Từ nay đến năm 2020, các bến xe tại Hà Nội không tăng thêm lượt, tuyến
Ngày 2-6, UBND thành phố Hà Nội làm việc với Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các đơn vị liên quan về quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có mười bến xe khách liên tỉnh, với 540 tuyến vận tải hành khách từ Hà Nội đi 42 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết các bến xe đều nằm ở vị trí cửa ngõ thành phố hoặc nằm trên các tuyến đường trục kết nối với đường vành đai, thuận tiện trong giao thông đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tuy nhiên, các tuyến xe phân bố chưa đồng đều giữa các bến xe dẫn đến có bến quá đông khách như bến Mỹ Đình (hơn 1.600 lượt xe xuất bến/ngày), bến lại vắng khách như Nước Ngầm (224 lượt xe xuất bến/ngày). Một số bến xe chưa có sự kết nối hiệu quả với các phương tiện giao thông cộng cộng khác, chất lượng dịch vụ chưa cao cho nên chưa thu hút hành khách…
Trong khi đó, một số bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát lại bị quá tải, phải hạn chế xe vào hoạt động, trong khi nhu cầu đi lại vẫn cao, dẫn đến phát sinh xe dù, bến cóc, xe chạy sai hành trình, vượt tuyến… gây mất trật tự, ùn tắc giao thông khu vực. Chưa kể công tác tổ chức giao thông trong một số bến chưa tốt, không bố trí khu vực chờ cho ta-xi, bố trí chung cổng vào giữa xe buýt và xe khách… làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ vận tải và công tác bảo đảm an ninh trật tự khu vực chung quanh.
Trước thực trạng này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất cần quy hoạch luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Ưu tiên bố trí luồng tuyến từ các tỉnh, thành phố vào các bến xe ở Hà Nội theo nhu cầu và theo hướng tuyến như: Các tuyến theo quốc lộ 1, quốc lộ 1B, quốc lộ 5 đi vào bến xe Gia Lâm. Các tuyến đi theo hướng đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6 vào bến xe Yên Nghĩa. Các tuyến theo hướng quốc lộ 32, cầu Thăng Long vào bến xe Mỹ Đình. Các tuyến phía nam đi theo hướng quốc lộ 1, đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ vào bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm. Khi bố trí luồng tuyến phân bổ vào các bến không phân bổ tới công suất tối đa của bến, mà có xác định lượng dự phòng (10-15%) để phục vụ các ngày cao điểm. Một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cự ly gần như Hà Nội-Bắc Ninh chuyển thành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo, từ nay đến năm 2020, các bến xe trên địa bàn không được tăng thêm lượt, tuyến; chỉ được bố trí xe tăng cường thêm trong các ngày cao điểm dịp lễ, tết. Các bến xe cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách, góp phần điều chỉnh sự chênh lệch tần suất giữa các bến hiện nay.
Sở Giao thông vận tải và các đơn vị cần đánh giá kỹ hiện trạng các bến xe; rà soát biểu đồ luồng tuyến, tần suất hoạt động tại các bến xe để có cái nhìn tổng quát, rõ ràng giúp cho việc phân bổ luồng tuyến phù hợp. Bên cạnh đó, làm rõ tính kết nối của ba loại hình vận tải hành khách liên tỉnh, buýt kế cận và buýt nội đô để điều chỉnh những bất cập hiện nay, tổ chức không gian và hoạt động của các bến xe sao cho hiệu quả. Tổng Công ty vận tải Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến xe Xuân Phương để phục vụ các luồng xe đi quốc lộ 32…
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()