Từ nỗ lực đến thành công
LSO-Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn được phê duyệt trong điều kiện kinh tế cả nước đang cực kỳ khó khăn. Đó là suy thoái kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước, vì vậy các doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư. Thế nhưng, qua nỗ lực thu hút đầu tư đã có nhiều khởi sắc.
Hàng chờ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh |
QUYẾT TÂM LÀ KHÔNG ĐỢI CHỜ
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành các quyết định về Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 3/4/2009 về xây dựng khu kinh tế cửa khẩu. Trong nghị quyết có nội dung rất quan trọng là thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn. Cùng thời điểm ấy là hậu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế trong nước. Tâm lý chung của các nhà đầu tư là “nằm im, thở khẽ, chờ thời”. Thế nhưng, quyết tâm của tỉnh là không thể chờ mà phải chủ động đi tìm nhà đầu tư. Muốn nhà đầu tư đến chỉ có cách kêu gọi, tạo điều kiện cao nhất cho họ. Bên cạnh đó là xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, tạo cơ chế để thu hút. Tỉnh đã tổ chức hàng loạt các cuộc tiếp xúc, kêu gọi xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng các website quảng bá hình ảnh Lạng Sơn ra bên ngoài. Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trong khu kinh tế. Tính từ khi cụ thể hóa Nghị quyết, từ năm 2011, toàn tỉnh đã đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn trên phạm vi rộng 394 km2 với 38 dự án, tổng số vốn lên đến 4.558 tỷ đồng. Các công trình phục vụ thiết thực tại khu kinh tế như nhà làm việc, đường, đấu nối cùng mức với cửa khẩu nước bạn. Theo ông Trần Tiến Minh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn: “Toàn bộ các công trình đầu tư vào hạ tầng kinh tế cửa khẩu đã kích thích phát triển. Nó khiến cho các doanh nghiệp chọn Lạng Sơn làm điểm thông quan nhiều hơn. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao đã kéo theo các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đổ về khu kinh tế”.
Hiện nay đã có 2.040 doanh nghiệp chọn các cửa khẩu ở Lạng Sơn làm điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Toàn bộ điều đó đã tạo chất xúc tác thu hút đầu tư cho Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn. Ông Hoàng Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư nhận định: “Thu hút doanh nghiệp, xây dựng hạ tầng, cơ chế rõ ràng qua thu phí theo Quyết định 26, cải cách hành chính, khuyến khích xuất khẩu đã tạo tấm thảm đỏ cho các nhà đầu tư”.
HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Công ty xuất nhập khẩu Thực phẩm Sài Gòn khẳng định: “Chính sách, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Lạng Sơn ngày càng rõ ràng. Việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư cởi mở, cùng cộng đồng trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn đã trở thành điều kiện tốt cho quá trình đầu tư”. Hằng năm, tỉnh, các ban ngành trong tỉnh mở hàng chục cuộc tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp, qua đó nhiều vướng mắc được tháo gỡ nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư.
Tính từ khi tỉnh ban hành, cụ thể hóa Nghị quyết số 22 năm 2009 đến 2014, trong khu kinh tế cửa khẩu đã cấp được 57 dự án, tổng đầu tư trên 9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng từ 2011 đến nay, trong Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn đã cấp được 27 dự án với tổng vốn đầu tư gần 1.412 tỷ đồng, trong đó có một dự án đầu tư nước ngoài đầu tư tương đương 4,7 triệu USD. Đặc biệt, việc đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu chủ yếu từ các doanh nghiệp dân doanh. Qua đó năng lực sản xuất mới được tăng cường. Các doanh nghiệp đầu tư từ sản xuất đến thương mại, dịch vụ đều làm ăn có hiệu quả. Không những thế, nhiều doanh nghiệp dân doanh còn mở rộng phạm vi vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm ra các tỉnh, thành trong cả nước. Ông Vũ Đức Hạ, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ tâm sự: “Quá trình đầu tư luôn được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh theo đúng nghĩa “trải thảm đỏ” nên rất thuận cho doanh nghiệp. Những khó khăn đều được các cấp ngành nỗ lực giải quyết tạo sự đồng thuận cao, doanh nghiệp đã yên tâm đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn”. Ngay khi đầu tư vào khu kinh tế, các doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi đầu tư. Trong hơn 3 năm đã miễn giảm về thuế 22,370 tỷ đồng, riêng trong năm 2013 miễn giảm về thuế 12,458 tỷ đồng.
Mở đường ra cửa khẩu Bảo Lâm |
Cho đến thời điểm hiện nay, 27 dự án đầu tư của các doanh nghiệp đều phát triển rất thuận lợi. Điều đó đã khẳng định Nghị quyết 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là quyết định mang tính vạch đường. Quyết định đó bắt đầu bằng sự nỗ lực, vận dụng nội lực để đi đến thành công.
Năm 2013, số lao động qua đào tạo tại khu kinh tế Cửa khẩu khoảng 48.000 lao động. Năm 2014 là 53.000 lao động. |
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()