Từ ổn định kinh tế vĩ mô đến khôi phục niềm tin thị trường
Có lẽ, chưa bao giờ các cuộc thảo luận, tranh luận về thực trạng kinh tế của đất nước lại sôi nổi, đa dạng và đa chiều như hiện nay. Ðánh giá chung sau bốn năm ổn định và tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta đã đạt được một số thành tựu, nhưng cũng còn đầy thách thức. Các kết quả đạt được là đáng khích lệ, nhưng còn thấp so với kỳ vọng và mong muốn.
Ổn định kinh tế vĩ mô
Thành tựu rõ ràng nhất và cho đến nay đã được duy trì khá bền vững đó là ổn định kinh tế vĩ mô. Kể từ tháng 8-2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm và đến tháng 4-2012 thì bắt đầu đạt mức lạm phát thông thường, trong chín tháng qua, chỉ số CPI chỉ tăng khoảng 2,5% so với cuối năm 2013. Ðạt được thành tựu nói trên phần lớn là nhờ sự kiên định của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho quá trình tái cơ cấu. Lạm phát thấp, tạo điều kiện cho ổn định tiền tệ. Tỷ giá hối đoái đã thay đổi không đáng kể từ tháng 2-2011 đến nay. Sự ổn định của tỷ giá là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với những nước đang phát triển phụ thuộc lớn vào nhập khẩu và nguồn vốn nước ngoài như Việt Nam. Cán cân thương mại và dịch vụ liên tục được cải thiện. Năm 2010, cán cân thương mại thâm hụt chiếm 8,21% GDP; đến năm 2011 mức thâm hụt giảm xuống 4,13% GDP và bắt đầu có thặng dư vào năm 2012 với mức 3,5% GDP và tăng lên 4,09% GDP vào năm 2013. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam đã bắt đầu phục hồi lại năng lực cạnh tranh. Tốc độ tăng xuất khẩu của các DN nội địa năm 2012 là -1,1%, vào năm 2013 tăng lên 3% và chín tháng năm 2014 đã tăng được 15,2% so với cùng kỳ.
Lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm xuống từ khoảng 25% vào giữa năm 2011 còn khoảng 9% vào thời điểm hiện nay. Các ngân hàng thương mại từ tình trạng thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng, chuyển sang tình trạng thặng dư thanh khoản. Tuy nhiên chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vẫn còn cao.
Chỉ số VNINDEX giảm mạnh và liên tục trong năm 2011 từ 525 điểm vào tháng 1-2011 xuống còn 335 điểm vào đầu tháng 1-2012. Trong cả năm 2012, xu hướng giảm đã được ngăn chặn nhưng thị trường không cho thấy xu hướng tăng điểm rõ rệt. Bắt đầu từ năm 2013 thị trường thể hiện xu hướng tăng lên vững chắc. Cùng với sự lên giá của VNINDEX, thì khối lượng giao dịch cũng tăng lên mạnh mẽ. Sự phục hồi vững vàng của thị trường chứng khoán là một chỉ dấu quan trọng cho thấy niềm tin của giới đầu tư đã quay trở lại.
Cán cân thương mại và dịch vụ cải thiện, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp đã khuyến khích người dân chuyển từ nắm giữ ngoại tệ sang nắm giữ VNÐ. Dự trữ ngoại hối nhờ đó đã tăng lên nhanh chóng, đến nay dự trữ ngoại hối đạt hơn 35 tỷ USD, cao hơn bốn lần vào đầu năm 2011. Dự trữ ngoại hối cao làm tăng khả năng can thiệp vào thị trường của NHNN, rủi ro quốc gia giảm, chi phí vay nợ trên thị trường quốc tế giảm.
Tổng vốn đầu tư xã hội và của từng thành phần kinh tế đã tăng trưởng trở lại. Niềm tin của giới đầu tư đang dần phục hồi. Từ tháng 9-2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng mức tín nhiệm đối với Việt Nam từ B2 lên B1 và đánh giá triển vọng ổn định. Trong phạm vi khảo sát nhỏ hơn của Ngân hàng HSBC đối với 400 DN kinh doanh trong lĩnh vực chế biến, chế tạo cho thấy, từ tháng 9-2013, chỉ số mua hàng của nhà quản trị PMI đã tăng hơn 50 và duy trì mức trên 50 cho đến nay, phục hồi khá mạnh mẽ vào tháng 9-2014.
