chức năng tuần tra, phát quang đường biên, mốc giới. Nhiều năm nay, trên địa bàn không để xảy ra vụ việc nào liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia.
Ông Vi Văn Điện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Lòa cho biết: Không chỉ tập trung vận động nhân dân tham gia các hoạt động trên, quá trình thực hiện mô hình, cơ sở còn tuyên truyền những vấn đề cụ thể như: nhắc nhở bà con thực hiện xuất cảnh giao lưu, thăm thân hoặc đi lao động hợp pháp, chấp hành các quy định của nước bạn, không được có hành động sai trái hoặc phát ngôn thiếu cẩn trọng…
Nhờ vậy, thời gian gần đây, tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đã giảm đáng kể, an ninh trật tự được đảm bảo. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã không xảy ra phạm pháp hình sự và trộm cắp tài sản. Nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá án, trong đó: bắt 3 vụ, 3 đối tượng phạm tội về ma túy; 1 vụ, 2 đối tượng vận chuyển pháo trái phép; 1 vụ cố ý gây thương tích.
Trên cơ sở hiệu quả mang lại từ mô hình điểm ở xã Thanh Lòa, dự kiến trong tháng 9/2019, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chọn và nhân rộng mô hình ở xã Xuất Lễ hoặc xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc.
Ý kiến ()