Từ nhận thức đến hành động
LSO-Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp năm 2017, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành đến từng cán bộ phải nhận thức rõ trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp, luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp bằng thực tâm, cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vướng mắc để phát triển”.
![]() |
Sản xuất ván gỗ tại Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Bắc Việt -Ảnh: BÙI DŨNG |
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường đối thoại, rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 5 hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo UBND tỉnh và các doanh nghiệp. Trong đó, có những chương trình làm việc chuyên đề như: gặp các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, kho hàng tại các cửa khẩu; gặp doanh nghiệp khai thác, kinh doanh đất, đá, khoáng sản.
Tại các buổi gặp mặt, để kịp thời giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập tổ tiếp nhận thông tin, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó có sự tham gia của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp. Liên minh Hợp tác xã và Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực làm đầu mối tiếp nhận thông tin, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, chuyển tới các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền. Hiện UBND tỉnh đang khẩn trương thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh kho hàng, bến bãi hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định của nhà nước.
Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Qua theo dõi của Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay không còn tình trạng doanh nghiệp hội viên kiến nghị những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính hoặc cán bộ công quyền có thái độ hạch sách. Các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ về vốn đầu tư, hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả. Hiện nay chỉ còn một số vấn đề khó khăn lớn không thể xử lý ngay được như: quỹ đất để mở rộng sản xuất; giải phóng mặt bằng cũng đang được tỉnh chỉ đạo các ngành quyết liệt vào cuộc để tìm kiếm giải pháp.
![]() |
Lắp ráp xe đạp điện tại Công ty TNHH Đào Khôi (thành phố Lạng Sơn) |
Về cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp, đến nay không chỉ trên văn bản mà đã được tỉnh chỉ đạo hiện thực hóa. Đơn cử như trong năm 2016, lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ 3 ngày xuống còn 1 ngày. Bà Phùng Thanh Nga, Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2016, sở đã triển khai hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Đồng thời phối hợp với các ngân hàng thương mại, các đơn vị dịch vụ hỗ trợ ký cam kết, thỏa thuận làm đầu mối tiếp nhận và chuyển nhu cầu đăng ký mở tài khoản, tạo chữ ký số điện tử, dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký doanh nghiệp tại nhà. Đến nay, dịch vụ cung cấp hành chính công trực tuyến đối với lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã đạt mức 4.
Những thay đổi trong nhận thức phục vụ doanh nghiệp đến các giải pháp cụ thể của tỉnh đã từng bước hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phát triển. Hiện tại, toàn tỉnh có 2.300 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó, có 2.276 doanh nghiệp trong nước, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016; 24 doanh nghiệp nước ngoài; 390 chi nhánh và 100 văn phòng đại diện. Cộng đồng doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho 40.000 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016 nộp ngân sách nhà nước 550 tỷ đồng.
Với sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ của các cấp chính quyền, hy vọng rằng doanh nghiệp Lạng Sơn sẽ không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
ANH DŨNG

Ý kiến ()