Tốc độ tăng trưởng theo quý từ quý I-2011 đã nằm dưới sản lượng tiềm năng và tình trạng này kéo dài cho đến quý III-2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu vượt qua mức tiềm năng và có xu hướng tạo lập xu thế tăng trưởng mới. Ðặc biệt, tăng trưởng quý III-2014 đã vượt lên hơn 1 điểm phần trăm so với quý II. Nếu tốc độ tăng trưởng của quý IV-2014 tiếp tục tăng trên 6,2 % như kỳ vọng thì đường tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ thể hiện xu hướng tăng lên rõ ràng hơn. Các tổ chức quốc tế đều dự báo xu hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng dần từ nay đến năm 2016. Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2014-2016 mỗi năm sẽ tăng thêm 0,1 điểm phần trăm. Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng có những dự báo tương tự nhưng dự báo của ADB lạc quan hơn hai tổ chức quốc tế là WB và IMF. Mặc dù dự báo sự cải thiện trong tốc độ tăng trưởng nhưng các dự báo này đều rất khiêm tốn, nó thể hiện sự thận trọng của các tổ chức này trước các thách thức mà Việt Nam phải vượt qua trong thời kỳ tới.
Củng cố niềm tin
Tăng trưởng kinh tế bắt đầu phục hồi, năm sau cao hơn năm trước, cán cân thương mại chuyển sang từ thâm hụt triền miên sang thặng dư, lạm phát được khống chế, dự trữ ngoại hối tăng gần bốn lần, lãi suất giảm mạnh, tỷ giá hối đoái ổn định, rủi ro của nền kinh tế giảm. Có thể nói, kết quả lớn nhất mà chúng ta đạt được chính là niềm tin của thị trường.
Sự kiên định của Chính phủ trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và chuyển đổi cơ cấu đã được thị trường và người dân ghi nhận. Bên cạnh đó, hàng loạt đổi mới thể chế trong nước đang thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường ở nước ta. Nhờ đó, quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN đã được bảo đảm một cách chắc chắn; giảm rủi ro, giảm chi phí tuân thủ, tăng mức độ an toàn pháp lý; mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của người kinh doanh; những méo mó và sai lệch của thị trường đang dần được khắc phục; các loại thị trường được hoàn thiện hơn, hoạt động tốt hơn, cạnh tranh hơn, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất, để thị trường đóng vai trò ngày càng quyết định trong phân bố và phân bố lại nguồn lực. Tất cả các điều nói trên thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào mở rộng tiền tệ dễ dãi để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để hướng đến một mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững. Những cải cách nói trên sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là DN trong nước, tận dụng được các cơ hội kinh doanh mà các hiệp định thương mại tự do đã và đang chuẩn bị ký kết mang lại. Ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và các hiệp định thương mại tự do là những yếu tố giúp phục hồi và củng cố niềm tin của thị trường. Nhiều hãng kinh doanh, nhà đầu tư, các tổ chức nghiên cứu thị trường đã cho thấy, những tín hiệu của dòng đầu tư chuyển hướng vào Việt Nam. Thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trong thời gian gần đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhận định của nhà đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam đang tốt lên.
Niềm tin của thị trường là cái rất khó xây dựng nhưng lại rất dễ mất đi. Công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế cần phải bắt đầu bằng duy trì niềm tin và sự đồng thuận của toàn xã hội. Các vấn đề tái cơ cấu không chỉ giới hạn trong phạm vi từng vấn đề riêng rẽ mà có mối quan hệ liên ngành. Giai đoạn tái cơ cấu hiện nay đòi hỏi phải có những thay đổi mạnh mẽ về mặt thể chế để giải quyết các nguồn gốc của mô hình kinh tế kiểu cũ. Ðiều này càng cần phải có sự đồng thuận sâu sắc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng (chỉ số Nielsen) quý III-2014 của Việt Nam đạt 102, tăng 4 điểm so với quý II. Ðây là lần đầu tiên kể từ quý IV-2010, chỉ số này đạt trên 100. Chỉ số Nielsen trên 100 hàm ý người tiêu dùng đang lạc quan hơn hoàn cảnh hiện tại lẫn triển vọng tương lai. |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()