Tư nhân làm dịch vụ công, tăng minh bạch để hạn chế tiêu cực
Việc chuyển giao một phần dịch vụ công do Nhà nước quản lý sang khu vực tư nhân giúp chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tuy nhiên, vẫn phải kiểm soát hoạt động để đảm bảo luật chơi công bằng và chất lượng dịch vụ, thiếu minh bạch, tăng giá, độc quyền, “sân sau”…
Đây là ý kiến được nêu ra tại hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc xóa bỏ độc quyền của Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ công là xu hướng tự do dân chủ của nhiều nền kinh tế thế giới.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tại Việt Nam, Nhà nước và khối tư nhân đã có sự thu hẹp khoảng cách, nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế đã có sự tham gia của tư nhân. Điều này có được là nhờ khu vực tư nhân đã tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Nhưng hiện vẫn còn tình trạng, các cơ quan Nhà nước vừa làm chính sách vừa thực thi chính sách, theo một quy trình gần như khép kín dẫn tới tình trạng không minh bạch.
Nhiều dịch vụ chỉ mang tính chất đăng ký, thông báo, người dân và doanh nghiệp đơn thuần chỉ phải thông báo với cơ quan quản lý, nhưng thực tế làm việc lại thành cơ chế “xin-cho”. Điều này dẫn đến tình trạng một số cơ quan Nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi, không phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường, ông Lộc nhấn mạnh.
Việc tư nhân hóa các dịch vụ công sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Thứ nhất, tư nhân hóa dịch vụ công sẽ thoái được sức Nhà nước khỏi những dịch vụ không cần thiết như đầu tư, cấp giấy chứng nhận, xúc tiến thương mại…
Thứ hai, san bớt việc cho tư nhân sẽ làm giảm chi tiêu, tinh gọn bộ máy, tập trung vào phục vụ chức năng cốt lõi của Nhà nước là xây dựng thể chế.
Thứ ba, việc tư nhân hóa dịch vụ công còn giúp tránh sự chồng chéo, ngăn ngừa xung đột lợi ích, giảm tình trạng tham nhũng; không chỉ thu hút được nguồn lực tài chính mà còn thu hút được trí tuệ, kinh nghiệm của khối doanh nghiệp tư nhân.
Mặt lợi khác là giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường, mở rộng chức năng hoạt động, góp phần làm lớn mạnh khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng thẳng thắn nhận định, dù chuyển giao nhưng Nhà nước vẫn phải kiểm soát hoạt động để đảm bảo luật chơi công bằng và chất lượng dịch vụ. Một khi tư nhân tham gia vào dịch vụ công, nếu không kiểm soát tốt, sẽ đặt ra những vấn đề về hiện tượng tự tăng giá, độc quyền, “sân sau”…
Có cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) dẫn chứng về việc xuất hiện của người chơi tư nhân trong một số lĩnh vực giúp tăng cạnh tranh.
Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh trần nợ công tăng cao và các nguồn vốn vay ưu đãi đã hết, thì việc huy động tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT đã góp phần cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng các công trình giao thông và có nhiều các tuyến đường cao tốc hơn.
Hoặc trong lĩnh vực bóng đá, việc tư nhân tham gia vào bóng đá qua các hình thức tài trợ cho các câu lạc bộ, mở trung tâm đào tạo hay tài trợ cho đội tuyển quốc gia đã thu được những thành công rất lớn.
Ví dụ khác trong lĩnh vực hàng không, nhờ có sự tham gia của những “người chơi mới” như Bamboo, Vietjet Air, đã khiến cho các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực hàng không buộc phải chuyển mình.
“Tôi đã thấy sự thay đổi rõ rệt về chất lượng của Vietnam Airlines trong thời gian gần đây”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, việc khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ công, không chỉ góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư mà còn tạo động lực cạnh tranh, các doanh nghiệp phải nỗ lực để đưa ra chất lượng tốt với giá thành phải chăng.
Bà Trần Thị Quang Hồng, Trưởng Ban Nghiên cứu Pháp luật dân sự – kinh tế (Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp), cũng nhấn mạnh dịch vụ công trong ngành tư pháp còn xã hội hóa được thì các ngành không có lý do gì để không thực hiện.
Hiện nay, các hoạt động công chứng, thừa phát lại, giám định… của ngành tư pháp đã được xã hội hóa, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng, mở rộng cơ hội tiếp cận của người dân.
Dưới góc nhìn chuyên gia quốc tế, theo ông Micheal Greene, Giám đốc USAID, tới năm 2022, Việt Nam cần 26 tỷ USD cho các dự án hạ tầng nên cần những cách thức đầu tư và triển khai hiệu quả.
Để các dự án công tư được vận hành hữu hiệu, Việt Nam cần thúc đẩy môi trường cạnh tranh bình đẳng, thông qua quy trình mua sắm đấu thầu cởi mở.
Ông Micheal Greene kỳ vọng vào Luật về hợp tác công tư (PPP) đang được triển khai soạn thảo, tạo khuôn khổ pháp lý PPP hiệu quả để phát huy tính sáng tạo của khu vực tư nhân và thu hút nguồn lực vào phát triển đất nước với trọng tâm phục vụ người dân Việt Nam.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()